Giới xe buýt đe lãn công
Các Website khác - 09/05/2008


Với cơ chế trợ 50% mức trượt giá hiện nay, đại diện các hợp tác xã (HTX) xe buýt cho rằng không đủ sức duy trì hoạt động trong khi chi phí cao nên đề nghị UBND TP HCM thêm trợ giá, nếu không sẽ ngừng một số tuyến. 
> Tăng lương, trợ giá 'cứu' ngành xe buýt / Ngành xe buýt đối mặt với nguy cơ lãn công chưa từng có

"Khối HTX sẽ không chịu nổi trong 2 tháng tới. Tài xế đang bỏ đi, chất lượng vận tải hành khách công cộng giảm", ông Nguyễn Văn Triệu, Phó giám đốc liên hiệp HTX thành phố nhận xét trong cuộc họp với Ban kinh tế ngân sách thành phố về hoạt động xe buýt hôm qua.

Cụ thể, với mức trợ giá đang áp dụng cơ chế khoán 50/50, ví dụ tiền trượt giá là 10 triệu đồng một tháng nhưng thành phố chỉ hỗ trợ 5 triệu, như vậy xã viên phải tự bỏ tiền túi ra 5 triệu.

Cụ thể, một chuyến đi Củ Chi - Chợ Lớn, tiền trợ giá nhiên liệu chỉ đủ cho xe chạy tới ngã tư Bảy Hiền, còn từ Bảy Hiền về Chợ Lớn chủ xe phải tự bỏ tiền túi. Trong khi đó, tiền lương tài xế tăng, trước đây với 25 km lộ trình lương 20.000 đồng một giờ nay phải tăng lên 22.000 đồng tài xế mới chịu chạy, tiền cơm một ngày tăng từ 30.000 đồng lên 50.000 đồng. Theo ông Triệu, tình hình này đang khiến các HTX rơi vào tình trạng không tuyển được tài xế xe buýt nên rất khó khăn trong hoạt động.

Ông Đoàn Minh Tâm, đại diện Công ty xe khách Sài Gòn cho biết, các HTX đang nhận tiền trợ giá theo đơn giá của liên Sở trình UBND thành phố tính cho đợt tăng giá xăng dầu ngày 25/2 và đợt cuối năm 2007.

Tuy nhiên ông cho rằng khoản trợ giá này không đủ, khiến các HTX điêu đứng vì càng chạy càng lỗ.

Xe buýt thành phố gồng mình chờ trợ giá mới. Ảnh: Kiên Cường

Theo Hiệp hội xe buýt thành phố nếu việc này kéo dài chắc chắn nhiều tuyến xe buýt sẽ phải ngưng hoạt động.

Cuối tháng tư, trong nỗ lực nhằm cứu vãn tình thế Hiệp hội đã gửi những kiến nghị của mình lên UBND TP HCM xem xét. Theo đó nêu rõ hiện nay do giá nhiên liệu tăng, vật tư phụ tùng tăng cao, trong khi tiền tạm ứng trợ giá không đủ bù đắp cho chi phí, các đơn vị xe buýt đang phải bù giá nhiên liệu hơn 36%, bù tiền lương hơn 10%.

Công ty xe khách Sài Gòn hiện mỗi tháng mất hơn 6 tỷ đồng cho tiền nhiên liệu và tiền lương, các đơn vị khác lỗ bình quân mỗi ngày 500.000 đồng một xe. Riêng Công ty xe khách Sài Gòn năm 2008 dự kiến doanh thu đạt 100 tỷ đồng nhưng mấy tháng đầu năm đã lỗ 38 tỷ đồng so kế hoạch.

Ngoài ra, theo bà Tạ Thị Thu Thanh, đại diện HTX Quyết Thắng thì sự dửng dưng của đơn vị quản lý trực tiếp là Trung tâm điều hàng vận tải hành khách công cộng đã gây bức xúc cho nhiều xã viên. Theo bà Thanh, trung tâm chỉ coi HTX là một lực lượng ô hợp chỉ biết phạt và phạt theo phản ánh của người dân chứ không đi kiểm tra nắm sát thực tế.

Dự án 1.318 xe buýt là dự án vay vốn ngân hàng được ngân sách Trung ương và ngân sách thành phố bù lãi vay. Nhưng hiện tại đại diện Hiệp hội thừa nhận nhiều xã viên đã và đang tiến hành sang nhượng xe của dự án này một cách bất hợp pháp, rao bán xe, đòi trả xe cho chủ đầu tư hoặc ngưng không chạy do lỗ (tuyến 18 và 19 của hợp tác xã Rạng Đông, Công ty xe khách Sài Gòn phải chạy thay 10 xe từ 1/4).

Tuy nhiên, Sở Tài chính lại khẳng định đơn giá đang áp dụng là đúng vì tính trên chi phí thực tế chạy từ bến đầu đến bến cuối. Theo Sở, vấn đề phụ tùng cũng không đáng để đưa vào để tính trượt giá. Đơn cử nếu chi phí tăng lên, giá một vỏ ruột là 1 triệu đồng chia cho 50.000 km (chạy trong một năm), thì chi phí thêm vào theo quy định là 10% tương đương 2 đồng không ảnh hưởng nhiều đến kinh doanh.

Song đại diện Công ty xe khách Sài Gòn phản đối giải thích này. Ông Đoàn Minh Tâm gay gắt: "Tôi đòi hỏi sự công bằng, đơn giá phải sòng phẳng, đơn giá mới chỉ tính chi phí nhiên liệu cho từ đầu trạm đến cuối trạm, vậy quãng đường xe từ bến ra trạm đi có tốn nhiên liệu không, ai tính?". Ông đề nghị, cả tiền phụ tùng (ốc vít, sữa chữa, vỏ ruột...) tăng chóng mặt cũng phải đưa vào khoản trợ giá dù đó chỉ là con số nhỏ.

Đại diện Hợp tác xã 19/5 góp ý, việc xây dựng đơn giá của liên Sở trình UBND không có sự tham gia của HTX là bất hợp lý, vì chỉ có HTX mới hiểu rõ thực tế.

Với 3.200 xe buýt đang hoạt động, việc trợ giá theo giới kinh doanh, sẽ là sống còn của hoạt động phương tiện vận tải công cộng duy nhất tại TP HCM. Đầu năm, thành phố đã duyệt 572 tỷ đồng (được bổ sung thêm 122 tỷ đồng) tiền trợ giá nhưng theo Sở giao thông công chính, kinh phí này vẫn không đủ bù với thực tế giá nhiên liệu đang ngày một tăng chóng mặt.

Hiện, Sở Giao thông công chính cùng Viện Kinh tế xây dựng mức đơn giá mới phù hợp hơn và trình UBND TP HCM trong thời gian tới.

Kiên Cường