Đinh tặc TP.HCM hát trường ca "hành" dân
Các Website khác - 12/10/2005

(VietNamNet) - Đang đổ dốc cầu Sài Gòn với tốc độ cao, chiếc xe gắn máy bất ngờ chệnh choạng tay lái; bánh sau xe đảo qua đảo lại như có ai lắc. Chủ xe vừa bị rải đinh sẽ được đón lõng rồi chặt đẹp đúng quy trình.

“Giặc đinh sắt” biến tướng

Từ ngã tư Hàng Xanh đến trạm 2 (Thủ Đức), chúng tôi quan sát và thử làm một cuộc thống kê về số lượng tiệm sửa xe dọc hai bên đường. Đếm sơ sơ cũng có đến trên 100 tiệm sửa xe, bơm hơi vá ép, hữu danh cũng có mà vô danh cũng có, làm ăn theo kiểu “treo đầu dê bán thịt chó” cũng có, chúng nằm xen kẽ san sát với nhau. Con số này dường như phản ánh đúng thực trạng “thời ăn nên làm ra” của nghề vá xe. Lẫn trong số tiệm sửa xe hỗn tạp ấy, chúng tôi thấy có nhiều điểm bất thường…

Soạn: AM 581364 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Tiệm sửa xe nhưng không thấy thợ...

Đang đổ dốc cầu Sài Gòn với tốc độ cao, chiếc xe gắn máy biển số 53N- 3422 bất ngờ lảo đảo, tay lái chệnh choạng; bánh sau xe đảo qua đảo lại như có ai lắc. Người đàn ông dừng xe, xăm xoi vỏ lốp, sau một hồi, anh rút ra cây đinh nhọn hoắt rồi lắc đầu tỏ vẻ chán chường. Cách đó không xa, bên lề đường, một tấm biển để hàng chữ trắng “sửa xe honda bơm hơi” nổi bật trên nền bảng đen như đang mời gọi khổ chủ.

Chúng tôi xuống xe dắt bộ, đi song song với anh An (người vừa bị cán đinh). Tưởng chúng tôi cũng là nạn nhân của “giặc đinh sắt”, anh nói có vẻ hiểu biết: “Mấy ông nhổ đinh ra chưa? Nếu cứ để vậy mà dắt là coi chừng tiêu luôn cái ruột xe đó!”.

Soạn: AM 581370 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Bảng chỉ dẫn rất tường tận.

Sau một quãng dắt bộ, chúng tôi tấp ngay vào tiệm sửa xe bên đường. “Tiệm sửa xe” ấy “trú ngụ” gần quán bán nước mía, nước giải khát cách chân cầu Sài Gòn khoảng 200m. Tiệm tuyệt nhiên không có tên hiệu, địa chỉ, đồ nghề sửa xe và đặc biệt không thấy bóng dáng của thợ. Chỉ có những lốp xe, ruột xe được móc trên tấm bảng thấp lè tè lẫn trên hàng rào kẽm mà có lẽ “ông chủ” tiệm cũng phải tốn nhiều nước bọt mới được chủ nhà cho phép làm nơi quảng cáo miễn phí.

Bà chủ bán quán đon đả kéo ghế mời chúng tôi ngồi rồi vội nói: “Mấy chú cứ ngồi đây uống nước, để tui gọi thằng em nó ra sửa xe cho”. Ít phút sau, người đàn bà trở lại, có thêm một thanh niên khoảng 26 tuổi, tóc hoe nắng, cởi trần, mặc quần sọc trắng bê bết dầu mỡ trên tay cầm theo hộp gỗ đồ nghề. “Cán đinh hả? Thay ruột đi, bốn chục (40.000 đồng), bảo đảm ruột xịn của Nhật đó” - gã mở lời. Anh An ngậm ngùi đồng ý vì muốn cho xong việc. Còn chúng tôi chê mắc, yêu cầu chỉ bơm hơi rồi lên xe chuồn thẳng.

Những thợ sửa xe di động

Dọc theo xa lộ Hà Nội, hướng từ trung tâm thành phố ra đến trạm 2, chúng tôi đếm trên 14 điểm vá xe tương tự như tiệm sửa xe dưới chân cầu Sài Gòn. Đặc điểm chung của các tiệm là chỉ có tấm bảng nhôm hay bảng gỗ đề chữ “sửa xe, bơm hơi, vá ép” được đặt trên cột mốc cây số, cột điện nằm sát lề đường. Trên bảng treo lủng lẳng lốp xe, vỏ xe mới bọc trong lớp ni-lông. Có điểm còn vẽ thêm mũi tên chỉ dẫn rãt rõ ràng: “Đi sâu vào trong 50m”.

