Chỉ cấp giấy hồng theo yêu cầu của dân!
Các Website khác - 17/08/2005

UBND phường - xã sẽ là đầu mối tiếp nhận hồ sơ xin cấp giấy hồng theo mô hình “một cửa”. Sáng 16-8, tại TPHCM, Bộ Xây dựng và UBND TP đã tổ chức hội nghị triển khai Nghị định 95/2005/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 13/2005/TT-BXD của Bộ Xây dựng về việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu công trình xây dựng (giấy hồng) trên địa bàn TP.

Theo Sở Xây dựng, thời gian qua TP đã cấp được gần 400.000 giấy hồng và còn khoảng 400.000 trường hợp sẽ tiếp tục được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở theo mẫu giấy hồng mới.

Đổi qua giấy mới vẫn phải giữ giấy cũ!

Là người trực tiếp hướng dẫn quy trình cấp giấy hồng, ông Trịnh Huy Thục, Cục trưởng Cục Quản lý nhà (Bộ Xây dựng), giải thích: Với quy định mới, những tổ chức, cá nhân có nhà ở, công trình xây dựng nếu có đơn đề nghị (theo mẫu) sẽ được UBND TP (đối với tổ chức) và UBND quận-huyện (đối với cá nhân) cấp giấy chứng nhận. Ông Thục giải thích: “Một người bỏ tiền ra xây dựng nhà ở hoặc công trình là đã mặc nhiên xác lập quyền sở hữu. Nhưng để quyền sở hữu này được Nhà nước bảo hộ thì phải có giấy chứng nhận do Nhà nước cấp”. Do đó, người dân nếu tự thấy không có nhu cầu phải được Nhà nước bảo hộ thì có quyền không xin cấp giấy hồng và các địa phương chỉ thực hiện cấp giấy khi người dân có yêu cầu! Tuy nhiên, ông Thục lưu ý: “Theo nhận thức của tôi, sắp tới đây khi Quốc hội thông qua Luật Đăng ký bất động sản thì những trường hợp chưa có giấy hồng sẽ không được đăng ký bất động sản”.

Theo quy định của Nghị định 95 và thông tư hướng dẫn, việc cấp đổi từ giấy hồng đã được cấp trước đây (theo Nghị định 60) sang giấy hồng mới chỉ được thực hiện khi người dân có yêu cầu hoặc khi có giao dịch mua bán, chuyển nhượng. Khi đó, người dân chỉ cần nộp hồ sơ xin cấp đổi và được giải quyết trong vòng 15 ngày. Tuy nhiên, khi tiến hành cấp đổi cơ quan cấp giấy sẽ ghi chú vào giấy cũ là “đã cấp đổi giấy chứng nhận mới theo Nghị định 95” và vẫn giao lại giấy chứng nhận cũ cho người chủ sở hữu. Nghĩa là, những trường hợp đã có giấy hồng cũ khi đổi sang giấy hồng mới thì vẫn phải lưu giữ song song 2 giấy. Giải thích sự rối rắm này, ông Thục cho biết: vì trên giấy hồng cũ chứng nhận cả quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, trong khi giấy hồng mới chỉ chứng nhận quyền sở hữu nhà! Do đó, “lý lịch pháp lý” đầy đủ của một căn nhà phải bao gồm giấy đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) và giấy hồng mới hoặc giấy hồng mới và giấy hồng cũ!

Người dân nộp hồ sơ tại UBND phường - xã

Ông Nguyễn Minh Dũng, Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết: Tuy nghị định không quy định nhưng để không gây phiền hà cho người dân, tại TPHCM, UBND phường-xã sẽ là đầu mối nhận và thụ lý hồ sơ khi người dân xin cấp giấy hồng. Sau đó, phường - xã chuyển hồ sơ lên UBND quận - huyện kiểm tra và chủ tịch ký ban hành giấy chứng nhận. Riêng đối với cá nhân và tổ chức nước ngoài thì đầu mối tiếp nhận hồ sơ vẫn thuộc về UBND quận - huyện và Sở Xây dựng như quy định. Theo ông Dũng, đợt cấp giấy hồng lần này triển khai đại trà để người dân nắm thông tin nhưng chỉ cấp theo yêu cầu chứ không cấp theo kế hoạch. Ông Dũng cho biết thêm, trong tuần này Sở Xây dựng sẽ lấy ý kiến của các quận-huyện để sửa đổi Quyết định 04 và Quyết định 90 của UBND TP ban hành trước đây về trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở cho phù hợp với quy định mới.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Đua:

Đặt việc giải quyết nhu cầu bức xúc của người dân lên hàng đầu

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động tại hội nghị xung quanh ý kiến của các đại biểu Quốc hội ủng hộ quan điểm một giấy khi cấp giấy chủ quyền, Phó Chủ tịch UBND Nguyễn Văn Đua cho rằng: Tất nhiên chủ trương chỉ cấp một giấy là tốt hơn nhưng nghị định, thông tư đã ban hành thì TP phải thực hiện theo đúng quy định. Trên thực tế việc cấp giấy hồng sẽ giải quyết nhu cầu bức xúc của người dân trong việc giao dịch dân sự như mua bán, chuyển nhượng. Nếu người dân lo ngại thêm một giấy là thêm phiền phức, phải “gánh” thêm thủ tục thì tôi khẳng định, người dân chỉ phải nộp hồ sơ xin cấp giấy chủ quyền tại “một cửa” là UBND phường - xã. Nộp hồ sơ ở phường - xã thì nhận tại phường - xã. Về phía địa phương, TP sẽ tăng cường sơ ở phường - xã thì nhận tại phường - xã. Về phía địa phương, TP sẽ tăng cường

Q.Hiền ghi

Nguyễn Triều - Quý Hiền