Cần quan tâm chất lượng cán bộ quản lý đất đai
Là một cử tri ở vùng nông thôn Lâm Đồng, chúng tôi rất quan tâm phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường Mai Ái Trực. Bởi vì vấn đề quản lý đất đai ở địa phương chúng tôi có những sai phạm kéo dài. Chỉ vì sự tắc trách của các cơ quan chức năng địa phương, đặc biệt là những người trực tiếp làm công tác quản lý đất đai ở cơ sở, mà tại Lâm Đồng trong nhiều năm gần đây liên tục xảy ra những sai phạm trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ). Hậu quả của những sai phạm đó là vô cùng nghiêm trọng, không những làm cho Nhà nước bị thiệt hại hàng chục tỷ đồng mà còn gây những hệ lụy không dễ xử lý trong một sớm, một chiều...
Ở Lâm Đồng, trong tổng số 806.835 thửa đất tương đương với diện tích 172.486 ha đất nông nghiệp và đất ở nông thôn đã cấp cho 246.240 hộ gia đình, có đến 27.000 thửa có sai sót. Có rất nhiều kiểu sai phạm, trong đó, nghiêm trọng nhất là có đến 6.163 thửa đất bị cấp trùng, cấp khống giấy chứng nhận QSDĐ. Có những sai phạm thể hiện sự non kém về nghiệp vụ của cán bộ quản lý đất đai nhưng cũng có những sai phạm do tiêu cực. Theo chúng tôi, có nhiều nguyên nhân dẫn đến những sai phạm đó, nhưng nguyên nhân cơ bản nhất là sự non kém về chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ địa chính cấp cơ sở; bên cạnh đó, yếu tố tiêu cực đã len sâu vào lĩnh vực này.
Cử tri chúng tôi mong rằng, Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường cần nghiêm túc xem xét vấn đề phẩm chất, đạo đức và khả năng đáp ứng công việc của đội ngũ cán bộ trong ngành, nhất là ở địa bàn cơ sở.
VƯƠNG ĐÌNH THỐNG (Phú Hội, Đức Trọng, Lâm Đồng)
Bức xúc vấn đề xác định trách nhiệm cá nhân
Theo dõi phiên trả lời chất vấn ngày 25-11 của các bộ trưởng tại kỳ họp QH, cử tri chúng tôi thấy chưa thấy thỏa đáng về vấn đề xác định trách nhiệm cá nhân. Nhất là đối với Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Võ Hồng Phúc và Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường Mai Ái Trực. Điều này rất có ý nghĩa và chúng ta đã ngày càng nhận thấy tầm quan trọng của vấn đề xác định trách nhiệm cá nhân. Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư nhiều lần nhắc đi nhắc lại rằng chương trình này chương trình kia có từ lâu rồi, từ mươi mười lăm năm trước kia, kể cả vụ Nguyễn Đức Chi nữa, Bộ trưởng chỉ là người đi "giải quyết hậu quả". Cho dù là như vậy thì Bộ trưởng cũng có trách nhiệm cá nhân là "tư lệnh ngành". Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường cũng thuyết minh quá nhiều về một lĩnh vực rất nhạy cảm, nhiều sai phạm, mà chẳng thấy trách nhiệm của Bộ cũng như Bộ trưởng ở đâu. Chúng tôi quan sát thấy ngay các đại biểu QH cũng rất bức xúc về cách trả lời như vậy.
TRẨN HỒNG RỤ (Quảng Nam)
Giảm thiệt thòi cho dân khi "đền bù giải tỏa"
Trước hết, chúng tôi hoan nghênh QH đã cho truyền hình trực tiếp các phiên chất vấn, điều này đã thể hiện rõ sự dân chủ và cầu thị. Trong phiên chất vấn chiều 25-11, tôi chia sẻ với Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Mai Ái Trực khi trả lời các câu hỏi của đại biểu QH, và cũng đồng ý với ý kiến của đại biểu Dương Trung Quốc. Có thể nói vấn đề đền bù, khi giải phóng mặt bằng luôn là vấn đề nóng bỏng được cử tri cả nước quan tâm, vì vấn đề này không chỉ là chuyện riêng của một địa phương nào mà là chuyện của cả nước. Có một mâu thuẫn là tốc độ đầu tư, xây dựng cơ bản, quy hoạch triển khai càng nhanh, càng nhiều thì khiếu nại, khiếu kiện của dân liên quan đến đền bù càng tăng. Có phải luật và các quy định của nước ta chưa sát thực tiễn cuộc sống? Hay vì một lý do nào khác nữa?
