Các nhà thầu xây lắp tính tiền lương cho người lao động như thế nào?
Các Website khác - 17/02/2006
Nhà thầu nào tính không hết, bỏ giá thầu thấp để được trúng thầu thì sẽ gặp vô vàn khó khăn. Khi ấy sẽ phải giảm chi trong quản lý, trong tổ chức điều hành, trong việc mua sắm, và quỹ tiền lương nhân công, tức là hạ thấp thu nhập người lao động.
Các đơn vị xây dựng các công trình công nghiệp, vừa xây dựng vừa gia công thiết bị, máy móc, kết cấu, vừa lắp đặt... được gọi là các đơn vị xây lắp; trong cơ chế thầu, được gọi tắt là các nhà thầu xây lắp. Tiền lương và thu nhập của người lao động phụ thuộc nhiều vào năng lực của các nhà thầu. Và công đoàn có vai trò động viên CNVC-LÐ chia sẻ cùng doanh nghiệp cả khi thuận lợi và lúc khó khăn.

Ở lĩnh vực công nghiệp xây dựng hiện nay, có các nhà thầu xây lắp lớn, uy tín như Vinaincon, Lilama, Sông Ðà, Licogi (trong bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập vấn đề tiền lương cho cán bộ, công nhân viên và người lao động trong các nhà thầu xây lắp).

Trong quá trình xây dựng giá thầu, chủ đầu tư cũng tính phần nhân công để cấu thành giá thầu. Căn cứ để tính toán phần nhân công, tiền công xây lắp trước hết dựa theo khối lượng, các quy định của Nhà nước hiện hành như lương tối thiểu, các chế độ của người lao động, mặt bằng tiền công ở khu vực, điều kiện làm việc, khí hậu... Việc tính toán hợp lý, tính đủ sẽ góp phần làm cho giá thầu sát thực tế. Tuy nhiên, phần chi phí nhân công chỉ là một phần trong toàn bộ giá thầu, nên việc xác định giá thầu sát và hợp lý còn phụ thuộc rất nhiều vào việc tính toán các chi phí khác như mua thiết bị, mua vật tư, nguyên nhiên vật liệu, chế tạo, quản lý, v.v...

Ðã là nhà thầu, thì phải làm bài thầu. Dù được chỉ định thầu thì cũng phải làm bài thầu để xác định được giá mình có thể làm là bao nhiêu? Ở đây có vấn đề là với thiết kế và các yêu cầu của dự án như vậy, cuối cùng tổng giá trị thầu là bao nhiêu thì nhà thầu làm được. Trong đó tính đủ các chi phí, kể cả trả lãi cho vốn vay, cả lợi nhuận, cả phần tiền nhân công thỏa đáng để người lao động yên tâm gắn bó với doanh nghiệp, phấn khởi làm việc. Ðó là một yếu tố quan trọng góp phần nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm.

Như vậy, nhà thầu nào tính không hết, bỏ giá thầu thấp để được trúng thầu thì sẽ gặp vô vàn khó khăn. Khi ấy sẽ phải giảm chi trong quản lý, trong tổ chức điều hành, trong việc mua sắm, chế tạo và quỹ tiền lương nhân công, tức là hạ thấp thu nhập người lao động. Cho nên với chủ đầu tư có kinh nghiệm, họ cũng "cảnh giác" với những nhà thầu bỏ giá thấp. Nếu giá bỏ thầu thấp do có giải pháp công nghệ xây, lắp, chế tạo sáng tạo thì điều đó có lợi cho cả hai bên: chủ đầu tư thì tiết kiệm được tiền đầu tư, nhà thầu thì dễ thắng thầu. Mặc dù cơ chế hợp đồng kinh tế là lời ăn lỗ chịu, nhưng nếu nhà thầu thật sự lỗ do tính toán thiếu, thì cũng khó hoàn thành suôn sẻ công trình như đã thỏa thuận.

Như vậy, đặt ra vấn đề là người làm công ăn lương (gọi chung là người lao động) trong nhà thầu xây lắp xác định trách nhiệm và quyền lợi như thế nào cho phù hợp cơ chế thầu trong nền kinh tế thị trường. Chúng tôi cho rằng sẽ có các trường hợp sau:

- Nhà thầu nhận được, ký được những gói thầu, dự án với giá hợp lý, các chi phí sát với thực tế tổ chức thi công, giá cả vật tư nhiên liệu... ổn định trong quá trình xây lắp. Và như vậy tiền công cũng nằm trong hạch toán, tương xứng với sức lao động và mặt bằng thu nhập ở khu vực thì người lao động sẽ yên tâm, phấn khởi, tin tưởng để làm việc tốt, giữ gìn thương hiệu và uy tín của nhà thầu.

- Nếu chẳng may, nhà thầu đã ký với giá thấp hơn giá thành thực tế, hoặc những biến động giá cả bất lợi cho nhà thầu, nhà thầu phải có những giải pháp và không phải khi nào cũng có để bù vào sự thiếu hụt kia. Và khi đó, tiền công của người lao động có thể phải giảm so với dự kiến ban đầu nếu không có điều kiện tài chính dự trữ hỗ trợ. Người lao động lúc này phải chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, gắn bó với doanh nghiệp, tiếp tục làm việc tốt để giữ uy tín và thương hiệu của công ty. Dĩ nhiên, năng lực làm bài thầu của doanh nghiệp không ổn, nhiều lần hoặc liên tục rơi vào tình trạng này thì sẽ khó khăn do bị lỗ. Phải động viên thật tốt người lao động để họ tiếp tục làm việc, cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, chờ đợi thời điểm thuận lợi sắp tới, không bỏ đi tìm việc nơi khác.

