Trong ba ngày từ 6 đến 8-10, có nơi lượng mưa đã lên đến 644mm như ở Ðông Hà (Quảng Trị) có giờ đạt gần 100mm và vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1992 đến 2,28 m trên sông Hiền Lương. Tại Quảng Trị, trong vòng 24 giờ, lũ đã ngập 29 xã, phường của các huyện: Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Hải Lăng, thị xã Quảng Trị và Ðông Hà. Ðã có hai người chết, một người mất tích và sáu người bị thương. Hơn 25 nghìn ngôi nhà bị ngập chìm trong biển lũ và gần 200 nhà bị hư hỏng nặng. Nhiều vùng ở Gio Linh, Cam Lộ và Vĩnh Linh lũ ngập sâu đến 3-4 m và đến chiều hôm qua (10-10) các thôn Tiên Lai, Tiên Trạo, Quảng Xá của xã Vĩnh Lâm huyện Vĩnh Linh vẫn ngập đến hơn một mét nước. Ở xã Vĩnh Sơn có nơi vẫn chưa thể đến được.
Sau nhiều trận bão, lũ, nhất là trận lũ lịch sử năm 1999, chính quyền và nhân dân Quảng Trị đã có nhiều kinh nghiệm phòng tránh lũ, sự chủ động của các cấp, các ngành và nhất là người dân đã được nâng lên một bước. Bởi vậy, dù lũ lên rất nhanh, cường suất lớn nhưng thiệt hại về người rất ít, riêng trong khu vực dân cư không xảy ra trường hợp bị lũ cuốn nào. Sáng 8-10 lũ bắt đầu lên, UBND tỉnh Quảng Trị đã cử nhiều đoàn công tác trực tiếp về chốt tại các địa điểm nguy hiểm để chỉ đạo công tác cứu dân. 12 chiếc ca-nô và hơn 60 chiếc thuyền của các lực lượng cứu hộ cùng hàng trăm phương tiện của người dân đã có mặt tại các vùng xung yếu để cứu hộ, đưa hơn 13.200 người trong vùng ngập nặng lên nơi an toàn. Ðáng nói là, chủ trương "cao tầng hóa" trường học, trạm y tế cũng như khuyến khích nhân dân xây nhà cao tầng ở các vùng thấp trũng từ sau cơn lũ năm 1999 đã phát huy được tác dụng cứu hộ tại chỗ trong khu dân cư. Chính vì vậy đã hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản so với nhiều trận lũ lớn trước đó.
Ðến 18 giờ ngày 10-10, mưa đã tạnh, song nước xuống rất chậm. Tỉnh Quảng Trị đã hoãn tất cả các cuộc họp không quan trọng để dồn sức chỉ đạo cứu hộ, chống lũ. Hiện tại lũ chưa xuống hết nên chưa thể đánh giá toàn diện về thiệt hại về vật chất. Mục tiêu trước mắt mà Quảng Trị hướng đến là sau khi cứu dân ra khỏi vùng lũ, phải tập trung cứu trợ về lương thực, thuốc men và nhà ở. Tuyệt đối không để dân đói, rét và dịch bệnh. Theo ông Lê Hữu Phúc, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, hơn 1.600 sĩ quan, chiến sĩ của các lực lượng quân đội, công an trên địa bàn đã đặt trong tình trạng sẵn sàng để sáng 11-10, nước bắt đầu rút là hành quân về từng thôn cùng với lực lượng tại chỗ giúp bà con dựng lại nhà cửa, vệ sinh môi trường. Từ hai hôm nay lực lượng y tế và cộng tác viên đã có mặt ở vùng lũ để tuyên truyền nhân dân giữ vệ sinh và sức khỏe, khám, phát thuốc chữa bệnh cho dân và xử lý bằng hóa chất các nguồn nước sinh hoạt. Tỉnh Quảng Trị cũng ước tính sẽ có khoảng 75 nghìn người bị thiếu đói sau lũ, bởi "rốn lũ" lần này chủ yếu tập trung vào các vùng vừa qua cơn đại hạn nặng nề. Nhất là các xã Vĩnh Lâm, Vĩnh Sơn, Vĩnh Thủy thuộc huyện Vĩnh Linh vừa bị mất trắng hơn 1.400 ha lúa trong vụ hè thu. Mặt khác, lũ lên quá nhanh, tuy người được cứu kịp thời nhưng phần lớn tài sản đều bị ngập chìm trong lũ và hầu hết lương thực và giống cây, con đều bị hỏng nặng. Ðể cứu đói cho dân, giúp họ tránh khỏi dịch bệnh sau lũ, hỗ trợ mua lại giống cây, con cho sản xuất cũng như khôi phục vệ sinh môi trường và các công trình phục vụ sản xuất... phải có khoảng 182 tỷ đồng. Trước mắt, tỉnh Quảng Trị quyết định chi 1,5 tỷ đồng để mua lương thực, thuốc men đưa về cho dân và hỗ trợ họ dựng lại nhà cửa.
ÐINH NHƯ HOAN
|