Huy động mọi nguồn lực tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng
Các Website khác - 17/02/2006
Việc thực hiện "ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội ở nông thôn như hệ thống thủy lợi, giao thông, điện, nước sạch, các khu, cụm công nghiệp, trường học, trạm y tế, chợ, bưu chính- viễn thông, thúc đẩy quá trình đô thị hóa nông thôn phù hợp điều kiện của từng vùng" cần đến nguồn vốn đầu tư rất lớn mà chỉ dựa vào vốn từ ngân sách nhà nước thì không đủ.
Nghiên cứu Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Ðại hội X của Ðảng, tôi thấy Báo cáo đã tổng kết, đánh giá một cách chân thật, khách quan những việc đã làm được, chưa làm được; những kinh nghiệm của nhiệm kỳ qua và mục tiêu, phương hướng phát triển trong năm năm tới. Một trong những biện pháp để thực hiện mục tiêu mà trong phần IV, mục 2 - Nâng cao vai trò và hiệu lực quản lý của Nhà nước, nêu rõ: "Hỗ trợ phát triển, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội quan trọng". Một trong những hệ thống kết cấu hạ tầng quan trọng là giao thông được đầu tư và xây dựng mạnh mẽ. Từ sau Ðại hội IX, Nhà nước đã dồn tiền, của, xây dựng hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt bắc - nam, quốc lộ 1A; quốc lộ 5; quốc lộ 10; quốc lộ 18A, cùng các cầu, đường hầm, cảng biển lớn... lập thành một hệ thống giao thông thông suốt trong cả nước, thúc đẩy nhanh việc phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, giữ vững quốc phòng, an ninh. Toàn dân vững tin vào đường lối đổi mới của Ðảng.

Tuy nhiên, yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và thực hiện "ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội ở nông thôn như hệ thống thủy lợi, giao thông, điện, nước sạch, các khu, cụm công nghiệp, trường học, trạm y tế, chợ, bưu chính- viễn thông, thúc đẩy quá trình đô thị hóa nông thôn phù hợp điều kiện của từng vùng" (Dự thảo Báo cáo Chính trị), thì cần đến nguồn vốn đầu tư rất lớn mà chỉ dựa vào vốn từ ngân sách nhà nước thì không đủ. Vì vậy, huy động mọi nguồn lực tham gia xây dựng cơ sở kết cấu hạ tầng là rất quan trọng. Trước hết là nguồn lực từ Nhà nước. Những công trình kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội cấp quốc gia thì Nhà nước đầu tư. Ði liền với việc "Nhà nước đầu tư" là phải quản lý, giám sát chặt chẽ. Việc này năm năm qua làm chưa tốt, gây thất thoát và lãng phí quá nhiều. Còn nói "hỗ trợ" như đã nêu trên thì phải cụ thể, là ở công trình nào? đến mức nào? hỗ trợ ra sao? Ðối với việc xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở ở địa phương thì tỉnh, thành phố phải có chính sách, khuyến khích các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế, thu hút nguồn lực đầu tư xây dựng của toàn xã hội bằng nhiều hình thức khác nhau. Chính sách hay quy định phải bảo đảm được lợi ích của nhà đầu tư cũng như trách nhiệm của họ với việc xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, chất lượng và hiệu quả sử dụng các công trình.

Và, điều quan trọng để huy động và sử dụng mọi nguồn lực có hiệu quả là phải làm tốt việc quy hoạch toàn diện, đồng bộ cho từng huyện, từng xã, vùng, miền. Quy hoạch có chất lượng thì đầu tư mới hiệu quả, mới xóa được tình trạng "đào lên, lấp xuống" gây lãng phí rất lớn.

Nguyễn Minh Bạch
Giám đốc Sở GTVT
tỉnh Quảng Ninh


Tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể

Nội dung Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Ðại hội X của Ðảng được chuẩn bị khá chu đáo và chặt chẽ, báo cáo thể hiện rõ chặng đường lãnh đạo của Ðảng ta, nhất là 20 năm đổi mới, một lần nữa khẳng định vai trò lãnh đạo của Ðảng trong sự nghiệp phát triển của toàn dân tộc.

Lần này, Ban Bí thư tổ chức lấy ý kiến toàn thể nhân dân và một lần nữa Ðảng ta thể hiện dân chủ, công khai trong xây dựng đường lối phát triển đất nước. Nhân dân nơi chúng tôi sinh sống rất phấn khởi và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Ðảng. Chính vì vậy, trước hết chúng tôi hoàn toàn nhất trí với Dự thảo Báo cáo Chính trị và xin có một vài ý kiến nhỏ.

