Hàng nghìn học viên đến ITAC rút tiền khi biết bị lừa
Các Website khác - 11/10/2005

Chiều 11/10, hàng nghìn học viên sau khi biết bị lừa đã kéo đến Trung tâm dạy nghề ITAC (quận Bình Thạnh, TP HCM) yêu cầu phải trả đủ tiền họ đã nộp. Cả khu vực náo loạn buộc lực lượng công an phải vào cuộc để vãn hồi trật tự, song đến 20h tối, học viên vẫn còn rồng rắn xếp hàng chờ.

Nguyễn Minh Đức ở Bến Tre cho biết, sáng nay, sau khi biết được thông tin ITAC không hề liên kết với Trường Đại học Bách Khoa mà chỉ là một trường tư thục đào tạo nghề, em đã đến rút tiền. Đầu tháng 9, sau khi nhận được thư mời nhập học, em đã đến ITAC đóng 1,4 triệu đồng tiền học phí ban đầu và 600.000 tiền ở ký túc xá 4 tháng. Theo Đức, nếu là đào tạo nghề bình thường thì ở Bến Tre cũng có cơ sở đào tạo, không cần phải mất công lên tận TP HCM cho tốn kém. Cùng cảnh ngộ, Lâm ở Bình Định bức xúc: "Thấy giấy gửi về ghi rõ là Đại học Bách Khoa TP HCM thì gia đình em mới cho đi học. Bây giờ như vậy thì ở lại làm gì nữa".

Hàng nghìn học viên xếp hàng chờ rút tiền trước ITAC. Ảnh chụp lúc 19h30.

Sau khi rút được số tiền 2 triệu đồng đã đóng, học viên Hoài Thu ở Long An cho biết, năm vừa rồi, không đậu tốt nghiệp 12 nên khi nhận được thư mời nhập học này thì rất mừng và vội vàng đăng ký. Trong lời giới thiệu của ITAC còn ghi rõ, sau khi học xong sẽ có luôn bằng 12 nên cả nhà ai cũng ủng hộ. Bi đát hơn là trường hợp của Tân ở Bình Định. Vừa qua, Tân thi đậu trường trung cấp tại Quy Nhơn nhưng thấy giấy mời nhập học của Đại học Bách Khoa nên em bỏ luôn. "Bây giờ mới biết mình bị lừa. Em sẽ lại lỡ học mất 1 năm" - Tân nói như muốn bật khóc.

Không chỉ học viên mà nhiều phụ huynh cũng khóc dở mếu dở. Ông Trương Thái Hoà, một phụ huynh ở Long Thành, Đồng Nai buồn bã kể, vừa qua một số học sinh ở Long Thành đã nhận được thư mời nhập học trên. Ông Hoà đã vận động bà con hàng xóm thành lập quỹ khuyến học đưa 4 em học sinh nghèo và con gái đến với ITAC để nhập học. Bây giờ như vậy không biết ăn nói làm sao nữa.

Từ sáng sớm ngày 11/10, khi biết được những khuất tất trong đào tạo, nhiều học viên và phụ huynh đã yêu cầu ITAC phải giải thích thoả đáng. Trong buổi sáng nay, nhiều em đã đến rút tiền học phí và đành chấp nhận mất 30%. Học viên Trần Anh Tuấn bức xúc nói: "Khi làm đơn rút tiền 1,4 triệu tiền học phí thì bị trừ đi 30%, chỉ còn hơn 900 nghìn. Một số học viên khác đã không đồng ý và yêu cầu phải được trả lại đầy đủ".

Số học viên đến rút tiền chủ yếu nằm trong số khoảng 1.400 học viên mới tuyển cho khóa học khai giảng ngày 10/10 của ITAC.

Trong buổi làm việc sáng nay với ITAC, Trung tâm Kỹ thuật Điện toán - Đại học Bách Khoa TP HCM đã có bản cam kết đào tạo và cấp bằng cho toàn bộ số học viên của ITAC đã chiêu sinh, kể cả những đợt khai giảng ngoài hợp đồng liên kết đào tạo.