Trả lời tất cả những vấn đề trên không phải dồn hết cho Bộ Tài nguyên và Môi trường mà còn phải xem xét trách nhiệm của từng địa phương. Tôi thấy rằng không ít địa phương khi triển khai công tác đền bù đã không tính toán đến những hệ lụy của việc này, xây dựng giá đền bù không hợp lý, không tính toán việc bố trí tái định cư, hỗ trợ nhân dân chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm. Không một người dân nào phản đối Nhà nước mở rộng đầu tư, mở mang đô thị, xây dựng nhiều công trình mới. Cũng như vậy, không một người dân nào muốn mình phải từ bỏ nơi mình đã sinh sống quen thuộc để đến một chỗ ở khác xa lạ và phải làm lại từ đầu. Bên cạnh đó, khi tiến hành áp giá đền bù và thực hiện các chính sách liên quan đến đền bù giải tỏa, nhiều cán bộ còn coi thường quyền lợi của dân, nói cách khác là ép dân để mong đẩy nhanh tiến độ. Ở đây là cấp dưới làm sai, còn cấp trên thì thiếu kiểm tra, đôn đốc và giám sát nên dân mới khiếu kiện. Cũng có một số hộ dân không chấp hành tốt chính sách của Nhà nước, chây ỳ, cố tình khiếu kiện, nhưng chỉ là số ít.
PHAN NGỌC VŨ (Phường 3, TP Vũng Tàu, Bà Rịa - Vũng Tàu)
Coi trọng hơn công tác tư vấn và nâng cao hiệu quả của các đoàn kiểm tra
Tôi rất quan tâm phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Công nghiệp Hoàng Trung Hải trước QH. Phần lớn các câu trả lời của Bộ trưởng là rất cụ thể, có lý, có tình, đồng thời còn nêu lên một số kiến nghị.
Ở nội dung trả lời chất vấn của đại biểu QH về sự chậm trễ của một số công trình trọng điểm như: khu lọc dầu Dung Quất, khí điện đạm Cà Mau, phải chăng do chưa dành kinh phí đúng mức cho công tác chuẩn bị đầu tư. Bộ trưởng thừa nhận rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do cơ chế, chính sách của ta còn cứng nhắc. Tôi hoàn toàn tán thành quan điểm đó vì công tác khảo sát, tư vấn thiết kế là khâu quan trọng hàng đầu, quyết định sự thành bại của dự án đầu tư. Cho dù phải tăng kinh phí cho khâu tư vấn mà tránh được rủi ro thì dự án vẫn hiệu quả hơn là mắc sai lầm trong thiết kế, phải làm đi làm lại nhiều lần. Kiến nghị của Bộ trưởng là nên giao toàn quyền quyết định cho chủ đầu tư về việc tăng hay giảm kinh phí chuẩn bị đầu tư dự án là rất hợp lý.
Tuy nhiên, ở nội dung trả lời về vụ điện kế điện tử xảy ra tại Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh, tôi chưa đồng tình về cách lý giải của Bộ trưởng. Tại sao hằng năm có nhiều đoàn kiểm tra trong và ngoài ngành điện đến làm việc tại công ty này mà không ai phát hiện ra những sai phạm trong việc đấu thầu mua 312.000 chiếc điện kế điện tử của Công ty Linh-tơn Xin-ga-po. Bộ trưởng trả lời rằng mỗi đoàn kiểm tra chỉ thực hiện theo từng nội dung riêng, nên không ai phát hiện ra tiêu cực, là chưa thỏa đáng. Như vậy, phải chăng các đoàn kiểm tra, thanh tra làm việc còn hình thức, máy móc, thiếu nghiệp vụ và rất kém hiệu quả. Thử hỏi việc kiểm tra sản xuất, kinh doanh đúng luật pháp ở các đơn vị trong ngành điện thuộc thẩm quyền trách nhiệm của đoàn kiểm tra nào?
