Để người dân chủ động bàn bạc giải quyết vấn đề cai nghiện
Báo Tiếng chuông - 18/04/2017
Cộng đồng vùng cao hoàn toàn có thể giải quyết được các vấn đề liên quan đến ma túy nếu các cấp chính quyền định hướng đúng và có những chủ trương, chính sách để người dân chủ động bàn bạc giải quyết.

Những năm qua, Thanh Hóa đã triển khai các biện pháp cai nghiện ma túy, trong đó có nhiều mô hình mang lại hiệu quả góp phần đảm bảo an sinh xã hội, an toàn an ninh trật tự tại địa phương.

Đầu tiên phải kể đến mô hình cai nghiện cho người nghiện ma tuý tại các xã biên giới huyện Mường Lát

 

Để triển khai thực hiện mô hình, các địa phương thành lập Tổ công tác cai nghiện (Tổ công tác cai nghiện có mời thêm cán bộ y tế của các đồn biên phòng). Sau khi thành lập và đi vào hoạt động, đã tham mưu cho Đảng ủy, HĐND phường ra Nghị quyết về công tác phòng, chống ma túy tại địa phương, ban hành quy chế phối hợp, các thành viên trong tổ được phân công cụ thể, đồng thời tiến hành rà soát thống kê, phân loại người nghiện ma túy trên địa bàn nhằm đánh giá tình hình đời sống, hoàn cảnh cụ thể của từng người nghiện ma túy, tuyên truyền vận động người nghiện ma túy tự giác đăng ký các hình thức cai nghiện ma túy phù hợp.

 

 

Họp Tổ công tác cai nghiện. Ảnh internet

 

 

Sau khi người nghiện đăng ký tham gia cai nghiện, UBND huyện lựa chọn trạm y tế xã Tam Chung làm địa điểm để tổ chức cắt cơn nghiện cho 12 người nghiện ma tuý.

 

Khi người nghiện hoàn thành thời gian cắt cơn nghiện, Tổ công tác cai nghiện phân công cụ thể từng thành viên tham gia quản lý, giáo dục nhằm giúp cho người nghiện ổn định cuộc sống tái hòa nhập cộng đồng. Đồng thời, phân công Đội công tác xã hội tình nguyện làm lực lượng nòng côt xây dựng phong trào đoàn kết cộng đồng, tổ chức nhiều hoạt động văn nghệ, thể dục thế thao tại các bản, tạo nên những sân chơi lành mạnh cho người tham gia cai nghiện nói riêng và người dân tại các xã nói chung.

 

Kết quả triển khai thực hiện đã tổ chức cai nghiện cho 12 người nghiện đến nay có 8 người chưa tái sử dụng lại ma tuý và đang có cuộc sống ốn định.

 

Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thanh Hóa, cộng đồng vùng cao hoàn toàn có thể giải quyết được các vấn đề liên quan đến ma túy nếu các cấp chính quyền định hướng đúng và có những chủ trương chính sách để người dân chủ động bàn bạc giải quyết, vì đây là một cộng đồng, có những mối quan hệ rất ràng buộc nhau: quan hệ huyết thống, dòng họ, dân tộc. Họ sẵn sàng giúp đỡ nhau, đùm bọc lẫn nhau, những vấn đề nảy sinh ở cộng đồng rất nhanh chóng được mọi người thông tin cho nhau. Vì vậy, những vấn đề xấu ảnh hưởng đến đời sổng của họ cũng được quan tâm giải quyết hợp tình, hợp lý…

 

Bên cạnh đó, do điều kiện kinh tế - xã hội đồng bào còn khó khăn, cần có sự hỗ trợ tích cực về vật chất và cách thức tổ chức thực hiện để góp phần xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống văn hoá, xây dựng phong trào văn hoá, văn nghệ, thể thao. Có như vậy, việc phòng chống lạm dụng ma tuý mới có kểt quả bền vững.

 

Tăng cường cai nghiện tại cộng đồng

Một mô hình khác mang lại hiệu quả tại Thanh Hóa là Mô hình cai nghiện tại cộng đồng ở huyện Nông Cống, Thọ Xuân và huyện Vĩnh Lộc.

