Học giả Đài Loan sang VN bàn về cô dâu Việt
Các Website khác - 17/08/2005

(VietNamNet) - Lần đầu tiên, một phái đoàn học giả Đài Loan, được sự uỷ quyền của chính phủ đến Hà Nội tìm gặp giới nghiên cứu xã hội học, các nhà hoạch định chính sách Việt Nam tìm hiểu các vấn đề và giải pháp liên quan thực trạng "cô dâu Việt lấy chồng Đài Loan".
>> Hỗn chiến môi giới cô dâu trên đất Đài

Soạn: AM 518417 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Các cô dâu Việt ở Đài Loan. Ảnh: Trang Hạ

Trong Toạ đàm về Cô dâu Việt ở Đài Loan tổ chức ngày 17/8 tại Hà Nội, đoàn Đài Loan gồm nhiều học giả nổi tiếng từ Viện nghiên cứu TƯ Đài Loan, nhiều trường ĐH và đại diện Văn phòng kinh tế Đài Bắc tại Hà Nội. Phía Việt Nam có các nhà nghiên cứu từ Viện KH-XH Việt Nam, đại diện Bộ Tư pháp, Ủy ban Dân số - Gia đình - Trẻ em.

Các học giả Đài Loan chủ động đề cập thực trạng hôn nhân chồng Đài - vợ Việt như nạn bạo hành (mà các cô dâu Việt là nạn nhân), tình trạng khập
khiễng về tập quán, văn hoá , lối sống, bất đồng ngôn ngữ giữa hai vợ chồng... và các vấn đề xã hội liên quan quyền lợi và nhân phẩm của cô dâu Việt sống trên đất Đài Loan.

Một học giả Đài Loan, GS. Vương Hồng Nhân (Viện nghiên cứu Đông Nam Á, ĐH Tế Nam) công bố nghiên cứu của ông, cho rằng có khoảng 20% cô dâu Việt Nam ở Đài Loan không hoà hợp được với chồng hoặc gia đình nhà chồng, dẫn đến kết cục bị ngược đãi và ly hôn (80% hạnh phúc ít được báo chí đề cập).

Theo nghiên cứu mới nhất, được tác giả Trần Hồng Vân công bố tại hội thảo Việt Nam học lần thứ 2, "phong trào" lấy chồng Đài Loan trong phụ nữ các tỉnh phía Nam ngày càng "nóng". Chỉ từ tháng 1/1995 đến tháng 10/2005 số đôi vợ chồng Việt - Đài được cấp phép nhập cảnh đã đạt tới 72.411 cặp, đa số là chồng Đài già - vợ Việt trẻ.

GS. Vương nhận định, khó khăn lớn nhất của các cô dâu Việt Nam là bất đồng ngôn ngữ, vốn sống ít, học vấn và đời sống trước kết hôn thấp, lại không nghề nghiệp và chưa hiểu biết pháp luật, phong tục tập quán Đài Loan.

Chưa kể, nhiều cô không biết cách liên lạc hoặc không quen "kêu cứu" với cơ quan chức năng..., dù trước khi về nhà chồng đã được Văn phòng kinh tế Đài Bắc tại Hà Nội và TP HCM phát Sổ tay hướng dẫn về an toàn bản thân phụ nữ và các số điện thoại cứu giúp khẩn cấp bằng tiếng Việt. Nhiều cô đã không thể tự bảo vệ khi bị ngược đãi, mất quyền phân chia tài sản và nuôi con khi ly hôn.

Theo ước tính của GS. Chyong-fang Ko (Viện nghiên cứu TƯ Đài Loan), cộng đồng cô dâu Việt chiếm tỷ lệ đến 35% trong số 338.000 người nước ngoài kết hôn với công dân của mình và di dân về; với khoảng 118.300 cô, đa số là phụ nữ miền Nam Việt Nam. Môi giới hôn nhân Đài - Việt đang nở rộ do lợi nhuận lớn: người môi giới ở Đài Loan có thể thu từ mỗi vụ làm ăn 2.000 - 2.500 USD trong 7.000 - 8000 USD phí "làm mai" (gồm cả các dịch vụ liên quan cho cô dâu, chú rể).

