Hạnh phúc khi được đón Tết tại quê nhà
Các Website khác - 24/01/2006

Bồi hồi, xúc động và hạnh phúc, đó là cảm nhận của hơn 500 Việt kiều trong buổi gặp kiều bào Xuân tối qua tại Hà Nội. Sắc đào hồng thắm và những khúc nhạc xuân khiến hàng trăm con người từ khắp thế giới như gần nhau hơn.

Cụng ly mừng xuân
Chủ tịch Trần Đức Lương cụng ly mừng xuân với kiều bào Ảnh: P.V

Chẳng nề hà người lạ người quen, những người con xa quê tay bắt mặt mừng. Ai cũng cảm thấy hạnh phúc và bất ngờ trước sự đổi thay của đất nước. Cụ Trần Văn Thành, Việt kiều tại Anh không ngớt lời trầm trồ: "Tuyệt vời thật, không ngờ Việt Nam lại khác đến thế, đẹp đến thế, những nhà cao tầng, những đường phố lấp lánh ánh đèn chẳng khác gì ở những nước hiện đại. Thật tuyệt vời". Như muốn cảm nhận hơn nữa cái Xuân của Hà Nội, một số người còn xúm quanh cây đào mê mải ngắm.

Những ca khúc đậm nét xuân và tình quê hương như: Về quê, Việt Nam đất nước tôi, Ai cho em mùa xuân... khiến nhiều kiều bào lớn tuổi hoặc những người lần đầu về Việt Nam không khỏi xúc động. Ông Trần Văn Mỹ, kiều bào tại Pháp lần đầu tiên về thăm nhà rưng rưng: "Hạnh phúc quá, tôi đã được trở về quê nhà, thực sự là một đứa con đi xa đã trở về trong vòng tay thân thương của mọi người. Có thể đây là niềm hạnh lớn nhất của phần cuối đời tôi".

Chủ tịch Trần Đức Lương bế bé Nataly Kim Anh.
Chủ tịch Trần Đức Lương bế bé Nataly Kim Anh. Ảnh: P.V

Nhưng có lẽ hạnh phúc nhất là bé Natali Kim Anh và mẹ Kim Thanh. Cô bé 9 tháng tuổi này được Chủ tịch Trần Đức Lương bế trên tay khi ông mới bước vào khán phòng. Chị Thanh nói: "Thật tuyệt vời đây là kỷ niệm của cả đời người bé con". Chị Thanh cho biết đây là lần đầu tiên chị được đón Tết tại quê nhà. Mới sáng qua chị đã được đi chợ hoa trên phố Hàng Lược và lang thang ngắm 36 phố phường. Cảnh Tết tại Hà Nội thật nhộn nhịp và đầm ấp.

Theo ông Nguyễn Thành Mỹ, Việt kiều tại Canada, Tết là một nét văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Được về quê đón Tết là niềm tự hào, hạnh phúc đối với kiều bào bởi được tận mắt thấy Xuân trên đất mẹ. Nghị quyết 36 đã thúc đẩy kiều bào gắn bó với quê hương. Ông cho biết: "Trong năm qua, kiều bào đã đóng góp không nhỏ vào xây dựng đất nước. Song nhà nước cần có những chính sách thông thoáng hơn để kêu gọi trí thức Việt ở nước ngoài, mở rộng những quy định về quốc tịch, mua nhà.

Niềm mong mỏi này của ông Mỹ cũng là suy nghĩ của nhiều Việt kiều. Anh Phạm Lăng, việt kiều tại Mỹ, bày tỏ nếu có chính sách hợp lý, sẽ thu hút được chất xám của Việt kiều trở về. Những kiều bào đã từng làm việc tại những nước tiên tiến có kinh nghiệm và trình độ cao như vậy sẽ rút ngắn hành trình phát triển của đất nước. Một điều theo anh Lăng cũng đặc biệt quan trọng là: "Phải xóa bỏ hoàn toàn mọi ngăn cách trở ngại, đẩy lùi quá khứ và có thông tin chính xác về tình hình ở quê nhà. Nhà nước cần tổ chức nhiều buổi giao lưu giữa kiều bào và nhân dân trong nước để họ có dịp trao đổi kinh nghiệm, kiến thức".

Trò chuyện với kiều bào, Chủ tịch Trần Đức Lương mong các Việt kiều gắn kết với quê hương hơn nữa, nhiệt tình góp sức xây dựng đất nước. Chủ tịch nhắc nhở những người con xa quê chú trọng việc dạy dỗ con cháu nói được tiếng Việt, học văn hóa, lịch sử Việt Nam để thêm phần gắn kết với đất nước. Ông nói: "Mong bà con sống hòa nhập với nước sở tại, ổn định hơn và thành đạt hơn. Quê hương vẫn luôn coi bà con ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời của đất nước, là người con thân thiết của quê nhà".

Cũng trong buổi gặp mặt, Quỹ bảo trợ trẻ em đã trao tặng Việt kiều tại Phnompenh (Campuchia) 14.114 USD để xây dựng trường học cho con em kiều bào còn khó khăn.

Trịnh Vũ