- Việc trả tiền công và phân phối hiệu quả của nhà thầu ở từng công trình và hằng năm cho người lao động cũng hết sức quan trọng. Khi doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả, người lao động (từ người quản lý điều hành, cán bộ kỹ thuật đến công nhân) đều cần được quan tâm về thu nhập như lương, thưởng, bồi dưỡng, quà trong dịp lễ, Tết, v.v. và đời sống tinh thần, tình cảm (thăm hỏi, tham quan, học tập...). Ðược như vậy, người lao động sẽ phấn khởi, tự hào, tin yêu doanh nghiệp. Nếu nhà thầu có hiệu quả cao (lãi nhiều), thu nhập của người lao động chỉ được giữ nguyên như kế hoạch hoặc thậm chí giảm, trong khi cổ tức cao hoặc thu nhập của một bộ phận cán bộ quản lý điều hành quá chênh lệch sẽ làm mất đi sự phấn khởi của tập thể người lao động.

Ba trường hợp nêu trên chỉ là tiêu biểu nói lên việc làm ăn của nhà thầu liên quan trách nhiệm, quyền lợi của người lao động. Nhà thầu phải phấn đấu nâng cao năng lực, trước hết về tài chính và đội ngũ chuyên gia quản lý và kỹ thuật lành nghề. Từ đó có thể trở thành nhà tổng thầu để thực hiện hợp đồng "chìa khóa trao tay", có thể kinh doanh, dịch vụ từ khâu khảo sát, thiết kế đến phần chế tạo, xây dựng, lắp đặt với công nghệ tiên tiến bằng tài chính của nhà thầu (toàn bộ hoặc một phần giá trị dự án). Ðược như vậy, độ an toàn của nhà thầu, thu nhập của người lao động sẽ ổn định hơn. Sắp tới, khi Nhà nước ban hành Luật Ðấu thầu, cơ chế thầu sẽ phát huy tính tích cực hơn nữa trong giai đoạn công nghiệp hóa cao của đất nước. Dù trong điều kiện nào, nhà thầu cũng phải phấn đấu bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của doanh nghiệp là chủ sở hữu và cổ đông là người lao động. Người lao động (có thể cũng là cổ đông khi doanh nghiệp cổ phần hóa) phải xác định doanh nghiệp là nơi tạo việc làm cho mình, có lúc thuận lợi, có lúc khó khăn, thậm chí thiếu việc làm thì cùng chia sẻ với doanh nghiệp, người quản lý để vượt qua, gắn bó với doanh nghiệp, giữ vững và nâng cao uy tín của thương hiệu nhà thầu.

Tổ chức công đoàn cơ sở đại diện cho người lao động thực hiện tốt nhiệm vụ chức năng của mình là bảo vệ quyền lợi, tuyên truyền giáo dục người lao động và tham gia quản lý đơn vị. Nhưng trước hết, công đoàn quan tâm và tham gia ngay từ đầu việc làm các bài thầu sao cho tiền lương, tiền công của người lao động chiếm một tỷ lệ hợp lý, tránh trường hợp vì bỏ giá thầu thấp mà hậu quả như đã phân tích ở trên dẫn đến phải giảm thu nhập của họ. Bên cạnh đó, một đặc điểm của nghề xây lắp công nghiệp là đội ngũ CBCNV có trình độ chuyên môn, tay nghề tốt, lại phải làm việc trong điều kiện khá nguy hiểm (trên cao, có áp lực, có điện, mặt bằng đang thi công ngổn ngang...), khá nặng nhọc và đòi hỏi sự hợp tác, phối hợp giữa nhiều người. Vì vậy, công đoàn chủ động và hết sức chú ý công tác bảo đảm an toàn lao động, trong đó việc tuyên truyền, nâng cao ý thức người lao động, trách nhiệm người quản lý và kiểm tra, đôn đốc thực hiện là rất quan trọng. Thực tế mấy năm qua ở Tổng công ty Xây dựng Công nghiệp Việt Nam, với sự chủ động tham gia của công đoàn, công tác an toàn lao động được sự quan tâm cao của người quản lý các cấp, nên kiềm giữ số vụ tai nạn lao động và số vụ nghiêm trọng hằng năm, trong điều kiện tăng cả doanh thu và số lượng người lao động làm tăng trưởng hằng năm đến 15%, là một cố gắng lớn.

Ðể bảo đảm tiến độ và chất lượng công trình, bên cạnh công tác tổ chức và cơ chế quản lý tốt thì yếu tố tâm lý, yếu tố tinh thần của tập thể lao động trong phong trào thi đua, sự động viên người lao động có thành tích bằng vật chất, tinh thần thật sự tạo ra sức mạnh. Phong trào thi đua đã được đề ra với mục tiêu tiến độ cho từng hạng mục, cho toàn bộ công trình, công bố rõ mức độ thưởng vật chất và tôn vinh về tinh thần của chủ đầu tư, nhà thầu và tổ chức công đoàn đã cho thấy hiệu quả không chỉ về sản xuất, kinh doanh mà còn về xây dựng đội ngũ.

Công đoàn cần tập trung tuyên truyền cho người lao động về quyền lợi và nghĩa vụ, pháp luật, tình hình sản xuất, kinh doanh, những khó khăn thuận lợi của các gói thầu đang thực hiện... Từ đó góp phần làm minh bạch các hoạt động của doanh nghiệp, làm người lao động gắn bó, tham gia với doanh nghiệp thực hiện các chế độ chính sách của Nhà nước, xây dựng và thực hiện thỏa ước lao động tập thể, tạo nên khí thế lao động sáng tạo, góp phần phát triển doanh nghiệp, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, tạo sự hài hòa phát triển bền vững của doanh nghiệp.

HOÀNG HỢP
Chủ tịch Công đoàn
Tổng công ty Xây dựng
Công nghiệp Việt Nam