Người anh hùng lên núi đánh giặc
Một sáng tháng 3-1967, cũng như mọi ngày, tiếng gầm rú điên loạn của đủ loại máy bay cất cánh từ sân bay Thành Sơn (thị xã Phan Rang) làm cho bà con Rắc Lây phải chui lủi vào hang đá như trốn những con ác thú trên bầu trời.
Chứng kiến cảnh dân làng bị bắn giết thảm thương, Chamaléa Châu căm cái bụng lắm, anh nói: “Bom đạn thằng Mỹ ném xuống núi rừng của lũ làng có dày bằng hạt bắp của mình ném trên nương rẫy hay không? Vậy thì lũ làng hãy rời hang đá, lên núi Rã cùng với mình để đánh nó, không cho nó giết đàn bà, con nít nữa”.
Cầm cây súng trường trong tay, Chamaléa Châu bò dần lên đỉnh núi. Quan sát thấy một đàn máy bay đầm già lừ lừ tiến đến gần, anh bình tĩnh lên đạn và nhắm vào thằng phi công đeo mắt kính chỉ cách mình chừng 20m. Đây là những phát súng “thí điểm” của dân quân huyện Bác Ái sau đợt huấn luyện bắn máy bay bằng súng trường với mô hình máy bay giả.
Súng chỉ có mươi viên đạn, Chamaléa Châu biết rằng anh phải rất dè xẻn vì chính đồng chí Pinăng Tắc (Anh hùng LLVTND, người sáng tạo ra chiếc bẫy đá huyền thoại của người Rắc Lây để đánh giặc) đã bảo “mỗi viên đạn chính là một giọt máu của đồng chí mình dưới xuôi chuyển lên”… Trước đó, dường như mải mê đi quần dưới Phan Rang nên bọn “giặc lái” lên đến Bác Ái trễ hơn mọi ngày.
Trên đỉnh núi Rã trọc trọi và khô khốc, Chamaléa Châu đã phải liếm đến giọt nước cuối cùng mà amúh, akay (ông già, bà già làng) tiếp tế cho anh, để chờ máy bay. Nước ở đây rất quý vì nguồn nước ngoài suối đã nhiễm chất độc hóa học của giặc rồi. Các ană (con) đã chết rũ khi uống phải loại nước đó, các awây (mẹ) khóc cạn nước mắt rồi…, hình ảnh đó làm Chamaléa Châu thêm căm thù và quyết tâm.
Thằng phi công ngồi trên buồng lái đeo cặp kính đen trũi, mắt nó dáo dác nhìn xuống mặt đất như con K’la Malai (Ó Ma lai-hình tượng quỷ dữ chuyên ăn gan ruột con người) đang tìm mồi. Chamaléa Châu giương súng lên ngắm rồi bóp cò. Chiếc máy bay xoay tròn mấy vòng rồi phủ chụp xuống mỏm đá núi sừng sựng, cột lửa bốc lên cao ngất trời, lũ làng hò reo động núi. Chiếc máy bay thứ hai, rồi chiếc thứ ba cũng không kịp quay đầu chạy.
Cứ dứt khoát từng phát, từng phát một, Chamaléa Châu hạ gục đến bốn máy bay địch, trong đó có ba chiếc lên thẳng và một thằng L19, chỉ bằng khẩu súng trường và chục viên đạn. Bọn còn lại tháo chạy tán loạn về phía Phan Rang! Từ thành công ban đầu, phong trào bắn máy bay trên núi lan rộng khắp chiến khu Bác Ái. Chỉ tính trong năm 1967, quân dân Bác Ái đã bắn rơi 70 chiếc máy bay địch (riêng Chamaléa Châu “thịt” 7 chiếc) ngay tại núi Rã, 107 giặc lái đền tội. Tên tuổi người chiến sĩ Rắc Lây Chamaléa Châu vang danh trên núi Rã.
Nhà Chamaléa Châu bây giờ ngay bên chân ngọn núi oai hùng xưa. Chỉ có điều mấy mươi năm nay, dù hòa bình đã về trên khắp núi rừng Bác Ái, nhưng do điều kiện địa lý và thiên nhiên khắc nghiệt, cả huyện vẫn chưa thoát cảnh nghèo khó. Cái đói đã không còn ngự trị trong cộng đồng người Rắc Lây nhưng cái nghèo vẫn chưa buông tha bà con.
Cả xã, cả huyện, rồi cả tỉnh Ninh Thuận vẫn “nát óc” từng ngày để tìm lối ra trên cái khô nóng khắc nghiệt của xứ sở xương rồng. Chamaléa Châu bây giờ đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND và cũng trở thành một ông già du mục Rắc Lây như truyền thống của dân tộc mình.
Nhưng ông Châu nghĩ: Nếu cứ du canh, du cư, trồng nương trồng rẫy mãi trên mảnh đất khô cằn thì cũng chỉ đến chết đói thôi. Còn muốn làm giàu thì không có cách nào hơn là phải làm ăn lớn. “Thời chiến tranh không được đi học, nên giờ Chamaléa Châu này không nhiều chữ, chỉ có kinh nghiệm chăn nuôi và cái quyết tâm làm theo cán bộ nông nghiệp thôi”, Chamaléa Châu nói.
Đã hơn 13 tháng qua, cả huyện chỉ đón nhận đúng ba cơn mưa đủ ướt áo, rồi thôi. Vậy thì nguồn cỏ tươi đâu dành cho chăn nuôi? Chamaléa Châu thì ra chiều bí hiểm, trỏ lên phía núi, nheo đôi mắt của một ông cụ lục tuần hãy còn rất sáng, ông cười: “Núi Rã là nhà của mình mà. Ở trên đó, mình biết đâu có nước, đâu có cỏ, đâu là bãi trống thả súc vật mà không sợ thú dữ dòm ngó mà”.
“Nhưng ai sẽ là người chăn bò, ông hay vợ?”
Trên lưng... dê: cuộc sống người Răclây gắn liền chăn nuôi. | “Vợ mình sức yếu lắm, bà ấy chỉ quanh quẩn dưới núi thôi. Mình còn sức nên mỗi khi hạn hán lại lùa bò, dê lên núi ăn cỏ. Nhờ đó mà không bao giờ chúng nó đói bụng đâu!”.
Chuyện chăn nuôi bò của ông Châu cũng rất khác cộng đồng người Rắc Lây. Ông tin vào khoa học nên chỉ nhận phối giống bò lai Sind cho bò cái. Ấy thế nên lũ bê con, con nào con nấy đều lớn phổng, béo trùng trục, khác hẳn giống bò cỏ địa phương. Mỗi khi bò yếu, ông Châu đều chạy ra huyện nhờ cán bộ thú y đến “ngó qua cái chuồng giùm mình”.
Từ một con bò vay vốn xóa đói giảm nghèo buổi ban đầu, đến nay đàn bò nhà ông đã có trên chục con, trị giá khoảng 100 triệu đồng - một số vốn khó mà tưởng tượng ra tại vùng nắng gió và khô hạn, trong một gia đình người dân tộc Rắc Lây. Thấy ông Châu nuôi bò mát tay, nhiều người trong làng rủ nhau bắt chước ông. Có người nghèo quá không có vốn, lại chẳng thuộc diện được vay, ông Châu cho mượn bê con và chỉ cách trồng cỏ, chỉ bãi chăn thả, lại còn bắt buộc phải cho lai với bò Sind mà theo lời ông là “bán giá cao ngất trời”.
|