Những dự án 'tai tiếng' của PMU 18
Các Website khác - 21/03/2006
Quốc lộ 18 đội giá hàng chục tỷ đồng. (Tuổi Trẻ)

Ban Quản lý các dự án 18 (PMU 18) được “ưu ái” giao hàng loạt dự án xây dựng cầu đường lớn, nhưng hầu hết đều có tiêu cực, lãng phí và thất thoát hàng tỷ đồng.

Dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 18 đoạn Nội Bài - Bắc Ninh có chiều dài gần 34 km, thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc với tổng dự toán hơn 581 tỷ đồng được Bộ GTVT giao cho PMU 18 làm đại diện chủ đầu tư. Mặc dù chưa quyết toán, nhưng ngay trong lúc thi công các chuyên viên của Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện chủ đầu tư cấp phát thừa và cấp phát sai... hơn 49 tỷ đồng.

Theo ông Lê Hùng Minh, Kiểm toán trưởng Kiểm toán đầu tư dự án, Kiểm toán Nhà nước, cho biết, do khảo sát thiết kế không đúng, phải thay đổi thiết kế bằng cách chuyển từ đắp đất nền đường sang đắp cát nên phải chi thêm vốn đầu tư 44 tỷ đồng. Đó là chưa kể việc phải thay đổi thiết kế kỹ thuật để phù hợp với điều kiện thi công gây lãng phí hơn 4 tỷ đồng.

Việc lập dự toán cũng thiếu chính xác đã dẫn đến tổng giá trị công trình “đội” giá lên gấp nhiều lần so với dự kiến ban đầu là hơn 115 tỷ đồng. Công tác nghiệm thu khối lượng thi công lại trùng lắp tại hàng loạt các hạng mục công trình, như nghiệm thu trùng khối lượng phần đắp cát giữa hai loại cát (loại A và loại B); trùng khối lượng bấc thấm và vải địa kỹ thuật tại một số điểm.

Hạng mục tại km14+745, chiều dài cống hộp chưa hoàn thành nhưng đã được ba bên chủ đầu tư, tư vấn giám sát và đơn vị thi công... đồng lòng nghiệm thu và thanh toán. Thậm chí, một số hạng mục còn được chủ đầu tư quyết toán vượt so với thực tế thi công.

Có hạng mục đã thay lõi sắt bằng... cọc tre. Mặt khác, cho đến thời điểm thi công, số tiền chủ đầu tư tạm ứng giải phóng mặt bằng trên 70 tỷ đồng vẫn chưa quyết toán.

Từ việc thanh toán... không khớp các điều kiện của hợp đồng thi công nên Kiểm toán Nhà nước đã đề nghị cắt giảm vốn đầu tư hơn 44,6 tỷ đồng. Ông Lê Hùng Minh khẳng định: “Việc thực hiện đầu tư dự án của PMU 18 có nhiều sai sót đã dẫn đến thất thoát lãng phí lớn. PMU 18 không đủ năng lực quản lý nhưng lại được giao nhiều dự án quá sức, không nên để tồn tại một ban quản lý mà quy mô lớn như vậy”.

Đổi cát vàng thành cát đen

Cũng dự án QL18, trong khi thi công đoạn Bắc Ninh - Chí Linh (Hải Dương), hai nhà thầu là Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng và Công ty Samwhan (Hàn Quốc) đã tự ý thay đổi thiết kế vật liệu của công trình từ cát vàng sang cát đen. Theo các nhà thầu này thì nhờ thay đổi vật liệu, các đơn vị thi công đã “tiết kiệm” được khoảng 3,7 tỷ đồng cho Nhà nước.

Tuy nhiên, các chuyên gia về cầu đường cho rằng việc thay đổi thiết kế vật liệu như thế có khả năng ảnh hưởng xấu đến chất lượng công trình do cát đen là loại cát ngậm nước, dễ gây lún nứt đường. Các chuyên gia nhận định, đây là một cách để nhà thầu “bỏ túi” riêng nguồn kinh phí thi công công trình.

Bởi giá cát vàng là 54.000 đồng/m3 nhưng khi chuyển sang cát đen chỉ còn 38.000 đồng/m3. Nhà thầu mua chỉ 7.000-8.000 đồng và vận chuyển về đến chân công trình cộng với quá trình lu, lèn nền đường chi phí cũng chỉ xấp xỉ 30.000 đồng/m3.