Những nội dung của bản cam kết đã ký ngày 11/10 cho rằng, ITAC sẽ tiếp tục đào tạo và hoàn tất nghĩa vụ học phí đối với các lớp kỹ thuật viên đang được Trung tâm Kỹ thuật Điện toán cho phép mở lớp. Cụ thể, 3 khoá khai giảng vào 10/2004, 11/2004 và 4/2005. Kể từ ngày 11/10/2005, ITAC không được chiêu sinh thêm bất kỳ học viên mới nào và gỡ bỏ toàn bộ bảng hiệu có liên quan đến Trung tâm Kỹ thuật Điện toán.

Toàn bộ học viên khoá mới khai giảng vào ngày 10/10, ITAC sẽ chuyển toàn bộ danh sách học viên, học phí phần 1 về Trung tâm Kỹ thuật Điện toán và Trung tâm sẽ thu nhận toàn bộ học viên khoá mới quản lý và tổ chức đào tạo và không chịu trách nhiệm về ký túc xá cho các học viên nói trên.

Trong buổi tiếp xúc với VnExpress hôm 10/10, Phó giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Điện toán - Đại học Bách Khoa TP HCM, Phan Đình Mãi khẳng định, Trung tâm chỉ chịu trách nhiệm đối với 240 học viên khoá 1 (khai giảng vào 10/2004) mà không cần biết đến các khoá sau ITAC đã chiêu sinh. Theo ông Mãi, Trung tâm đã có Quyết định 1702 chấm dứt hợp đồng liên kết đào tạo vì ITAC đã vi phạm hợp đồng liên kết đào tạo số 2109 ký ngày 21/9/2004.

Tuy nhiên, trong bản cam kết trên và thông báo số 1110 đều do Giám đốc Nguyễn Cao Trí ký ngày 11/10 thì Trung tâm Kỹ thuật Điện toán lại đồng ý tiếp tục quản lý và cấp bằng cho thêm khoá khai giảng tháng 11/2004 và 4/2005, theo tinh thần của hợp đồng liên kết đào tạo 2109 đã bị chấm dứt từ ngày 17/8/2005. Không những thế, Toàn bộ gần 1.400 học viên khoá mới sẽ được chính Trung tâm Kỹ thuật Điện toán trực tiếp quản lý, đào tạo và cấp bằng.

Tiếp xúc với các học viên trong buổi trưa 11/10, ông Trí cho rằng, theo quy chế hoạt động của Trung tâm Kỹ thuật Điện toán học viên phải có bằng 12 mới được nhận vào học. Vì vậy tất cả học viên phải qua đợt xét tuyển lại. Những học viên chưa tốt nghiệp 12 sẽ không được nhận.

Theo ông Trí, Trung tâm Kỹ thuật Điện toán hiện có 1 trung tâm nhỏ trực thuộc và liên kết đào tạo với khoảng 10 trung tâm khác. Lượng học viên đang có trên 1.000 người. Nếu chỉ tính riêng học viên khai giảng vào ngày 10/10 vừa qua mà ITAC niêm yết trên bảng thông báo đã lên đến con số gần 1.400 người, nhiều hơn tất cả học viên của toàn Trung tâm cộng lại.

Chiều 11/10, ông Nguyễn Thành Hiệp, Trưởng phòng Dạy nghề của Sở Lao động Thương binh Xã hội TP HCM, cho biết. Sau khi nhận được thông tin sai phạm, Sở đã yêu cầu ITAC phải có giải trình 3 vấn đề: về con dấu nhập nhèm, thay đổi tên gọi và việc liên kết đào tạo. Ban đầu ITAC đã thừa nhận sai phạm như sử dụng con dấu giả, tự đặt tên gọi không đúng như đăng ký và liên kết đào tạo khi chưa được đồng ý của Sở. Theo ông Hiệp, nếu ITAC không có giải trình thoả đáng bằng văn bản thì Sở sẽ lập đoàn thanh tra xuống làm rõ.

Việt Hòa