Giảm ùn tắc giao thông, phải tăng nhiều thứ
Các Website khác - 26/12/2007
Tắc đường vào ban đêm tại Hà Nội.

2008: Miễn vé xe buýt cho mọi đối tượng

Sau nhiều ý kiến khác nhau xung quanh các giải pháp hạn chế phương tiện lưu thông trong nội đô Hà Nội, TPHCM, Bộ GT-VT đã trình Thủ tướng và các thành viên Chính phủ đề án giảm ùn tắc giao thông ở Hà Nội và TPHCM với rất nhiều giải pháp.

Điểm mới nhất của các giải pháp mà Bộ đưa ra là đề nghị tăng biên chế cho Hà Nội 800 và TPHCM 1.000 cảnh sát giao thông nhằm cưỡng chế, kiểm soát được tình hình. Cùng với đó là cho phép áp dụng mức phạt hành chính tối đa đối với các hành vi vi phạm về trật tự ATGT ở hai thành phố và xử phạt nghiêm những người đi bộ không đúng phần đường.

Điểm đặc biệt nhất của đề án, Bộ GT-VT đã đề xuất rất nhiều ưu đãi dành cho mạng lưới vận tải công cộng ở hai thành phố.

Với mục tiêu đặt ra là năm 2010 phải đáp ứng được 20-30% nhu cầu đi lại của nhân dân đô thị bằng xe buýt, Bộ GTVT đề nghị sẽ miễn vé đi xe buýt nội đô cho mọi đối tượng trên các tuyến tại tại Hà Nội và TPHCM trong tháng 4/2008. Ngân sách nhà nước sẽ chi trả kinh phí này cho doanh nghiệp kinh doanh xe buýt.

Phát triển các loại hình xe buýt chuyên trách (có trợ giá) đưa đón học sinh, cán bộ, công nhân viên. Nhà nước sẽ miễn phí đất cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, xe điện nội đô. Hỗ trợ doanh nghiệp từ 30-50% lãi suất vốn vay đầu tư mua phương tiện tham gia vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt…

Tăng lệ phí, kiềm chế taxi

Một giải pháp thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận là việc hạn chế lưu thông phương tiện cơ giới cá nhân trong nội đô. Về điều này, Bộ GTVT đã đưa ra một tổng thể các giải pháp, trong đó có rất nhiều yếu tố “cấm”, “hạn chế”.
 
Cụ thể, Bộ GT-VT đề ra giải pháp: hạn chế số lượng xe taxi đăng ký, số lượng xe taxi lưu thông, kể cả taxi ngoại tỉnh! Theo Bộ GT-VT, UBND hai thành phố cần nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng về số lượng khống chế taxi hoạt động nhưng không lớn hơn 5.000 chiếc ở Hà Nội và 9.000 chiếc ở TPHCM. Đồng thời, chỉ đạo công an thành phố đề xuất xây dựng quy định mới đối với việc đăng ký mới tô tô cá nhân và mô tô ở những thành phố đặc biệt.

Bộ GTVT và UBND các thành phố Hà Nội và TPHCM kiến nghị Chính phủ giao các Bộ chức năng trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách tăng phí trước bạ và lệ phí đăng ký phương tiện giao thông cá nhân ở hai thành phố. Cùng với đó là quy định việc thu phí của người sử dụng phương tiện cá nhân trong cả nước nhằm phát triển hạ tầng giao thông. Riêng tại hai thành phố lớn kể trên sẽ quy định mức thu cao hơn và thu phí sử dụng hạ tầng giao thông đô thị thông qua dịch vụ trông giữ xe.

Ngoài ra, Bộ GT-VT cũng đưa ra một số đề xuất hạn chế nhập cư vào hai thành phố, trái với tinh thần Luật cư trú mới có hiệu lực thi hành từ năm 2007. Bộ đặt ra mục tiêu là “bằng giải pháp hành chính - kinh tế phải hạn chế lưu thông cá nhân theo lộ trình để giữ mức tăng phương tiện giao thông ở hai thành phố này dưới 10% trong năm 2008 và giảm dần trong những năm tiếp theo”.

Được biết, bản đề án trên chưa được Thủ tướng Chính phủ thông qua. Thủ tướng yêu cầu Bộ GT-VT phải hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung bản đề án trên. Theo Thủ tướng, trước mắt, cần lựa chọn, chỉ rõ các dự án giao thông ưu tiên vốn đầu tư xây dựng để giảm ùn tắc giao thông ở hai thành phố. Có chương trình khả thi di dời các cơ sở sản xuất kinh doanh, bệnh viện, trường học ra ngoại ô. Thủ tướng đồng ý tăng số lượng cảnh sát giao thông và tăng mức xử phạt hành chính đối với những vi phạm để lập lại trật tự giao thông đô thị. Thời gian tới, Chính phủ sẽ có Nghị quyết về vấn đề giảm ùn tắc giao thông ở hai thành phố lớn nhất nước. 

Phúc Hưng