Những đám cưới vội vàng này cùng với các hiện tượng nảy sinh (bạo hành gia đình, nạn môi giới kết hôn bất hợp pháp, buôn bán phụ nữ, quyền nhập quốc tịch và nuôi con của cô dâu Việt sau ly hôn, vấn đề khai sinh, học hành của trẻ em - kết quả hôn nhân Đài - Việt...) đang trở thành vấn đề xã hội buộc chính quyền Đài Loan quan tâm giải quyết.

Để giảm số cô dâu Việt Nam bất hạnh, bảo vệ quyền lợi và giúp họ sống bình đẳng như phụ nữ bản xứ, Chính phủ Đài Loan đã đầu tư khoảng 300 triệu USD cho các hoạt động trợ giúp, như dạy "làm dâu", dạy nghề và tiếng, mở chương trình phát thanh tiếng Việt cho cộng đồng các cô dâu Việt. Ở Đài Loan hiện có 3 tổ chức lớn có thể giúp đỡ, bênh vực các cô dâu nước ngoài là Sở Tư pháp, Sở Xã hội và Sở Dân chính (chưa kể nhiều tổ chức phi chính phủ hỗ trợ cho các cô dâu nước ngoài nói chung, Việt Nam nói riêng).

Soạn: AM 518407 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Một cô dâu Việt ở Đài Loan, Đoàn Nhật Linh, trong ngày bị gia đình chồng ném ra đường

Các học giả Đài Loan có chung quan điểm với các nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách Việt Nam: khích lệ hôn nhân trên cơ sở tình yêu, hạn chế những cuộc hôn nhân có toan tính kinh tế và thông qua môi giới bất hợp pháp. Hai bên thống nhất, để hạn chế tỷ lệ phụ nữ Việt lấy chồng Đài Loan bất hạnh, cần sự cố gắng giải quyết từ cả hai "thông gia"; như cùng nghiên cứu, hỗ trợ, bảo hộ họ về pháp lý, bằng nhiều giải pháp thiết thực tăng cường khả năng làm mẹ, làm vợ tại Đài Loan cho họ.

Đặc biệt, hạn chế tình trạng phụ nữ Việt Nam lấy chồng Đài Loan vì nghèo đói về vật chất và tinh thần, ngăn chặn hoạt động của các trung tâm ''môi giới'' bất hợp pháp.


Khó kiểm soát môi giới hôn nhân chồng Đài - vợ Việt?

Trước thái độ cầu thị của các bạn Đài Loan, các nhà tư vấn chính sách Việt Nam có ý kiến gì? Ông Vũ Quốc Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Hành chính - Tư pháp, Bộ Tư pháp trả lời phỏng vấn VietNamNet về hướng giải quyết thực trạng "cô dâu Việt lấy chồng Đài Loan".

- Thưa ông, cả Đài Loan và Việt Nam đều đang phải đối mặt giải quyết hậu quả nạn môi giới kết hôn bất hợp pháp. Trong khi Chính phủ Đài Loan c
ho phép đăng ký hành nghề môi giới hôn nhân, Việt Nam "cấm tiệt" (theo Nghị định 68, có hiệu lực từ năm 2003). Ông có nghĩ nhờ vậy mà nghề này "hết đất" ở ta?

- Về luật thì như vậy nhưng trên thực tế, hoạt động này rất khó kiểm soát. Môi giới lấy chồng ngoại là dịch vụ cho lợi nhuận quá cao nên nhiều
cơ sở môi giới hôn nhân mở "chân rết" về từng thôn, xã, phường, tìm đến từng người có nhu cầu và đáp ứng nhanh chóng nhu cầu đó. Ở các tỉnh Tây Nam Bộ, có những đoàn xe chở chú rể ngoại rầm rập về tận làng xem mặt cô dâu, chính quyền khó mà biết. Cô dâu thì nghèo đói, không việc làm, 2 - 3 ngày gặp mặt là gật đầu thành vợ người ta ngay.

Môi giới hôn nhân đôi khi còn "trá hình" dưới chiêu bài xuất khẩu lao động, thông qua một số trung tâm đang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.

- Tại sao lại khó kiểm soát một hoạt động đã bị cấm? Có cách nào chặn từ gốc "dịch vụ" môi giới lấy chồng "ngoại" không thưa ông?

