Du lịch "Ðất rừng phương nam" cất cánh
Các Website khác - 24/01/2006
Ðồng bằng sông Cửu Long là một điểm đến thú vị với du khách nước ngoài. Vùng đất này còn nhiều tiềm năng để phát triển.

Ða dạng tuyến điểm, dồi dào sản vật

Chương trình tour chào bán cho thị trường châu Âu và Mỹ, sẽ có những lời như: "Chỉ với một chuyến đi, bạn có thể bắt gặp được năm nền văn minh: văn minh lúa nước của người Kinh, văn minh sông nước với chợ nổi ở Tiền Giang, Cần Thơ, văn minh đạo Hồi của người Chăm ở An Giang, của người Khmer ở Sóc Trăng, Trà Vinh, nét độc đáo trong đền chùa và ẩm thực người Hoa ở Vĩnh Long và Bạc Liêu...".

Nằm dọc theo hai con sông Tiền, sông Hậu, đồng bằng sông Cửu Long được biết đến như một vùng sông nước hữu tình, cây lành trái ngọt, người dân hiền hòa mến khách với những địa danh đã được biết đến từ lâu như chùa cổ Vĩnh Tràng, cù lao Thới Sơn, trại rắn Ðồng Tâm (Tiền Giang), sân chim Ba Tri, cồn Phụng (Bến Tre), cù lao Bình Hòa Phước (Vĩnh Long), chợ nổi Cái Răng, chợ nổi Phong Ðiền, vườn cò Bằng Lăng (thành phố Cần Thơ), chợ nổi Ngã Bảy (Hậu Giang), biển Hà Tiên, động So Mo (Kiên Giang), chùa Dơi, chùa Ðất Sét (Sóc Trăng), vía Bà Chúa Xứ núi Sam (An Giang), Tràm Chim Tam Nông (Ðồng Tháp), rừng U Minh (Cà Mau)... Nơi cuối cùng còn tồn tại hệ sinh thái điển hình rừng lau sậy ngập nước (vùng Ðồng Tháp Mười) còn khoảng 700.000 ha nằm trên ba tỉnh Tiền Giang, Ðồng Tháp và Long An, Vườn quốc gia Tràm Chim (Ðồng Tháp) và khu đề xuất bảo tồn thiên nhiên Láng Sen (Long An) cùng hệ thống rừng ngập mặn Cà Mau.

Một vùng sông nước với hệ thống kênh rạch chằng chịt, những cù lao đầy ắp hoa trái và sản vật chính là nguồn nguyên liệu dồi dào tại chỗ để chế biến những món ăn độc đáo in đậm chất phương Nam. Cá lóc nướng trui, lươn, rắn nướng lèo, cá tai tượng chiên xù ăn cùng với các loại rau, hoa cỏ lạ như lá lụa, lá cách, lá săng máu, kèo nèo, bông điên điển, so đũa... đủ vị thơm, chua, chát, ngọt, bùi. Kẹo dừa Bến Tre, nem Lai Vung, vú sữa Lò Rèn, măng cụt Cái Mơn, bưởi Năm Roi, cam sành Tam Bình, xoài cát Hòa Lộc, bánh phồng Sa Ðéc, bánh pía Sóc Trăng, mắm thái Châu Ðốc... là những hương liệu sẽ mang lại hương vị đậm đà cho bữa tiệc ẩm thực của đồng bằng sông Cửu Long.

Dường như những loại hương liệu đó vẫn chưa dậy mùi lắm trong bữa tiệc.

Sản phẩm du lịch cần phong phú hơn

Nhiều nhà nghiên cứu kinh tế và du lịch đều cho rằng, đồng bằng sông Cửu Long tuy dựa vào cái sẵn có (du lịch sinh thái, du lịch đồng bằng, du lịch sông nước, du lịch biển đảo, du lịch lịch sử-văn hóa) để cho ra "lò" là các chương trình tour nhưng "sản phẩm" chủ yếu còn ở dạng thô, chưa đa dạng, chưa độc đáo và chưa có sắc thái riêng. Các chương trình du lịch đa số đều giống nhau, chỉ cần đến một nơi là biết hết đồng bằng sông Cửu Long. Cơ sở hạ tầng còn non yếu, thiếu sự định hướng, tư vấn trong việc đầu tư, quy hoạch vùng du lịch. Hơn nữa do các tỉnh, thành chưa liên kết hợp tác nên không thể giữ chân du khách nhiều ngày.

Phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng không thể tách rời với việc phát triển du lịch của các vùng miền trên cả nước. Với những địa bàn này, sự thiếu hợp tác trước hết thể hiện ở chỗ chưa tạo được những "vùng gắn kết" các hoạt động du lịch thông qua việc hoàn thiện các loại hình dịch vụ đi kèm. Vì thế, tuy có nhiều lợi thế nhưng trong thời gian qua, du lịch đồng bằng sông Cửu Long chưa thật sự biết tận dụng hết khả năng của mình để tạo ra nhiều chương trình tham quan mang dấu ấn riêng hấp dẫn, thu hút du khách trong và ngoài nước.

Cần có những quyết định, những suy nghĩ thiết thực thế chỗ cho những cái cũ mang tính trì trệ và đơn điệu.

Những giải pháp cho vùng đất đặc sắc

Một số tỉnh đã tăng cường quảng bá tiềm năng thế mạnh của mình bằng các trang thông tin điện tử như An Giang, Tiền Giang, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Bến Tre và Hậu Giang...

Theo ông Nguyễn Trường Ðảnh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch Cần Thơ: "Thực tế, những năm gần đây du lịch các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã bắt đầu chú trọng đến việc quảng bá, xúc tiến du lịch nhưng do không có sự phối hợp đồng bộ nên không tạo được sức hút, thành công như mong đợi. Vì vậy cần có một chiến lược chung hoặc kế hoạch liên kết phát triển du lịch toàn diện và lâu dài ở nhiều cấp độ khác nhau". Xây dựng phương án liên kết liên doanh, hoàn thành cổ phần hóa doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch để huy động thêm nguồn lực đầu tư, khai thác tiềm năng thế mạnh, phát triển đúng hướng, hiệu quả và bền vững. Chú trọng khai thác đồng bộ hai thị trường khách du lịch quốc tế và nội địa. Lập kế hoạch tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, hỗ trợ xây dựng các tiết mục văn hóa dân tộc có chất lượng, khuyến khích phát triển mô hình "Nông dân - nhà vườn làm du lịch". Thực hiện việc cam kết hợp tác chính thức về du lịch giữa các tỉnh với một số chính sách ưu tiên đặc thù, lập hợp đồng liên kết giữa các doanh nghiệp đầu tư du lịch với chính quyền địa phương.

Sắp tới, Liên hoan du lịch đồng bằng sông Cửu Long lần thứ hai "Mekong Festival 2006", tại An Giang dự kiến diễn ra cuối tháng sau (23 đến 26-2-2006), thật sự là ngày hội du lịch của toàn vùng với nhiều hoạt động, lễ hội, hội thảo về tiềm năng và sản phẩm du lịch của 13 vùng sông nước Cửu Long. Với một cuộc sống cộng đồng hòa hảo, đầy mầu sắc của cư dân các tộc người Kinh, Hoa, Khmer, Chăm... cùng cái tâm và cái tầm của những người làm du lịch trong việc tìm ra những chiến lược phát triển hợp lý sẽ là những mảng mầu đẹp để bức tranh du lịch đồng bằng sông Cửu Long thêm nhiều gam mầu thắm sắc, để lại những cảm xúc tốt đẹp trong lòng du khách.

DIỆU AN