“Hẻm tha hương” ngày cuối năm
Các Website khác - 21/01/2009

 Con hẻm chẹt này nằm giữa khu phố toàn những căn nhà lầu nguy nga, đồ sộ trên đường Nguyễn Huy Điển, quận Gò Vấp, TP.HCM. Dân của hẻm là những người tứ xứ tựu về đây ở trong những ngôi nhà mướn tạm bợ, xiêu vẹo. Ngày tết cận kề đang đến với họ là thêm một gánh nặng lo toan…

Mấy ngày rồi ông Điền không có cái ăn... -Ảnh: L.V.

Cái tên “hẻm tha hương” được đặt cho con hẻm này cũng không biết có tự khi nào. Hẻm cụt chỉ có gần chục phòng trọ, mỗi phòng giá từ 150.000-350.000 đồng/tháng. Cư dân hẻm cũng chỉ có vài chục người nhưng đều là dân tứ xứ đến đây thuê trọ để kiếm sống bằng đủ nghề: bán vé số dạo, hủ tiếu gõ, đạp xích lô…

Tha phương, cùng khổ

Chuột mập hơn người!  

Cả xóm có thùng thức ăn thừa cho mấy người nuôi heo cuối tuần tới lấy nên chuột càng tha hồ tung hoành. Anh Nguyễn Minh Phước, thợ hồ, cư dân mới của hẻm, bảo: “Chuột ở đây còn ú hơn người!”.

Đứng từ ngoài nhìn vào, người ta thấy ngay hai cái chòi nhỏ cheo leo bắc ngang trên nóc mấy căn phòng trọ lụp xụp. Dân trong hẻm gọi đó là cái “chòi chim” với giá cho thuê rẻ nhất khu trọ, chỉ 150.000 đồng/tháng. Đó cũng là nơi trú ngụ của ông Nguyễn Xuân Điền, mưu sinh bằng nghề chạy xích lô. Đã hơn 50 tuổi, ông Điền sống một mình, không vợ con, người thân đều lưu lạc xa xứ.

Đã mấy ngày qua ông Điền không có gì ăn, chỉ uống nước cầm hơi và nằm bẹp một chỗ. Cao xấp xỉ 1,7m nhưng giờ ông Điền chỉ còn nặng 41kg. Ông nói chỉ trong hai tháng mà ông sút tới gần 12kg.

Trước đây, ông Điền sống ở quận Bình Thạnh. Mẹ mất, ông phải bán nhà vì khoản nợ nần khi mẹ ốm. Rồi ông một mình trôi dạt hết khu trọ này tới khu trọ khác sống qua ngày bằng nghề đạp xích lô chở khách. Rồi một ngày, chiếc xích lô của ông Điền dù đã cột, khóa mấy lớp xích nhưng để tạm bợ trên vỉa hè ngoài hẻm cũng bị lấy cắp hơn nửa năm trước. Mất xích lô, mỗi ngày ông tha thẩn đi bốc vác thuê khắp nơi để kiếm cái ăn.

Tiền thuê cái chòi nhỏ chỉ 150.000 đồng/tháng mà ông Điền đã nợ đến hơn ba tháng. Tiền ăn trong những ngày đau bệnh cũng phải thiếu mấy người bán quán ăn gần khu xóm chợ gần 2 triệu đồng. Đến đầu tháng này người ta không cho ăn cơm thiếu nữa.

“Thi thoảng tôi lại phải gọi lên hỏi chuyện xem ổng còn sống không. Tết nhất đến nơi, đã nghèo khổ mà còn vướng phải bệnh tật” - ông Hùng bán vé số, ngụ cùng con hẻm, thở dài bảo.

Căn phòng trọ cuối hẻm là của ông Trần Văn Minh, 73 tuổi, dân Sài Gòn gốc. Gần 40 năm làm công nhân nhà máy sắt đã khiến tai ông bị điếc đặc. Vợ mất, chỉ có một đứa con trai cũng cơ cực nên ông tự dọn ra ở trọ, sống nhờ vào 300.000 đồng tiền trợ cấp hưu trí và 420.000 đồng mỗi tháng địa phương hỗ trợ. Trừ tiền phòng, điện nước hết 250.000 đồng, mỗi tháng ông Minh còn chưa đầy 500.000 đồng để ăn uống, thuốc men cho bệnh tật tuổi già.

Cạnh giường ngủ của ông Minh là chén cơm đã bốc mùi, nửa gói mì bọc cẩn thận trong túi nilông và một chén nước tương cho bữa cơm tối. Ông già “điếc” đã xin một chỗ trong chùa Như Lai để được lo hậu sự cho ngày nhắm mắt. Giọng buồn buồn, ông nghèn nghẹn bảo: “Già rồi nên lo trước, vậy cho xong một kiếp người…”.

Bé Quân, cư dân nhỏ nhất, cũng là đứa trẻ duy nhất của xóm nghèo -Ảnh: L.V.

Chút tình nghèo ngày tết

Lại một năm không có tết  

Chị Thảo bảo cư dân “hẻm tha hương” này mấy năm nay không biết tết. Những ngày đầu năm mới, mọi người có khi còn buồn hơn vì thất nghiệp mấy ngày, xem như hụt tiền ăn vài bữa. “Năm nay, tình hình kinh tế chung càng khó khăn, việc mưu sinh lại càng khốn khó, xem như một năm nữa bọn tôi không có tết…”.