Soạn: AM 518395 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Một tờ rao vặt dán trên tường quảng cáo môi giới cô dâu Việt Nam tại Đài Loan. Ảnh: Trang Hạ

- Môi giới hôn nhân bất hợp pháp ở Việt Nam vẫn tồn tại, phát triển, theo tôi, trước hết là do sự phối hợp lỏng lẻo của các cơ quan chức năng (cụ thể là ngành tư pháp, công an). Xử lý pháp luật các hành vi vi phạm hiện đang rất vướng; ví dụ, cơ quan chức năng phát hiện các vụ môi giới hôn nhân nhưng không biết phải phạt bao nhiêu.

Về phía tổ chức gần chị em nhất, Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp lại chưa có biện pháp (thậm chí thờ ơ) tư vấn kết hôn, thay đổi nhận thức sai lầm của những chị em hy vọng "đổi đời" cho mình và cho cả gia đình sau khi lấy chồng "ngoại". Tôi từng biết nhiều trường hợp con chủ tịch xã cũng lấy chồng Đài Loan thông qua môi giới.


Cả nước chỉ có duy nhất 1 trung tâm hỗ trợ kết hôn với người nước ngoài, đặt trụ sở ở TP.HCM (mà ko phải ở các tỉnh có lượng phụ nữ lấy chồng ngoại đông nhất như Vĩnh Long, Tây Ninh, Đồng Tháp...).


Trung tâm này có nhiệm vụ tư vấn cho chị em có nên lấy hay không; nếu họ đã quyết định thì tư vấn làm thủ tục. Chị em cũng có thể được học cách làm dâu xứ người tại đây (ngoại ngữ, món ăn, văn hoá, phong tục tập quán nước bạn).

Tuy nhiên,
do là tổ chức phi lợi nhuận nên trung tâm thường xuyên thiếu kinh phí chi trả tư vấn hôn nhân cho phụ nữ. Nhân sự chỉ gồm vài ba người (còn mỏng về kinh nghiệm), đáp ứng quá nhỏ nhu cầu đang ngày càng tăng của chị em.

Để trợ giúp ban đầu cho phụ nữ có ý định lấy chồng người nước ngoài, định hướng hôn nhân, nâng cao khả năng xây dựng hạnh phúc gia đình nơi xứ người cho họ, theo tôi nên đẩy mạnh hiệu quả hoạt động của không chỉ trung tâm này, mà còn phải
thành lập các trung tâm bảo trợ hỗ trợ kết hôn tại các tổ chức hội phụ nữ nhỏ nhất, gần chị em nhất.

- Thưa ông, để cùng giải quyết vấn đề "cô dâu Việt ở Đài Loan", các học giả, tuy chưa rõ nhưng nói rất mong chờ một văn bản quy phạm pháp luật về hôn nhân có yếu tố nước ngoài là D
ự thảo Nghị định sửa đổi một số điều của Nghị định 68. Xin ông phác thảo sơ qua về dự thảo này.

- Dự thảo Nghị định sửa đổi một số điều của Nghị định 68 về hôn nhân có yếu tố nước ngoài và nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài đã trình Chính phủ phê duyệt, quy định một số điểm mới nhằm đưa hoạt động kết hôn có yếu tố nước ngoài vào trật tự, lành mạnh hoá hoạt động này.

Đó là, hai bên nam nữ phải có mặt tại Sở Tư pháp để cùng làm hồ sơ để làm đăng ký kết hôn, không còn được ủy quyền cho người khác như trước. Quy trình phỏng vấn tại đây cũng thay đổi: Cô dâu, chú rể tương lai buộc phải qua phỏng vấn để xác định mục đích hôn nhân, mức độ hiểu biết lẫn nhau (trong đó quan trọng nhất là ngôn ngữ của bạn đời). Cán bộ phỏng vấn phảicó trách nhiệm đề xuất đồng ý hay không cuộc kết hôn và chịu trách nhiệm cá nhân về đề xuất này.

Để đảm bảo quyền lợi cho công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài, Dự thảo Nghị định bổ sung vào hồ sơ làm thủ tục đăng ký kết hôn giấy chứng nhận độc thân của cơ quan thẩm quyền (có giá trị trong 6 tháng).

Một điểm mới nữa, để chống môi giới kết hôn bất hợp pháp, Dự thảo yêu cầu cán bộ làm thủ tục từ chối cuộc kết hôn nếu phát hiện dấu hiệu môi giới hôn nhân.

- Xin cảm ơn ông!

  • Quảng Hạnh (thực hiện)