Đưa dịch vụ có chất lượng đến người dân
Nằm ở phía tây bắc Hà Nội, Bệnh viện E (Bộ Y tế) có diện tích mặt bằng 41.000 m2, với khuôn viên rộng rãi. Ðội ngũ cán bộ, nhân viên bệnh viện bao gồm hơn 130 bác sĩ (trong đó 70% có trình độ sau đại học) và hơn 300 y tá, kỹ thuật viên. Ba năm trở lại đây, nhờ được đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, đưa trung tâm xương khớp và chấn thương chỉnh hình vào hoạt động, liên kết mua sắm thêm trang thiết bị hiện đại (chụp cắt lớp, siêu âm mầu ba chiều, máy nội soi tiêu hóa); nhất là cải tiến quy trình đón tiếp, khám chữa bệnh, nâng cao tinh thần thái độ phục vụ cho nên số lượng người đến khám bệnh và điều trị không ngừng tăng lên.
Năm 2005, bệnh viện khám, chữa bệnh hơn 234 nghìn lượt người, phẫu thuật 4.200 ca... Phú Thọ, một tỉnh miền núi nghèo, nhưng vẫn quyết tâm xây dựng bệnh viện đa khoa tỉnh trở thành bệnh viện khu vực cho các tỉnh phía bắc. Cùng với sự đầu tư của Nhà nước nâng cấp, xây dựng các khu nhà làm việc cho cán bộ, nhân viên và thêm phòng điều trị cho người bệnh giá trị hàng chục tỷ đồng, tập thể cán bộ quản lý ở đây năng động trong việc khơi dậy ý thức xã hội hóa, liên doanh liên kết nhằm thu hút nguồn lực đầu tư trang thiết bị, phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân trong vùng. Bác sĩ Hồ Ðức Hải, giám đốc bệnh viện cho biết: Trung bình mỗi ngày có 700 - 800 lượt người bệnh khám, chữa bệnh. Hai năm trở lại đây, công suất giường bệnh luôn đạt 150% trở lên.
Quan tâm công tác đào tạo cán bộ và ứng dụng các kỹ thuật mới, các thầy thuốc của bệnh viện từng bước làm chủ được những loại phẫu thuật phức tạp: mổ sọ não, nội soi khớp gối, thay chỏm xương đùi, mổ nội soi túi mật, u xơ tuyến tiền liệt, thay thủy tinh thể bằng phương pháp Phacô, tán sỏi ngoài cơ thể.
Ðánh giá về công tác khám, chữa bệnh năm 2005, tiến sĩ Lý Ngọc Kính, Vụ trưởng Ðiều trị (Bộ Y tế) cho biết: Các chỉ tiêu kế hoạch đề ra đều tăng. Trong đó, hơn 1.020 bệnh viện tuyến huyện, tỉnh, trung ương và ngành, năm qua thực hiện khám, chữa bệnh cho khoảng 75 triệu lượt người (tăng năm triệu lượt so năm 2004); 5,7 triệu trường hợp được điều trị nội trú (tăng 7% so năm trước) và gần 1,2 triệu ca bệnh phải phẫu thuật. Ðáng chú ý, có hơn hai triệu lượt trẻ em dưới sáu tuổi được điều trị miễn phí (tăng hơn 280% so với năm 2004); đồng thời có gần 745 nghìn lượt người nghèo được chữa bệnh theo Quyết định số 139 của Chính phủ.
Với sự đầu tư các nguồn lực, mua sắm trang thiết bị hiện đại, chuyển giao ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến, nhiều bệnh viện tuyến cuối và tuyến tỉnh thực hiện được các phương pháp điều trị phức tạp như mổ tim hở, can thiệp tim, mạch ở trẻ em, nong mạch vành, phát triển kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Ðặc biệt, lần đầu tại bệnh viện Trường đại học Y khoa Huế áp dụng thành công phương pháp phẫu thuật thần kinh sọ não bằng dao gamma cho hơn 130 người bệnh. Năm 2005 đánh dấu bước chuyển biến mới của ngành ghép mô tạng bằng việc thực hiện kỹ thuật ghép gan cho bệnh nhi thứ ba ở Việt Nam. Ngoài ra, hệ thống y tế ngoài công lập, với 46 bệnh viện và 65 nghìn cơ sở hành nghề y dược tư nhân, tập trung chủ yếu ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Ðà Nẵng, Huế góp phần làm giảm sự quá tải ở các bệnh viện Nhà nước.
Những hạn chế cần khắc phục
Thực hiện các chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước trong chiến lược chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân từ năm 2001 đến 2010 và tầm nhìn 2020 (nhất là Chỉ thị 06 của Ban Bí thư T.Ư Ðảng, Nghị quyết 46 của Bộ Chính trị), những năm qua hoạt động chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân của ngành y tế không ngừng được tăng lên. Trong đó, công tác khám, chữa bệnh ngày càng có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên thực tế cho thấy vẫn còn không ít bất cập, lệch lạc cần uốn nắn, khắc phục.
Dễ nhận trước hết là sự quá tải trầm trọng diễn ra thường xuyên tại các bệnh viện tuyến trên (Bệnh viện K Hà Nội, Hữu nghị Việt - Ðức, Bạch Mai, Nhi T.Ư, Chợ Rẫy, Viện tim mạch TP Hồ Chí Minh, nhiều khoa phải hai, ba người bệnh nằm một giường). Ðó cũng là nguyên nhân cho hiện tượng "cò" bệnh viện, lệ phí "ngầm" xảy ra đây đó trong khám, chữa bệnh. Mặc dù có giảm bớt nhưng có lúc, có nơi, người bệnh vẫn kêu ca, phàn nàn về tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, dẫn đến tình trạng tai biến trong quá trình điều trị.