NGUYỄN KIM NGẤN (6/4 Võ Trường Toản, phường 15, quận 5, TP Hồ Chí Minh)
Xử lý đơn thư khiếu nại thuộc lĩnh vực đất đai
Qua phần trả lời chất vấn, Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường Mai Ái Trực đã nhìn thẳng vào thực tế của việc quản lý Nhà nước trong lĩnh vực nhạy cảm là đất đai; đã nói rõ một số vấn đề mà người dân quan tâm như: bồi thường tái định cư, thu hồi đất không sử dụng. Tuy nhiên, chúng tôi thấy Bộ trưởng còn chủ quan trong việc xử lý đơn thư khiếu tố, bởi lẽ với gần 18.000 đơn trong năm 2005, thì trong năm tháng (đến tháng 4-2006) liệu Bộ Tài nguyên - Môi trường có giải quyết dứt điểm, thỏa đáng những bức xúc mà người dân khiếu nại không, nhất là đối với những nơi nhạy cảm, liên quan đến cán bộ có chức, có quyền. Đồng thời với đó, việc quản lý đất đai sau khi Nhà nước thu hồi còn nhiều bất cập, có nhiều nơi chính quyền giải tỏa, di dân để dành đất xây dựng công trình. Nhưng bên B còn nhiều lý do khác nhau không thực hiện đúng cam kết, bỏ bễ công trình hoặc nhận thầu xong thì không thi công. Hậu quả là, người dân thuộc diện di dời gặp khó khăn với nơi ở mới; đất giải tỏa thì bỏ không, trở thành nơi tập kết rác thải, thành nơi tụ tập của các đối tượng xấu gây các tệ nạn xã hội làm bức xúc người dân trong khu vực.
QH và Bộ trưởng cần đặc biệt lưu ý việc di dân, tái định cư cho đồng bào thuộc dự án Nhà máy thủy điện Sơn La, sao cho đồng bào đến nơi ở mới bảo đảm được cuộc sống, phù hợp phong tục mà không phá vỡ quy hoạch của trên.
NGUYỄN VĨNH (Tổ 19, phường Yên Ninh, TP Yên Bái)
Mong muốn giá điện sinh hoạt hợp lý, ổn định
Sáng 25-11, chúng tôi được xem truyền hình trực tiếp nội dung trả lời chất vấn của Bộ trưởng Công nghiệp Hoàng Trung Hải, được biết dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất chuẩn bị khởi công vào ngày 28-11, thật là một tin vui đối với cử tri Quảng Ngãi. Nhà máy hoàn thành sẽ là động lực phát triển kinh tế cho tỉnh Quảng Ngãi nói riêng và cả khu vực miền trung nói chung. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng nhà máy, đề nghị Bộ trưởng có biện pháp quản lý chặt chẽ, tránh tình trạng tiêu cực, chất lượng công trình kém, hiệu quả kinh tế thấp (vì thực tế đã xảy ra)...
Vấn đề tăng giá điện, Bộ trưởng đưa ra nhiều lý do khó khăn của ngành điện, nhất là về tài chính. Theo chúng tôi việc tăng giá điện hiện nay là chưa hợp lý, vì thực chất hầu hết người dùng điện hiện nay có mức thu nhập thấp, đời sống khó khăn. Giá như ngành điện có biện pháp quản lý tốt hơn, hạn chế tổn thất điện năng và tổ chức sản xuất - kinh doanh điện hiệu quả hơn thì chắc chắn người dùng điện đỡ phải chịu sức ép tăng giá điện liên tục (theo Bộ trưởng, trong 10 năm qua đã có tám lần tăng giá điện). Nếu như đầu năm 2006, Nhà nước tiếp tục điều chỉnh tăng giá điện (theo đề án của Bộ Công nghiệp) thì nhiều người dùng điện, nhất là khu vực nông thôn, miền núi và dân nghèo thành thị sẽ gặp nhiều khó khăn trong đời sống. Nguyện vọng của cử tri chúng tôi là giá điện sinh hoạt hợp lý, ổn định lâu dài. Việc tiêu cực trong ngành điện (vụ điện kế điện tử ở TP Hồ Chí Minh) được Bộ trưởng đã trả lời rõ ràng, thẳng thắn, dám nhận trách nhiệm, đem lại niềm tin cho cử tri chúng tôi...