Ông Minh lôi chai dầu gội đầu bồ kết ra khoe: “Quà tết của anh Lĩnh thợ hồ cho tôi đấy”. Thương ông Minh vừa tắm gội, vừa giặt đồ bằng… xà bông bột đến tróc da, mẩn ngứa, anh Lĩnh vừa lĩnh tiền công làm hồ cuối năm mua ngay chai dầu gội mang sang biếu ông. Mấy hôm trước, trời mưa trái mùa, nhà ông Minh dột, nước xối như ngoài sân. Anh Lĩnh dọn được một góc nhà khô ráo. Anh qua dắt ông cụ sang ngồi, mời ông điếu thuốc, trò chuyện để ông khỏi tủi.

Cận tết nhưng chưa tới ngày lĩnh lương hưu, ông Minh chỉ còn vỏn vẹn 2.000 đồng trong túi, mua gói mì bẻ đôi ăn cả ngày, gói cẩn thận treo lên cao để khỏi bị chuột tha mất. Xót ruột, vợ chồng chị Lan “vé số” hay chị Thảo “ve chai” ngụ phòng trọ gần bên lại bới cho ông chén cơm, chén canh của bữa cơm nghèo gia đình mình. Chị Lan bảo: “Ông cụ cũng bằng tuổi ba mình, lại điếc đặc, lui cui một mình, tội lắm…”.

Anh Lĩnh ngậm ngùi bảo: “Mấy tháng nay không có việc làm. Kinh tế khó khăn, công trình xây dựng ít, chẳng ai thuê mướn. Cuối năm có việc làm lai rai nhưng tiền vé xe cao quá, hôm trước định về quê sớm thì không đủ tiền, nán đợi cận tết để đi làm kiếm thêm rồi về. Nhưng bây giờ lại không thể mua được vé tàu”. Người đàn ông 35 tuổi sống độc thân, phiêu dạt từ Hải Dương vào TP làm thợ hồ này mới dọn về hẻm được hơn ba tháng.

Ông Hùng khổ sở vì bị lừa ba tờ vé số giả - Ảnh: L.V.

Nghèo còn gặp eo

Vợ chồng ông Hùng, hai người già gặp nhau trên đường bán vé số, gá nghĩa với nhau rồi về sống chung để nương tựa khi tuổi già. Ông lẩm bẩm: “Mấy thằng nhỏ ác quá, chúng nó dán lại giả vé số trúng thưởng để lừa hai thân già mất 900.000 đồng…”.

Vợ chồng chị Thảo làm nghề lượm ve chai cũng đã bốn năm rồi không về tết. Gửi hai đứa con ở quê từ lúc còn lẫm đẫm tới khi hai đứa đã đi học cấp I mà anh chị chỉ được nhìn con qua ảnh. Xóm trọ có duy nhất một đứa trẻ là bé Quân năm nay 3 tuổi, con chị Lan bán vé số. Mỗi lúc bé Quân chạy qua nhà chơi, đi làm về mệt mà được ôm thằng nhóc kháu khỉnh vào lòng chị Thảo lại ứa nước mắt vì nhớ con. Năm nay sẽ là cái tết thứ năm vợ chồng chị Thảo lại không về. Chị Thảo khoe năm nay cắc củm mãi mới mua được một bộ đồ cũ gửi về cho con cùng mấy trăm ngàn đồng.

Mấy ngày cuối năm, cái chòi của ông Điền mới có thêm người vào ở, đó là ông Đông “ve chai”, ở để chia bớt tiền. Có hôm ông Đông đi cả mấy ngày không về, ông Điền vì vậy mà đói. Ông bảo: “Thấy ổng không về là biết không kiếm được tiền rồi. Từ dạo tôi mất xích lô, mỗi lúc đi làm về ổng lại mua cho ổ bánh mì hay hộp cơm sống qua ngày…”.

Chị Thảo bảo dù không ăn tết như người ta nhưng đêm giao thừa và mấy ngày đầu xuân năm nào những gia đình trong con hẻm cụt cũng gom lại, người vài ngàn đồng, người khá hơn vài chục ngàn đồng để nấu chung với nhau một bữa cơm đón năm mới, đón ông bà, tổ tiên và cũng là những suất ăn miễn phí đầu năm cho những hộ, những người quá khó khăn.

Bữa cơm tập thể của cả con hẻm chỉ có canh rau, đậu hủ, trứng chiên cho khẩu phần ăn của người lớn. Trẻ em thì được thêm mấy lát thịt ba rọi bạc nhạc, lòng gà, lòng vịt mua sót lại với giá rẻ tại các phiên chợ tàn chiều 30. Bữa cơm tết chung vui của cả hẻm nghèo đạm bạc nhưng ấm áp như tình cảm sẻ chia nhau của người dân trong hẻm, nhiều cư dân ở đây bảo vậy.

“Tết năm nay tụi tôi cũng tính sẽ tiếp tục tổ chức như vậy. Dù sang dù nghèo thì cũng phải có một bữa cơm đầu năm mới sum vầy tuy chẳng bà con ruột thịt gì với nhau. Mình xa quê, không được gần người thân, gia đình thì tình cảm chung của những con người tha phương trong năm mới tại con hẻm này quây quần bên nhau ít ra cũng cảm thấy ấm lòng” - chị Thảo nói.

Theo Tuoi Tre Online