Thanh tra (Bộ Y tế) cho biết: Năm 2005, qua thanh tra kiểm tra ở một số bệnh viện tuyến T.Ư và tuyến tỉnh có gần 2.400 trường hợp mắc các tai biến, trong đó tai biến hay gặp là do tác dụng phụ của thuốc (69%), và tai biến do phẫu thuật (hơn 21%). Việc chấn chỉnh công tác cung ứng, sử dụng thuốc trong bệnh viện theo tinh thần Chỉ thị 05/2004/CT-BYT (ngày 16-4-2004) của Bộ trưởng Y tế tuy góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác điều trị trong bệnh viện, cơ sở y tế, nhưng nhìn một cách nghiêm túc, không ít bệnh viện tuyến tỉnh còn lúng túng trong việc triển khai thực hiện đấu thầu mua thuốc. Muốn sử dụng thuốc hợp lý trong công tác khám, chữa bệnh cần nhiều yếu tố, điều quan trọng trước hết là Hội đồng thuốc và điều trị của các bệnh viện cần thường xuyên giám sát kê đơn, thông qua việc bình bệnh án, đơn thuốc. Thế nhưng khá nhiều bệnh viện mới chỉ dừng lại ở thủ tục kiểm tra hành chính, hoặc làm qua loa, cho nên khó tránh khỏi tình trạng người bệnh phải mua thuốc đắt tiền vượt quá tính chất bệnh lý; hay hiện tượng lạm dụng các xét nghiệm, chiếu chụp XQ, vừa kê đơn, vừa bán thuốc diễn ra phổ biến tại các cơ sở y tế ngoài công lập. Sự xuống cấp về cơ sở vật chất, nghèo nàn và lạc hậu trong trang thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh của y tế tuyến dưới (nhất là tuyến huyện) chậm được khắc phục, cũng là nguyên nhân cắt nghĩa vì sao sự quá tải nghiêm trọng vẫn là "điệp khúc" dài dài đối với các bệnh viện tuyến trên.
Bác sĩ HỒ ÐỨC HẢI, giám đốc Bệnh viện đa khoa Phú Thọ Ðiểm yếu trong quản lý bệnh viện Tình trạng đi muộn, về sớm, thái độ y đức đối với người bệnh (quan hệ giao tiếp, kê đơn không sát bệnh lý, biểu giá các loại dịch vụ khám, chữa bệnh không được niêm yết công khai) vẫn xảy ra trong khá nhiều bệnh viện thuộc các tuyến. Thực tế cho thấy không ít giám đốc bệnh viện có tư tưởng ngại va chạm, sợ ảnh hưởng liên lụy đến bản thân mình. Chỉ khi nào cấp ủy đảng cùng người lãnh đạo bệnh viện quan tâm giáo dục, động viên ý thức trách nhiệm của cán bộ, nhân viên y tế; kiên quyết xử lý các trường hợp sai phạm thì môi trường bệnh viện mới được trong lành và quyền lợi của người bệnh mới được bảo đảm. Bác sĩ NGUYỄN HUY THÌN, Phó vụ trưởng Vụ Ðiều trị, Bộ Y tế Cải tiến công tác đào tạo cán bộ Sự "ùn tắc" người bệnh ở tuyến trên là thực tế kéo dài trong nhiều năm nay. Nguyên nhân có nhiều nhưng theo tôi cái chính vẫn là do sự chênh lệch về chất lượng khám, chữa bệnh giữa tuyến trên và tuyến dưới, nhất là cán bộ y tế tuyến huyện còn nhiều hạn chế. Phần lớn các nước trên thế giới, bác sĩ sau khi tốt nghiệp đại học y khoa, đều phải luân phiên thực hành tại các bệnh viện thời gian hai, ba năm, sau đó mới được cấp chứng chỉ hành nghề; còn ở nước ta học xong là đi làm luôn. Mấy năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng đã được một số địa phương, bệnh viện quan tâm, song làm chưa đến nơi đến chốn, vì vậy vẫn còn không ít bác sĩ tuyến dưới nhiều năm nay không được đào tạo lại và cập nhật thông tin nên kỹ năng thực hành lâm sàng còn lúng túng, ảnh hưởng chất lượng phục vụ người bệnh. Bởi vậy, cần cải tiến công tác đào tạo cán bộ, xác định giá trị các chứng chỉ, tiến tới hòa nhập các nước trong khu vực và quốc tế. TRIỆU NGỌC THANH, cán bộ hưu trí tỉnh Thanh Hóa, điều trị tại một bệnh viện khu vực Hà Nội) Thái độ hòa nhã của thầy thuốc giúp người bệnh bớt đau Dường như vẫn có khoảng cách giữa lời nói và việc làm. Tôi bị bệnh mãn tính, hay phải vào bệnh viện điều trị nên cũng hay được chứng kiến sự cáu bẳn của bác sĩ này, thái độ thiếu tôn trọng người bệnh của y tá kia; thậm chí có nhân viên y tế khi được người bệnh "bồi dưỡng" mới tiêm đỡ đau, thay băng nhẹ nhàng. Chúng tôi rất hiểu và thông cảm sự vất vả, khó khăn của cán bộ, nhân viên ngành y. Chưa mong có thuốc tốt điều trị khỏi bệnh ngay, mà trước hết người bệnh chúng tôi cần một thái độ hòa nhã, cũng là cách giúp người bệnh xoa dịu nỗi đau rồi.
|
|