Một bác xe ôm đứng đợi khách gần ngã tư Cát Lái cho chúng tôi biết, nhìn không thấy thợ nhưng nạn nhân chỉ cần dắt bộ khoảng 2 đến 3m là sẽ có người chạy lại mời sửa xe ngay. Bác xe ôm nói thêm: “Tụi nó không dại gì rải đinh lộ liễu để người khác bắt gặp. Có lúc chúng giả bộ quăng vỏ thuốc lá, hay bịch ni-lông rác xuống đường nhưng thực chất trong vỏ thuốc lá hay bịch ni-lông ấy chứa hàng trăm cây đinh nhỏ. Một thủ đoạn mà chúng cũng hay áp dụng là đóng đinh vào những thanh gỗ nhỏ rồi đặt ở gần chân cầu”. Chúng tôi chợt nghĩ: “Quả đúng là địch ở trong tối, mình ở ngoài sáng còn gì. Suy cho cùng có lẽ nhiều người đi đường chính là “con mồi”, còn bọn sửa xe bất lương (hay kẻ rải đinh) đích thị “thợ săn”.

Soạn: AM 581372 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Lượm đinh.

Đến gần cầu vượt Thủ Đức, chúng tôi chứng kiến cuộc cãi vã giữa hai bạn SV của trường Cao đẳng Sư phạm Đồng Nai và một người thanh niên vá xe di động. Một SV nói: “Tụi em bị cán đinh lần thứ hai liên tiếp, đang dắt bộ đến đây thì ông thợ sửa xe này chạy lại đòi sửa. Ổng làm một lúc thì nói ruột xe hư phải thay. Tụi em không đồng ý”.

Hai SV này cho biết, họ chỉ mới vừa thay ruột xe cách đây vài cây số vì vậy khó có khả năng ruột xe bị hư đến nỗi không thể vá lại. Thế nhưng, cuối cùng, hai SV cũng phải móc 15.000 đồng trả tiền công cho người thợ. Sau khi lấy được tiền, anh ta gom đồ nghề bỏ vào túi nhựa, lên xe vội vàng vọt thẳng còn hai SV người dẫn, người nhấc xe gắn máy vượt qua dãy phân cách đến tiệm sửa xe gắn bảng hiệu bên kia đường.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đồ nghề của những thợ xe di động rất gọn, nhẹ. Họ chỉ cần dăm ba dụng cụ mở ốc, vít, vài miếng dán ruột xe và một cái ống bơm du lịch là đã có thể hành nghề trên mọi nẻo đường. Điều đáng nói là những đối tượng này tông tích không rõ ràng và sẵn sàng dở mọi thủ đoạn lừa đảo nạn nhân bị cán đinh. Và dường như họ “đánh hơi” được nạn nhân…

Nỗ lực giải quyết nạn "đinh tặc" mới chỉ dừng ở mức “nói”...

Trong các ngày 10 -11/10, chúng tôi đã đi ghi nhận thực tế trên tuyến đường xa lộ Hà Nội- QL1A- Xuyên Á- QL22. Theo quan sát của chúng tôi, ngoài đinh sắt đủ hình đủ dạng, còn có rất nhiều vật nhọn, miếng kiếng bể, đinh vít… trên tuyến đường này. Một người dân ở Khu phố 3, P. Thạnh Lộc, Q.12 bức xúc: “Đinh tặc" khó bắt tại trận chứ mấy xe chở vật liệu xây dựng, đất đá làm rơi vãi đinh ốc, đất đá thì chúng tôi thấy hàng ngày. Thế nhưng có ai bắt, hay xử phạt những đối tượng này đâu?”.

Nạn rải đinh trên đường giao thông ở địa bàn thành phố không phải mới xảy ra gần đây mà nó đã tồn tại nhiều năm qua. Một trong những lý do giải thích cho sự tồn tại dai dẳng này là việc bắt tại trận đối tượng rải đinh rất khó. Thế nhưng cùng với đối tượng bất lương, việc các xe tải, xe chở đất đá, nguyên vật liệu xây dựng làm rơi vãi đinh sắt, vật nhọn như trên chưa thấy đề cập đến.

Soạn: AM 581366 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Một trong hàng trăm nạn nhân của đinh tặc trên xa lộ Hà Nội (TP.HCM).

Để đối phó với tình hình trước mắt, UBND TP vừa chỉ đạo các quận, các địa bàn nằm giáp ranh nhau lập ra các điểm tiếp nhận hồ sơ nạn nhân bị cán đinh, đồng thời tại các thời điểm xảy ra nạn rải đinh nhiều mà công an chưa triệt phá được, quận, huyện có thể tổ chức điểm vá xe lưu động miễn phí. Nhưng qua ghi nhận thực tế, chúng tôi thấy rất hiếm gặp những điểm tiếp nhận hồ sơ; còn điểm vá xe lưu động miễn phí tìm mỏi mắt cũng chẳng thấy.

Dường như nỗ lực cùng nhau giải quyết nạn rải đinh của thành phố chỉ dừng lại ở mức “nói” chứ chưa thực sự cùng bắt tay vào “làm” quyết liệt.

  • Trần Duy

TP.HCM: “Đinh tặc” giăng bẫy ở cầu Bình Triệu 2