Quý hiếm như... tiền lẻ
Nói về tiền lẻ, cô Hương, chủ một hàng ăn sáng rất đông khách trên phố Trần Nhân Tông kêu giời: “Tiền mệnh giá lớn thì nhiều trong khi tiền lẻ ngày càng hiếm. Bây giờ thay cho việc nhớ yêu cầu khách muốn ăn gì, tôi phải tập trung không ít thời gian và tâm trí vào việc lo trả lại tiền thừa. Theo cô Hương cứ 5 khách vào ăn thì phải có đến 3 – 4 người đưa ra tờ 50 nghìn đồng hay 100 nghìn đồng trong khi số tiền phải trả chỉ từ 5 -7 nghìn đồng”. Cô Hương khẳng định: “Tôi không thể đưa ra tiền kim loại rồi vì đại bộ phận người mua sẽ không nhận hoặc cầm với thái độ rất khó chịu. Để có tiền lẻ, hôm nào tôi cũng kiểm tiền trước khi đi chợ để giữ lại, thậm chí nhiều khi phải rất vất vả đi đổi tại một số người quen từ tối hôm trước”.
Anh Mạnh, chủ một cửa hàng bánh kẹo tại khu đô thị Linh Đàm thì sáng kiến: “Khi không có 500 hay 1.000 đồng trả lại, tôi luôn nói khó để khách lấy hộ một hay hai cái kẹo đem về cho trẻ. Vớ phải bà nội trợ nào khó tính, có khi tôi phải chịu lỗ một ít chuyển sang đề nghị lấy một vài gói bột tôm hay gia vị với giá khuyến mại”.
Quan sát tại các hàng ăn sáng, chợ cóc hay người buôn bán nhỏ lẻ, bạn sẽ nhận vẻ cau mày khó chịu của người bán hay đi kèm câu: “Đưa tiền to thế này tôi lấy đâu tiền lẻ mà trả lại”. Còn những chuyện đại loại mua tờ báo, gọi một cú điện thoại, còn thừa một đến hai nghìn mà được trả lại bằng vài cái phong bì hay mấy con tem thư tại các quầy bưu điện xem ra ngày càng được áp dụng nhiều. Theo phụ trách kinh doanh các siêu thị tại Hà Nội, đã gần 1 năm nay, họ luôn phải đối mặt với thực tế thiếu tiền lẻ. “Dù khách hàng không muốn nhận thì chúng tôi vẫn phải trả lại bằng tiền kim loại khi không có cách nào khác. Trung bình 1 tuần chúng tôi tiêu hết gần 10 triệu tiền kim loại lấy từ ngân hàng - Anh Nguyễn Văn Sáu, nhân viên thu ngân siêu thị Citimart (toà nhà Vincomcity) cho hay.
“Cân đối thực tế trên địa bàn TP Hà Nội, tiền lẻ chưa thiếu đến mức trầm trọng bởi vì cho đến thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước Hà Nội vẫn đưa đều cơ cấu các loại tiền vào trong lưu thông. Duy chỉ có điều người dân vẫn không quen với tâm lý tiêu tiền kim loại, mà thay vào đó họ đang tận dụng tối đa những đồng tiền cotton mệnh giá nhỏ (dưới 5 nghìn) trong khi rất nhiều đồng tiền này đang lâm vào tình trạng nhàu nát cần phải thu về kho Nhà nước chờ xử lý. Theo thống kê của NHNN, hiện có một lượng tiền cotton mệnh giá nhỏ đang trôi nổi trên thị trường” - Bà Nguyễn Thị Mai Sương, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội trả lời Tiền Phong.
Tiền giấy mệnh giá nhỏ đang được thay thế dần bằng tiền xu.
| Theo bà Sương, tuy chỉ tiêu thụ bằng khoảng 50-60% so với con số 4-5 tỷ đồng tiền kim loại tiêu trong mỗi tuần như TP Hồ Chí Minh (Hà Nội ít hơn vì là thành phố “bội thu” trong khi TP Hồ Chí Minh lại “bội chi”) nhưng cho đến nay lượng tiền kim loại đang lưu thông tại Thủ đô cũng đang khá khả quan. Bằng chứng là tất cả các NHTM đều rất vui vẻ và tiêu hết số tiền kim loại NHNN phát ra hàng tuần.
Tiền xu, làm sao để người dân chấp nhận?
Thừa nhận việc người dân khó chấp nhận tiền kim loại lẻ vì cầm nó rất cồng kềnh, tuy nhiên khi trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Toản, Phó cục trưởng Cục phát hành kho quỹ NHNN đã phân tích để người dân thấy cho được ba ưu điểm nổi bật của tiền kim loại. Đó là: Dù chi phí đúc có cao nhưng tuổi thọ lại dài hơn tiền giấy gấp hàng chục lần. Bên cạnh tiền kim loại không gây mất vệ sinh môi trường và đi kèm là sự kích thích hệ thống bán hàng tự động phát triển. Vậy tại sao sau hơn hai năm có mặt, người dân vẫn không mặn mà với tiền kim loại.
PGS, TS kinh tế Trần Đình Thiên, Viện nghiên cứu kinh tế Việt Nam cho biết: “Việc đúc tiền trên thực tế có thể giúp Nhà nước giảm chi phí nhưng đứng ở góc độ người tiêu dùng, người dân không quan tâm. Cái họ cần là đồng tiền đó dù là xu hay giấy phải gắn với chức năng thuận lợi”. Theo ông Thiên, không nên tạo ra căng thẳng thị trường tiền lẻ bằng cách ngừng phát hành tiền giấy, buộc người tiêu dùng phải thay thế bằng tiền kim loại (nghe có vẻ giống một biện pháp hành chính bắt buộc). Ông Thiên khẳng định: Để cân đối tiền trong lưu thông, phải tăng phương tiện tiêu tiền kim loại lên nếu NHNN không muốn phát hành thêm tiền lẻ cotton.
Tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh, thành viên Ban nghiên cứu Thủ tướng thì tỏ ra rất ủng hộ quan điểm tiêu tiền là xu hướng tất yếu để tự động hoá thương mại và đồng tiền kim loại rất cần thiết và thích nghi với một xã hội văn minh. Đứng trước thực tế nhiều người dân vẫn không muốn mang cả túi tiền kim loại đi tiêu như hiện nay, trao đổi với Tiền Phong, TS Doanh thừa nhận: Cần có một cuộc điều tra xã hội khi đưa loại tiền này ra lưu thông. Để người dân chấp nhận tiêu tiền kim loại, ngân hàng và các nhà kinh doanh nên gặp nhau, bàn bạc.
|
|