Sống ở vùng đất Tây Nguyên, nơi có 44 dân tộc anh em chung sống, chúng tôi mới thấm thía vai trò của Mặt trận trong tập hợp và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân trong sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội cũng như các hoạt động khác ở cơ sở. Trong Dự thảo Báo cáo có phần "phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân"... Vấn đề tiếp tục đổi mới là rất quan trọng trong giai đoạn cách mạng hiện nay vì có tiếp tục đổi mới mới tập hợp, phát huy được vai trò của quần chúng và thông qua đó, Ðảng ta ngày càng mạnh thêm.

Thành tựu trong năm năm qua là rất lớn, song như Dự thảo Báo cáo Chính trị đã nêu, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở nhiều nơi còn thụ động, mang tính hành chính, hình thức... điều này đã ảnh hưởng không ít đến sự phát triển ở từng cơ sở, dẫn tới vẫn còn đói nghèo, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa ở một số nơi chưa khởi sắc, như ở Ðác Lắc nơi chúng tôi đang sống là một thí dụ.

Một thực tế là không ít địa phương, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chưa phát huy tốt vai trò là cầu nối giữa Ðảng, chính quyền với nhân dân. Ðội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, mặt trận, đoàn thể còn bất cập về số lượng, trình độ và năng lực, chậm đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động. Tỷ lệ tập hợp đoàn viên, hội viên tham gia vào tổ chức còn thấp, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Mối quan hệ giữa Mặt trận và các đoàn thể với tổ chức đảng, chính quyền ở một số nơi thiếu chặt chẽ, chưa phát huy có hiệu quả sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân trong thực hiện nhiệm vụ chính trị. Công tác vận động quần chúng, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng tôn giáo, vùng dân di cư tự do tuy có quan tâm nhưng chưa tạo sự chuyển biến thật sự, chưa chú ý xây dựng lực lượng nòng cốt trong các phong trào cách mạng của quần chúng... Do đó chưa nắm bắt kịp thời mọi diễn biến ở những vùng này. Nguyên nhân của tình trạng trên là do phương thức lãnh đạo của Ðảng ở một số nơi chậm đổi mới, chưa chú trọng đến nghiên cứu những vấn đề thực tiễn đang đặt ra, tình trạng xa dân, không sát cơ sở, thiếu trách nhiệm của một số bộ phận cán bộ vẫn còn...

Từ cách nhìn nhận đó, thiết nghĩ, đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể, trước hết phải tiếp tục quán triệt và thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh và những quan điểm của Ðảng về phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc và về mối quan hệ giữa Ðảng với nhân dân. Trong đó thực hiện tốt chính sách đại đoàn kết dân tộc nắm vững đặc điểm, nội dung và phương thức vận động quần chúng trong tình hình mới. Phải đi sâu, đi sát cơ sở, lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của nhân dân, hướng dẫn, giúp đỡ nhân dân giải quyết khó khăn, kịp thời xử lý những mâu thuẫn phát sinh trong thực tế. Tăng cường mối quan hệ mật thiết với nhân dân thông qua việc đề ra các chủ trương, chính sách hợp lòng dân, nhất là quan tâm bộ phận dân cư đang khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng căn cứ kháng chiến, vùng sâu, vùng xa. Thông qua Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, triển khai có hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở, thực hiện "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra", không ngừng đổi mới phương thức hoạt động để củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thực hiện có hiệu quả các mục tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh. Việc đổi mới phương thức hoạt động là rất cần thiết để hướng mạnh về cơ sở, chú trọng việc bảo vệ quyền lợi chính đáng và chăm lo xây dựng đời sống cho đoàn viên, hội viên, xây dựng các tổ chức này thật sự là cầu nối giữa Ðảng, chính quyền và nhân dân.

Chúng ta tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và tự do không tín ngưỡng của nhân dân, thực hiện bình đẳng và đoàn kết lương giáo, đồng thời kiên quyết đấu tranh chống lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ giữa các dân tộc, làm mất ổn định, chính trị và vi phạm quyền tự do theo hay không theo tôn giáo của công dân.

Y Minh Mlô
(13 Cao Bá Quát,
Buôn Ma Thuột, Ðác Lắc)