ĐÂNG BÌNH MINH (Phường Trần Phú, TP Quảng Ngãi, Quảng Ngãi)
Thông cảm với khó khăn của ngành điện
Tôi theo dõi rất kỹ phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Công nghiệp Hoàng Trung Hải. Các vấn đề của ngành công nghiệp thời gian qua rất "nóng" trong dư luận xã hội, như vụ công-tơ điện tử, việc tăng giá điện... Là người dân TP Cảng, có ngành cơ khí phát triển, đặc biệt là cơ khí đóng tàu, tôi rất quan tâm đến những giải pháp phát triển ngành cơ khí mà Bộ trưởng đưa ra. Các nhà máy đóng tàu nằm trên địa bàn Hải Phòng đã có đủ năng lực đóng tàu tới 53 nghìn tấn, nhưng tỷ lệ nội địa hóa nhìn chung vẫn rất thấp, phần nhân công là chủ yếu. Tôi cho rằng ngành cơ khí chế tạo nước ta hiện nay trình độ công nghệ còn lạc hậu, sức cạnh tranh thấp. Tôi cũng đồng ý với giải pháp của Bộ trưởng đưa ra là các doanh nghiệp cơ khí phải được cổ phần hóa và hình thành các hiệp hội, có sự liên kết, hợp tác để giảm bớt sự đầu tư trùng lắp, lãng phí. Là người tiêu dùng, tôi cũng mong muốn được hưởng giá điện thấp, tuy nhiên qua cách giải trình của Bộ trưởng đối với ý kiến của đại biểu Nguyễn Đức Dũng (Kon Tum) về việc tăng giá điện, chúng tôi thông cảm với những khó khăn của ngành điện thời gian qua. Trong mười năm, giá điện tăng tới tám lần nhưng vẫn cố gắng duy trì mức tác động đối với xã hội không quá 8%. Bộ trưởng cũng đã thẳng thắn nhận trách nhiệm một số vụ việc nổi cộm, chỉ ra những yếu kém về mặt quản lý của ngành và đưa ra các giải pháp tháo gỡ. Nói chung, người dân chúng tôi thỏa mãn với cách trả lời chất vấn của Bộ trưởng Công nghiệp.
TRẨN VẮN DẨN (90 phố Hàng Kênh, quận Lê Chân, TP Hải Phòng)
Chăm lo cụ thể hơn sức khỏe người dân
Qua câu trả lời của Bộ trưởng Y tế Trần Thị Trung Chiến, tôi xin nêu hai việc: Qua thông tin báo chí, chúng tôi biết, làng ung thư ở xã Thạch Sơn, tỉnh Phú Thọ không phải nằm ở vùng sâu, vùng xa. Thế nhưng, bệnh ung thư lại xảy ra ở đây đã nhiều năm nay, cướp đi sinh mạng của hàng chục người và hiện còn rất nhiều người bệnh đang thập tử nhất sinh, nhiều gia đình khánh kiệt do phải lo cho người bệnh. Vậy mà cho đến giờ qua báo chí Bộ Tài nguyên - Môi trường và Bộ Y tế mới được biết và mới vào cuộc một cách thụ động, trong khi lẽ ra phải có dự báo, khuyến cáo, cảnh báo trước ở Thạch Sơn hoặc những nơi tương tự gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng. Việc Bộ Y tế xây dựng kế hoạch chiến lược chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, là rất cần thiết.
Hiện nay dịch cúm gia cầm đang lây lan ở nhiều địa phương trong cả nước và nguy cơ đại dịch cúm ở người đang cận kề. Thế nhưng, hiện nay ở nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có Cà Mau đang thiếu trầm trọng thuốc Tamiflu dự trữ để phòng trị ở người. Do thiếu thuốc cho nên đã xuất hiện tình trạng người dân săn lùng mua thuốc với bất cứ giá nào. Cả tỉnh Cà Mau hiện có hơn 300 viên thuốc Tamiflu dự trữ và một nửa trong số này đã quá hạn dùng; trong khi đó nguồn thuốc do Bộ Y tế cung cấp chỉ là trên kế hoạch. Do đó, chúng tôi đề nghị Bộ Y tế cần tích cực hơn trong công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm; giúp người dân yên tâm không sợ thiếu thuốc.
NGUYỄN VẮN SÁU (Khóm 1, phường 6, TP Cà Mau)
Chấn chỉnh tình trạng đầu tư không hiệu quả
Những vấn đề liên quan giao thông bao giờ cũng được cử tri Hà Nội chúng tôi đặc biệt quan tâm. Qua theo dõi phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Giao thông vận tải, chiều 25-11, tôi thấy chưa thỏa đáng, cách trả lời khá lòng vòng. Lúc đầu, Bộ trưởng giải thích nguyên nhân tình trạng các đơn vị xây dựng công trình giao thông nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội của cán bộ, công nhân viên là do giá bỏ thầu công trình thấp, do những yếu kém trong công tác quản lý... Sau đó, khi đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (đoàn Hà Nội) có đề nghị Bộ trưởng nói rõ về trách nhiệm cá nhân và thời điểm khắc phục tình trạng này, thì Bộ trưởng đổ lỗi cho cơ chế...
