Thăm Văn Thánh Miếu Vĩnh Long
Các Website khác - 11/10/2005
Văn Thánh Miếu nằm ở thị xã Vĩnh Long. Ngôi miếu  cổ đã gần 200 tuổi.
Ghé thăm ngôi miếu mái ngói rêu phong cổ kính, ai cũng cảm nhận bầu không khí trầm mặc phủ kín không gian. Bài ký trên bia trong miếu có đoạn: "... Lựa được một miếng đất ở về hướng nam cách xa tỉnh thành chừng hai dặm, thuộc về địa phận làng Long Hồ, mặt tiền ngó xuống sông dài, mặt hậu nương theo đất gò. Bên tả bên hữu có vườn tược thành mận, địa thế thật là thanh vắng, chọn được ngày lành tháng tốt bẩm với quan thượng tỵ, bèn dựng miếu thờ đức tiên sư Khổng tử...". Việc khởi công xây dựng Văn Thánh Miếu bắt đầu từ năm 1864 trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt của dân tộc. Năm 1862, sau khi ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ rơi vào tay thực dân Pháp, các sĩ phu yêu nước lần lượt lui về miền Tây tạo thành phong trào "tỵ địa", phản kháng quân xâm lược Pháp. Văn Thánh Miếu Biên Hòa và Văn Thánh Miếu Gia Ðịnh nằm trong vùng thực dân chiếm đóng vì thế việc xây dựng Văn Thánh Miếu Nam Kỳ trở nên rất quan trọng.

Vậy là khi các sĩ phu từ miền Ðông về "tỵ địa" ở Vĩnh Long thì quan đốc học Vĩnh Long lúc bấy giờ là cụ Nguyễn Thông đã đề xướng việc xây dựng miếu Văn Thánh, đặt tại làng Long Hồ, phía đông nam thành Vĩnh Long (tức phường 4, thị xã Vĩnh Long ngày nay). Ðến năm 1866, công trình được hoàn thành và trở thành nơi tập hợp của đông đảo các sĩ phu yêu nước. Ðặc biệt, trong khuôn viên của Văn Thánh Miếu còn có một công trình văn hóa đặc sắc tạo nên diện mạo riêng của khu di tích này: Văn Xương Các, dựng xong vào năm 1869. Lúc đầu Văn Xương Các có tên là Tân Ðình, đến năm 1872 đổi tên thành Tụy Văn Lâu. Năm 1914, nhân dân trùng tu Tụy Văn Lâu và đổi tên là Văn Xương Các. Ðây vốn là nơi chứa sách và đàm đạo của các bậc văn nhân thi sĩ khi xưa. Như vậy, về mặt danh nghĩa, Văn Thánh Miếu Vĩnh Long là công trình đề cao Nho giáo, nhưng thực chất mang ý nghĩa như một biểu tượng văn hóa chuẩn bị đương đầu với ngoại xâm, tượng trưng cho tinh thần bảo vệ đạo đức, thuần phong mỹ tục của người Vĩnh Long. Mỗi năm hai lần, nhân dân Vĩnh Long tổ chức lễ tế ở miếu Văn Thánh: mùa xuân tế vào ngày đinh, thượng tuần tháng 2 âm lịch, mùa thu, tế vào ngày đinh, khoảng hạ tuần tháng 8 âm lịch.

Trải qua gần 200 năm với nhiều biến cố của lịch sử, tuy đã được tu bổ nhiều lần nhưng ngôi miếu vẫn gần như không đánh mất đi nét kiến trúc cổ và hiện nay là văn miếu duy nhất còn tồn tại ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Văn Thánh Miếu Vĩnh Long đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1991. Hy vọng trong thời gian tới, Vĩnh Long sẽ tiếp tục có nhiều biện pháp trùng tu, tôn tạo công trình văn hóa này, để trở thành biểu tượng cho tinh thần và khí phách của người Vĩnh Long.

LÊ PHƯƠNG LIÊN