 

Để tổ chức cai nghiện tại cộng đồng, các địa phương thống kê, rà soát, phân loại người nghiện hiện có trên địa bàn. Từ kết quả rà soát hướng dẫn các địa phương và gia đình đối tượng tự nguyện đăng ký tham gia chương trình cai nghiện, số người được tham gia trong chương trình cai nghiện được hỗ trợ tiền thuốc cắt cơn nghiện, tiền ăn trong thời gian cắt cơn nghiện. Khi người nghiện tự nguyện tham gia cai nghiện, Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội đã phối hợp với các địa phương tổ chức khám, cấp thuốc điều trị bệnh và tổ chức cai cắt cơn cho 30 người nghiện ma túy theo phác đồ “An thần kinh”.

 

Sau khi cắt cơn giải độc ở trạm y tế xã 15 ngày, người nghiện ma tuý được đưa về gia đình chăm sóc. Tại gia đình họ phụ giúp vợ con làm việc nhà, tham gia hoạt động thể thao, tập thể dục để giúp họ tăng cường các hoạt động lành mạnh, thay đổi lối sống gần bạn bè nghiện ma tuý, hạn chế hành vi gợi nhớ đến việc sử dụng ma túy. Hiện nay, số người tham gia chương trình đang trong giai đoạn phục hồi sức khỏe và được quản lý tốt ở gia đình và cộng đồng.

 

Xác định công tác trợ giúp và quản lý người nghiện tại cộng đồng là giai đoạn quan trọng nhất, quyết định tỷ lệ tái nghiện cao hay thấp, do đó Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội đã chỉ đạo các địa phương phân công cụ thể nhiệm vụ cho các thành viên trong tổ công tác cai nghiện, đồng thời hướng dẫn phương pháp tổ chức các nội dung sinh hoạt phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Do đó, người nghiện đã tin tưởng tự giác tham gia các hoạt động điều trị nghiện ma tuý. Họ thể hiện nguyện vọng, mong muốn được cai nghiện từ bỏ ma tuý và giải quyết những khó khăn và học được những kỹ năng mới giúp họ cai nghiện tốt hơn. Mặt khác, các địa phương cũng tăng cường công tác tuyên truyền tác hại của ma tuý, các chính sách pháp luật của Nhà nước đối với công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng.

 

Đặc biệt là thân nhân và gia đình người cai nghiện ma túy được hướng dẫn cách chăm sóc, quản lý sau điều trị nên cũng có nhiều thuận lợi và đã có gia đình tiếp tục đăng ký cho người nghiện vào Trung tâm để thực hiện tiếp các quy trình phục hồi sức khỏe, học văn hóa, hướng nghiệp và được quản lý trong trung tâm trong một thời gian nhất định trước khi về gia đình.

 

Để giúp người nghiện và nhân dân nắm rõ tác hại của tệ nạn ma tuý, hiệu quả của việc từ bỏ ma tuý và các biện pháp phòng tránh tái nghiện, Chi cục đã biên soạn các tài liệu theo hướng dẫn của Cục và căn cứ vào đặc điểm tình hình của địa bàn dân cư để tổ chức các hoạt động truyền thông, tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp như: cấp phát tờ rơi, tuyên truyền miệng, in tài liệu để các địa phương phát thường xuyên trên đài truyền thanh của xã (đối với những địa phương có đài truyền thanh), hoặc đưa về cho các tổ chức quần chúng như Thanh niên, Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh... để làm tài liệu tuyên truyền trong sinh hoạt hội, đoàn thể...

 

Mô hình cai nghiện tại cộng đồng ở huyện Nông cống, Thọ Xuân và huyện Vĩnh Lộc là một mô hình mới phù hợp với điều kiện của tỉnh Thanh Hoá trong việc điều trị nghiện ma tuý và mang tính bền vững tại cộng đồng, cho nên các hoạt động của mô hình được các nhóm đối tượng đích và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn các xã của 3 huyện ủng hộ và tích cực tham gia.

 

Các hoạt động nâng cao nhận thức của người dân được duy trì thường xuyên, đã tạo cho các địa phương có người nghiện tham gia mô hình chủ động trong việc giải quyết những vấn đề phát sinh do ma tuý gây ra.

 

Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thanh Hóa, muốn duy trì hoạt động của mô hình một cách có hiệu quả, các cấp, các ngành cần có sự đầu tư về nhân lực, tập huấn trang bị kiến thức, truyền thông, đầu tư kinh phí đế thực hiện. Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục phải được cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, nhằm thay đổi cách suy nghĩ không kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người nghiện và thân nhân của họ đế người nghiện có cơ hội hòa nhập với cộng đồng.