Về những yếu kém trong việc xây dựng các công trình giao thông, Bộ trưởng đưa ra rất nhiều lý do, trong đó nguyên nhân chính là do nguồn vốn đầu tư hạn hẹp, theo chúng tôi nói thế là chưa đủ. Cần thẳng thắn nhìn nhận những yếu kém do chúng ta thiếu một "tầm nhìn" chiến lược. Chính vì vậy mới dẫn đến tình trạng nhiều tuyến đường vừa xây dựng xong đã thấy lạc hậu, hoặc ngược lại, đầu tư tốn kém để xây dựng những con đường rộng thênh thang để rồi sau đó lại bỏ hoang, gây lãng phí.
Một số tuyến phố nằm trên tuyến đường vanh đai I của Hà Nội là thí dụ điển hình cho sự lãng phí này. Hơn mười năm trước, khi mở rộng phố Đại Cồ Việt, số lượng người đi xe đạp nhiều, cho nên hai làn xe thô sơ được thiết kế rất rộng. Đến nay, khi số lượng người đi xe đạp giảm, làn đường này ít được sử dụng, trong khi các làn đường còn lại luôn quá tải phương tiện, dẫn đến ùn ứ giao thông. Còn đường Trần Khát Chân và Đào Duy Anh được đầu tư hàng trăm tỷ đồng, xây dựng đường rộng hơn 50 m với sáu làn xe, nhưng nay từ khi hoàn thành đến nay, hai làn đường trong cùng đã bị bỏ hoang làm nơi đỗ xe, rửa xe, thậm chí làm nơi bán hàng... Kiểu đầu tư tốn kém mà không phát huy được hiệu quả như thế này cần được chấn chỉnh ngay.
Nguyễn Thị Ngân Giang (45 Lò Đúc, Hà Nội)
Trả lời có những điểm chưa sát thực tế
Qua cách trả lời chất vấn ngày 25-11 của Bộ trưởng Giao thông vận tải, tôi thấy chưa đầy đủ. Về vấn đề chất lượng các công trình thi công, đường vừa làm xong đã hỏng, Bộ trưởng giải trình "trên nguyên tắc nếu phát hiện những hiện trạng như vậy thì Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm đề nghị nhà thầu sửa chữa", thế nhưng việc sửa chữa chậm, mang tính đắp vá. Rất nhiều công trình giao thông tại vùng bán đảo Cà Mau thi công chậm trễ, thậm chí bỏ dở từ hai đến sáu năm trời. Một vấn đề khác là việc thi công đường quá trậm gây tắc nghẽn giao thông, gây ô nhiễm môi trường. Bộ trưởng cho biết các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước cho công trình giao thông khá ưu tiên, đủ đến năm 2010, vấn đề còn lại là công tác giải phóng mặt bằng và năng lực thi công của các nhà thầu. Bộ Giao thông vận tải cần chặt chẽ hơn trong quá trình đấu thầu, kiểm tra năng lực thi công của các nhà thầu, khâu giao nhận thầu và giám sát thi công chặt chẽ. Bộ Giao thông vận tải cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với chính quyền địa phương để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng và kiểm tra tiến độ thi công.
Trong lời giải trình của Bộ trưởng là các doanh nghiệp của ngành giao thông đã giải quyết hết nợ lương cho công nhân chậm nhất trong vòng ba tháng, thế nhưng trên thực tế, nhiều doanh nghiệp thi công cầu-đường tại Kiên Giang vẫn nợ lương công nhân kéo dài từ ba đến sáu tháng. Tôi thấy việc trả lời chất vấn của Bộ trưởng Giao thông vận tải rõ ràng, nhận rõ những khuyết điểm cần sửa chữa và có biện pháp khắc phục. Tuy nhiên những lời giải trình này đem đối chiếu với hiện trạng giao thông và việc triển khai thi công các công trình giao thông tại đồng bằng sông Cửu Long, thì chưa được trọn vẹn.
Nguyễn Trí Phương (185 Mai Thị Hồng Hạnh, TP Rạch Giá, Kiên Giang)
|