Người Mỹ gốc Việt lạc quan về Việt Nam
Các Website khác - 23/01/2006

Hà Nội (TTXVN) - Tờ Thời báo Niu Yoóc, một trong những tờ báo hàng ngày lớn và có uy tín nhất ở Mỹ, mới đây đăng bài viết cho rằng cộng đồng người Mỹ gốc Việt ngày càng nhận ra rằng nền kinh tế Việt Nam, với 83,5 triệu dân, tốc độ tăng trưởng từ 7-8%/năm trong 10 năm qua, đang tạo ra rất nhiều cơ hội kinh doanh cho họ.

Báo dẫn lời bà J.Trần, người có 20 năm kinh nghiệm trong ngành quần áo thời trang ở California, Mỹ, nay mở chi nhánh công ty Limited Brands ở Việt Nam, cho biết Trung Quốc thường làm những đơn đặt hàng lớn nhưng với những mặt hàng thuê ren bằng tay thì tay nghề của công nhân Việt Nam lại đem đến cho sản phẩm những sắc thái riêng.

Các chủ doanh nghiệp nhỏ người Mỹ gốc Việt ở thung lũng điện tử Silicon Valley cũng đang tìm thấy cơ hội làm ăn lớn ở Việt Nam. Ông Nguyễn Thịnh, người sáng lập công ty phát triển phần mềm Pyramid ở Milpitas, California, cách San Francisco 60km về phía nam, có tới hơn 60 kỹ sư ở Thành phố Hồ Chí Minh thiết kế các phần mềm hỗ trợ cho các công ty lớn ở Mỹ, trong đó có cả những "người khổng lồ" như Novellus Systems và Motorola.

Ông Nguyễn Hữu Lễ, Chủ tịch công ty TMA Solutiong có trụ sở đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh, thiết kế phần mềm ứng dụng cho các khách hàng tên tuổi như Lucent Technologies của Mỹ và Nortel NTT Data của Nhật Bản, đã dẫn kết luận của đài truyền hình CNN và nhận xét rằng: "Việt Nam ngày nay là quốc gia lạc quan nhất châu Á năm 2006".

Bên cạnh đó, sự ra đời mới đây của hai ngân hàng đầu tiên do người Mỹ gốc Việt làm chủ ở quận Cam, bang California, không chỉ đánh dấu bước trưởng thành mới của cộng đồng người Mỹ gốc Việt mà còn là phương tiện, nguồn lực quan trọng cho các doanh nhân này hoạt động trên đất Mỹ cũng như giúp họ tìm kiếm cơ hội kinh doanh ở ngay trên quê hương đất tổ của mình.

Cùng với người Mỹ gốc Việt, nhiều công ty lớn của Mỹ đã và đang khai thác những cơ hội thuận lợi ở Việt Nam. Các công ty này cũng đang tích cực tìm kiếm nhân lực từ cộng đồng người Mỹ gốc Việt, những người có thể đóng vai trò "cây cầu tự nhiên" giữa hai nền kinh tế, văn hoá./.