Doanh nghiệp tư nhân có thể duy tu, sửa chữa cầu đường
Các Website khác - 21/03/2006

"Không thể để hoạt động duy tu, sửa chữa cầu đường "nằm" mãi trong tay vài ba công ty công ích nhà nước. Cần xã hội hóa sớm", ông Nguyễn Minh Hoàng, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP HCM phát biểu tại buổi giám sát Sở GTCC chiều 20/3.

Theo ông Hoàng, mỗi năm Sở GTCC được ngân sách cấp khoảng 125 tỷ đồng để duy tu, sửa chữa cầu đường bộ. Nhưng việc sử dụng những đồng tiền đó lại lãng phí và kém hiệu quả. Ông Hoàng nêu hàng loạt dẫn chứng về việc sử dụng lãng phí, như cầu Phạm Đình Hổ, quận 6, đã có dự án tháo dỡ để làm cầu mới nhưng vẫn được duy tu.

Nhiều vỉa hè do quận quản lý được làm mới liên tục. Ảnh: Lưu Đức

Cũng chung quan điểm với ông Hoàng, ông Huỳnh Công Hùng, Phó Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP đưa ra ví dụ về sự lãng phí như cầu sắt Rạch Chiếc bị bỏ quên nhiều năm; đường song hành Xa lộ Hà Nội mới làm xong nhưng không có cống thoát nước, để người dân tràn ra lấn chiếm lòng đường làm nơi buôn bán...

Nhiều ý kiến cho rằng tình trạng lãng phí tiền duy tu, sửa chữa diễn ra ở các quận, huyện cho đến Sở GTCC là do không có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan này. Ví dụ có tuyến đường, cầu quận huyện vừa duy tu xong lại thấy Sở GTCC duy tu, sửa chữa tiếp.

Lý giải tình trạng trên, ông Lê Quyết Thắng, Phó Giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 1 nói, nhiều quận huyện không đủ kinh phí làm hoàn chỉnh các tuyến đường, cầu trong khi nhu cầu về an toàn đi lại cho dân là cấp thiết nên Sở GTCC phải "nhảy ra" gánh đỡ cho quận, huyện. Thậm chí nhiều công trình đã phân cấp cho quận, huyện quản lý, duy tu, sửa chữa thường xuyên nhưng các nơi này không đủ kinh phí dẫn đến cầu đường xuống cấp nhanh chóng và sau cùng họ "đòi" giao lại cho Sở.

Tại nhiều tuyến, mặt đường thì do Sở quản lý, vỉa hè thì do quận quản lý. Quận sửa chữa, thường xuyên làm mới vỉa hè trong khi mặt đường vì không có đủ kinh phí đành để hư hỏng, ngày càng xuống cấp. Một hệ quả khác của việc phân cấp là hiện có quá nhiều tuyến đường, hẻm được phân cấp cho quận huyện đầu tư xây dựng, nhưng khi xây xong thì không có kinh phí duy tu thường xuyên dẫn đến đường, hẻm xuống cấp nhanh chóng.

Đường, hẻm được quận, huyện xây dựng nhưng không duy tu thường xuyên nên nhanh chóng xuống cấp. Ảnh: Lưu Đức

Đào, tái lập mặt đường lộn xộn, không bảo đảm an toàn giao thông là vấn đề nóng được nhiều đại biểu nêu ra. Theo ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở GTCC, tiền tái lập mặt đường là do đơn vị có nhu cầu đặt công trình ngầm bỏ ra, không dùng tiền ngân sách.

Về tình trạng đường mới làm mới xong đã bị đào, đục tràn lan... ông Phượng nhìn nhận đó là một dạng lãng phí rất lớn. Nhưng có thực tế là tại các tuyến đường mới làm này dân lại có nhu cầu đặt ống cấp nước, kiến nghị lên HĐND, UBND các cấp. HĐND nêu ý kiến với Sở, Sở buộc phải cho đào để dân có nước dùng, thay vì phải chờ sau 5 năm sử dụng mới được phép đào, đục đường.

Ông Nguyễn Việt Sơn, Phó Giám đốc Sở GTCC cho biết, một số biện pháp hạn chế đào đục đường tràn lan gây lãng phí như: khuyến cáo các chủ đầu tư phải chấm dứt hợp đồng đào đường với các đơn vị đào bê bối; chủ đầu tư có hai công trình vi phạm đào đường trở lên phải thay toàn bộ bộ máy kiểm tra, giám sát. Nếu tiếp tục duy trì bộ máy này Sở sẽ rút giấy phép đào đường.

Theo ông Hoàng, Sở GTCC cần sớm xã hội hóa công tác duy tu, sửa chữa cầu, đường và đào tái lập mặt đường. "Phải xã hội hoá các công tác này để chất lượng các dịch vụ công ích ngày càng cao hơn và giá thành ngày càng hạ hơn", ông Hoàng nói.

Ông Trần Quang Phượng cho biết, Sở đang triển khai các bước chuyển dần các công ty công ích sang công ty TNHH. Tới đây, các hoạt động duy tu, sửa chữa cầu đường và đào tái lập mặt đường sẽ được đấu thầu. Các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đều có thể tham gia vào sân chơi bình đẳng này.

Lưu Đức