Ép tiến độ cầu Phả Lại

Theo những người dân sống gần chân cầu cho biết ngày khánh thành cầu vào tháng 2/2005, có nhiều quan chức ở Bộ GTVT đến dự nhưng không hiểu thế nào mà phải mất nhiều tháng sau mới chính thức thông xe.

Theo ông Sam La, đại diện kinh doanh của Tổng công ty xây dựng Trung Quốc (CSCEC) - nhà thầu chính - cho biết theo kế hoạch cầu Phả Lại sẽ khánh thành vào tháng 10/2005. Tuy nhiên, nhà thầu phải thi công trong tình trạng vừa làm vừa giải phóng mặt bằng nên gặp rất nhiều khó khăn, nhưng phía chủ đầu tư mà trực tiếp là Bộ GTVT đã yêu cầu đẩy nhanh tiến độ để khánh thành sớm vào ngày thành lập Đảng 3/2.

Do đó, nhà thầu đã phải thay đổi phương thức thi công công trình, tăng ca, bố trí công nhân làm thêm giờ... dẫn đến việc sau khi bàn giao công trình, nhà thầu bị lỗ gần 10 tỷ đồng. Ông Sam La còn nói rằng khi nhận được yêu cầu đẩy tiến độ thì nhà thầu CSCEC khuyến cáo nếu theo tiêu chuẩn phía Trung Quốc mỗi đoạn cầu chỉ được phép đổ bêtông từ 30-60 m nhưng cuối cùng phía CSCEC vẫn phải đổ bêtông mỗi đoạn cầu dài hơn 100 m.

Chính vì vậy, ngay khi cầu vừa thông xe đã phát hiện nhiều đoạn dầm bị nứt, vỡ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cầu. Người phát hiện ra các sai phạm này chính là trưởng phòng kỹ thuật của PMU 18 Đỗ Ngọc Trung (ngay sau khi khánh thành cầu, ông Trung đã bị đối tượng lạ chém nhiều nhát và phải rời khỏi PMU 18).

Những vết nứt trên cầu đã buộc nhà thầu, PMU 18 phải bàn bạc và thuê đơn vị bơm keo để khắc phục. Tuy nhiên, bơm keo chỉ để tránh gỉ sét cốt thép của dầm, còn về chất lượng không thể nâng cao.

Lấy tiền nguồn này chi cho việc khác

Theo kiểm toán trưởng Nguyễn Văn Quí (Kiểm toán Nhà nước), tại dự án Quốc lộ 10, ngay từ khâu khảo sát thiết kế đã không sát thực tế như: cầu Đá Bạc (gói thầu B1), cầu vượt Thanh Bình (gói thầu B4) phải thay đổi phương án thi công làm “đội” giá chi phí đầu tư lên nhiều lần.

Bên cạnh đó, thiết kế bản vẽ thi công một số hạng mục (gói thầu B5) của công trình không đầy đủ; việc kiểm tra, rà soát khối lượng được nghiệm thu theo giai đoạn thiếu các nghiệm thu chi tiết nên giá trị tạm ứng của một số khối lượng hoàn thành đã sai khối lượng hoặc vượt giá trị thực tế thi công. Qua kiểm tra thực địa cũng đã phát hiện nhiều điểm không đạt độ dày mặt đường theo qui định. Khoan thử lớp bêtông nhựa ở bề mặt thì các kiểm toán viên phát hiện có không ít điểm đã không đạt độ dày theo thiết kế.

PMU 18 còn tự lấy nguồn kinh phí giải phóng mặt bằng để xây dựng một đoạn đường tránh phân luồng ở Ninh Bình, trong khi đoạn đường này chưa hề có các thủ tục đầu tư và xây dựng, thực chất là lấy tiền nguồn này đưa sang làm việc khác. Đặc biệt, tận dụng xe cũ của đơn vị thi công nhưng lại khai man và thanh toán mua một xe mới hoàn toàn. Phần chi không hết từ các nguồn thu khác (bán hồ sơ mời thầu, cho thuê nhà), PMU 18 tự ý”bỏ túi” riêng không nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định.

(Theo Tuổi Trẻ)