Giá thuốc tăng trong biên độ cho phép
Các Website khác - 17/02/2006
Ảnh: Anh Tuấn.

Tuy chưa được sự đồng ý của Cục Quản lý dược nhưng đầu năm nay, nhiều mặt hàng thuốc trên thị trường đã tăng giá. Tuy nhiên, Cục khẳng định điều này vẫn nằm trong giới hạn bình thường và sẽ không có biến động lớn về giá thuốc trong năm 2006.

Một hiệu thuốc ở phố Ngọc Khánh cho biết, từ đầu tháng 2, nhiều mặt hàng thuốc đã tăng giá với mức 5-10%. Chẳng hạn, Decolgen tăng từ 11.600 lên 12.800 đồng/vỉ; Enervon C từ 101.000 tăng lên 108.000 đồng/lọ. Nhiều loại thuốc nội cũng tăng giá như Becberin từ 900 lên 1.300 đồng/lọ; Cloroxit từ 1.800 lên 2.100 đồng/lọ...

Cục Quản lý dược cho biết, đầu năm nay, có 28 mặt hàng thuốc ngoại được đề nghị tăng giá với mức 3-5%. Lý do là giá nhiên liệu và nguyên liệu tăng, biến động ngoại tệ, tăng đầu tư thiết bị kỹ thuật... Đề nghị chưa được Cục chấp nhận và ông Cao Minh Quang, Cục trưởng, khẳng định rằng cho đến nay, chưa có công ty nước ngoài hay nhà nhập khẩu nào chính thức tăng giá thuốc. Việc giá thuốc tăng trên thị trường là có thực nhưng theo ông Quang, giá thuốc đã được nâng lên ở các khâu trung gian mà Cục chưa quản lý được, bằng các thủ thuật như ém hàng, cắt giảm khuyến mãi...

Ngày 16/2, Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã có công văn yêu cầu Bộ Y tế, các bộ liên quan và địa phương thực hiện ngay các biện pháp đồng bộ để bình ổn giá thuốc như hướng dẫn các cơ sở kinh doanh xuất nhập khẩu rà soát toàn bộ chi phí sản xuất tiếp thị, hạn chế tối đa mức phí không cần thiết. Phó thủ tướng cũng yêu cầu thanh tra toàn diện hoạt động của các cơ sở kinh doanh thuốc, chống đầu cơ tích trữ, nâng giá thuốc bất hợp lý... Thực hiện yêu cầu này, trong tuần tới, đoàn thanh tra liên ngành gồm thanh tra Bộ Y tế, Cục Quản lý dược và Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) sẽ kiểm tra thẩm định lại phương thức định giá thành sản phẩm của khoảng 20 doanh nghiệp dược trên cả nước. Các doanh nghiệp này sẽ phải giải trình cặn kẽ vì sao giá tăng.

Cục Quản lý dược khẳng định rằng biến động lớn về giá thuốc trong năm 2006 là rất ít khả năng xảy ra. Theo ông Quang, giá thuốc chỉ tăng đột biến khi có hiện tượng khan hiếm thực sự. Tuy nhiên, với chính sách dự trữ lưu thông thuốc thiết yếu, nhập khẩu song song, hơn 1 năm qua, thị trường thuốc ở Việt Nam đã cân bằng cung-cầu và điều này sẽ tiếp tục được duy trì. Hiện cục đã ký giao cho 3 công ty dược lớn vay 330 tỷ đồng để dự trữ ban đầu gần 400 mặt hàng thuốc, khi cần sẽ tung ra thị trường. Sắp tới, các doanh nghiệp dược sẽ phải công khai giá nhập khẩu, bán buôn, bán lẻ và niêm yết trên Internet. Với những biện pháp này, Cục Quản lý dược cam kết sẽ không có biến động giá thuốc bất thường hay tăng giá đồng loạt bất hợp lý trong năm nay.

Trong văn bản gửi báo chí về biến động giá thuốc, Cục Quản lý dược khẳng định, giá thuốc ở Việt Nam đã được bình ổn trong hơn 1 năm qua. Kết quả khảo sát 1.800 mặt hàng thuốc của 237 nhà sản xuất lớn trên thế giới lưu hành tại Việt Nam cho thấy, gần 92% mặt hàng ổn định giá. So với năm 2004, mức tăng giá thuốc năm 2005 đã giảm một nửa và thấp hơn so với mức tăng chung của giá tiêu dùng. Cụ thể, năm 2004, mức tăng giá thuốc là 9,1% trong khi mức tăng giá tiêu dùng 9,5%. Năm 2005, hai chỉ số này lần lượt là 4,9% và 8,4%.

H.H.