Ép dân di dời bằng... súng
Các Website khác - 25/08/2005

Dù còn đến 13 hộ đang canh tác trên hàng trăm hécta đất vì chưa đồng tình với phương án bồi hoàn, UBND tỉnh Kiên Giang vẫn ký quyết định thu hồi, giao đất cho Cty TNHH TS Toàn Cầu (Cty TC) san ủi vườn cây, vuông tôm của dân nghèo, để đào ao nuôi tôm. Thậm chí, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ, một công an còn nã súng vào dân.

Thu hồi đất theo quy trình ngược

Ngày 10.6.2004, UBND tỉnh Kiên Giang ký Quyết định số 1421/QĐ-UB phê duyệt phương án bồi thường thiệt hại về đất đai hoa màu, vật kiến trúc và hỗ trợ để giải toả, giải phóng mặt bằng khu vực quy hoạch giao đất cho Cty TC thuê nuôi tôm tại ấp Tà Săng, xã Dương Hoà và ấp Sà Ngách, ấp Hoà Lập, thị trấn Kiên Lương, huyện Kiên Lương. Một chuyên viên lĩnh vực đất đai - thuộc Văn phòng UBND tỉnh Kiên Giang cho biết: "Theo quy định luật pháp hiện hành, chủ đầu tư phải thương lượng giá với dân và sau khi bồi thường xong mới trình lên UBND tỉnh ra quyết định thu hồi và giao đất".

Tuy nhiên, trên thực tế việc thu hồi đất ở đây lại được thực hiện theo quy trình ngược. Trong lúc bản thân Cty TC không tổ chức họp dân bàn bạc giá cả, nhưng đến ngày 7/12/2004, UBND tỉnh Kiên Giang lại ra Quyết định số 3027/QĐ-UB thu hồi đất của 97 hộ nằm trong khu quy hoạch giao cho Cty TC.

Theo tinh thần đó, ngày 29/12/2004, UBND huyện Kiên Lương ra quyết định thu hồi đất, nhưng mãi đến 6/4/2005 vẫn còn đến 13 hộ chưa đồng tình với giá bồi hoàn mà tự Cty TC đề ra. Tuy nhiên trước đó (vào ngày 16/12/2004), lợi dụng thời điểm năm hết Tết đến, nhiều người dân tập trung đón Tết Nguyên đán, Cty TC đã tập trung cơ giới san bằng cây trồng vật nuôi mà nhiều hộ dân đã sản xuất ổn định, hợp pháp hàng chục năm nay (được chính quyền công nhận và cấp giấy CNQSDĐ). Mãi đến ngày 16/2/2005, Cty TC mới ra thông báo mời 13 hộ đến trụ sở nhận tiền bồi thường.

Bà Chung Thị Tám - người có gần 13 ngàn mét vuông nằm trong khu vực đất bị Cty TC tự ý san ủi - bức xúc: "Đất của tôi trồng dừa nước để thu hoạch lá từ năm 1978, đó là nồi cơm của cả gia đình, đất gần trục đường Kiên Lương - Hà Tiên, nay toạ lạc sát khu đô thị trung tâm huyện, nhưng chỉ được ấn giá bồi thường là 1.200 đồng/m2 là quá thiệt thòi, thậm chí khi đo đạc họ cũng chẳng thèm mời tôi đến chứng kiến, nhưng lại ghi vào biên bản là đất vắng chủ, nên tôi làm đơn khiếu nại". Đến ngày 6/4/2005, Chủ tịch UBND huyện Kiên Lương ra quyết định bác đơn khiếu nại, với lý do đã có xem xét và chiếu cố (nâng thêm hạng đất) giá bồi thường thoả đáng. Trên thực tế, Cty TC đã tổ chức nuôi được 2 vụ tôm.

Uy hiếp tính mạng của dân

Không đồng tình với cách áp giá của Cty TC và quyết định bác đơn khiếu nại của UBND huyện, nhiều hộ dân đã làm đơn gửi đến UBND tỉnh Kiên Giang đề nghị hỗ trợ giá đất, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được hồi âm.

Bà Vương Thị Kim Em - ngụ ấp Sà Ngách, người có gần 27 ngàn mét vuông đất và 3 căn nhà nằm trong khu vực quy hoạch - cho biết: "Đất tôi đang nuôi tôm, được Nhà nước cấp giấy đỏ, công nhận là đất nuôi trồng thuỷ sản, vậy mà chỉ được xác định là đất hạng 6 để bồi thường với tổng giá trị nhà, đất là 82 triệu đồng, trong khi đó giá đất thị trường đang ở mức 6-8 triệu đồng/công (1.000m2), vì vậy, ngày 6/6/2005 tôi làm đơn xin UBND tỉnh hỗ trợ giá. Trong lúc chưa có hồi âm thì ngày 27/6 vừa qua, Cty TC cho xe Cobe vào khu vực đất tôi san ủi, làm sập cống thoát nước".

Ngày 28/6, phát hiện sự việc, vợ chồng bà Em đến hiện trường yêu cầu tài xế bồi thường xong, mới cho chạy xe ra. Sau đó, Cty TC điện thoại cho Công an thị trấn Kiên Lương đến can thiệp. Vừa đến, ông Phan Văn Nhung - Phó trưởng Công an thị trấn Kiên Lương, bố trí lực lượng hỗ trợ cho xe Cobe chạy ra khỏi khu vực. Không đồng tình với cách giải quyết này, vợ chồng bà Em ra ngăn cản. Ngay lập tức, ông Nhung thách đố: "Đố ai dám", rồi thúc hối tài xế nổ máy.

Quá bức xúc, chồng bà Em lượm cục đất ném vào người anh Trí (tài xế Cobe), thì ngay lập tức, ông Nhung lệnh cho 4 công an viên xông vào dùng gậy cao su đánh rồi còng tay chồng bà Em, trước sự chứng kiến của nhiều người dân. Bà Em thuật lại: "Ngay lúc đó, ông Nhung rút súng ngắn nhắm thẳng vào người chồng tôi nổ trước sau 5 phát đạn, nhưng chỉ có 2 phát trúng vào đầu và cổ". Bà Em âu lo: Cho tới bây giờ tôi vẫn không đồng tình với giá bồi hoàn của Cty TC, nhưng cũng không dám đứng ra ngăn cản vì sợ bị bắn.

Rõ ràng với việc làm ngược quy định pháp luật hiện hành về quy trình thu hồi đất, các ngành chức năng Kiên Giang không chỉ đã xâm phạm đến quyền lợi người dân có đất trong khu giải toả, mà còn lạm dụng công quyền uy hiếp tính mạng người dân, "mở đường" cho doanh nghiệp hoạt động. Phải chăng đối với doanh nghiệp thì chính quyền "luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu", còn người nghèo thì...  

(Theo Lao Động)