Tháng tám, mùa thu xanh thẳm
Hà Văn Thịnh Ngày 2.9.1945, loài người tiến bộ trên thế giới chứng kiến hai sự kiện lịch sử: Phátxít Nhật đầu hàng đồng minh, Chiến tranh Thế giới lần thứ hai kết thúc; sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Sự "ngẫu nhiên" của lịch sử được sắp xếp bởi cái tất yếu phi thường - nhân loại hồi sinh từ thảm khốc và đổ nát; dân tộc Việt Nam ta đã sống lại rồi từ tủi nhục, đớn đau... Khoảng vỡ thời gian từ khi phát xít Đức đầu hàng (9.5.1945) đến khi chiến tranh kết thúc hoàn toàn (2.9.1945), trên thế giới chỉ có duy nhất một cuộc cách mạng tự mình của nhân dân Việt Nam. Ở Châu Âu, nhân dân Tiệp Khắc nổi dậy dưới sự bảo vệ bằng xe tăng của Hồng quân Liên Xô (5.1945). Ở Indonesia, bác sĩ Sukarno chỉ tuyên bố có hơn hai chục từ về nền độc lập.
Nếu như vận hội và thời cơ là những giá trị không một ai được bỏ lỡ bao giờ thì quả thật, sự thành công của Cách mạng Tháng Tám (CMTT) năm 1945 của nhân dân ta như làn ánh sáng rực rỡ xuyên qua mọi đám khói chập chờn từ hoang nát và im lặng của chiến tranh của cả phần còn lại của thế giới. Cơ hội để đạt đến thành công và hạnh phúc được chia đều cho tất cả các dân tộc bị chủ nghĩa phátxít áp bức, nhưng tại sao lại chỉ riêng có Việt Nam? Đó là chưa nói đến việc lịch sử khắt khe và định mệnh tàn khốc chỉ cho chúng ta khoảng thời gian chưa đầy 20 ngày và một thảm hoạ từ những nỗi thương tâm của hai triệu đồng bào chết tức tưởi vì đói. Sức mạnh phi thường được kết tụ từ hàng chục năm lầm than tủi nhục đã được tinh thần của hai tiếng "Độc lập" thiêng liêng nhân lên gấp bội. Chắc chắn bài học lớn nhất của CMTT phải là bài học Đảng lãnh đạo đề ra được nguyên tắc tập hợp sức mạnh hiệu quả nhất từ nguồn năng lượng tinh thần vô tận của những người đang chịu nỗi thống khổ tột cùng.
Nhân dân Việt Nam không thể giành chính quyền sớm hơn ngày 14.8, vì 6 vạn quân Nhật thiện chiến trong thế cùng quẫn vẫn còn đó; càng không thể muộn hơn ngày 6.9 vì 20 vạn quân Tưởng đã tràn vào. Đó là chưa kể đến trong nguyên tắc địa - chiến lược, ổn định phía nam không cộng sản để an tâm đối phó với Hồng quân Trung Quốc ở mặt bắc là một mục tiêu hàng đầu của Trùng Khánh. Giành chính quyền trước khi quân Tưởng vào và giữ vững thành quả sau đó là một bài toán nghiệt khó của một chính đảng vừa mới 15 tuổi. Một nhiệm vụ kép thật nặng nề. Nhưng lịch sử đã chứng minh rằng, sự kiệt xuất của năng lực lãnh đạo và tinh thần quyết tử của một dân tộc gan góc có thể làm được những điều không thể!
Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhìn thấy trước tất cả những điều đó từ ngày 12.3.1945 bằng bản chỉ thị lịch sử: Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta. Trong văn kiện ấy chỉ có hơn mười chữ: Nếu nơi nào có điều kiện thuận lợi thì nổi dậy giành chính quyền.
Có lẽ không có một dẫn chứng nào xác đáng và đầy đủ hơn chứng minh cho luận điểm ấy bằng việc ra đời của Việt Nam Độc lập Đồng minh (5.1941). Thiên tài Hồ Chí Minh đã giải quyết sự không đầy đủ của Mặt trận Dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương trước đó chỉ bằng 4 chữ: Độc lập - Đồng minh. Đó là bốn chữ đặt-tên được viết bằng ánh sáng đổi đời. Nó bao quát toàn diện, rõ ràng, mục tiêu duy nhất của một dân tộc đó là "Độc lập"; tính chất quốc tế chính nghĩa của phong trào như là một bộ phận không thể thiếu được của "Đồng minh".
Với bốn chữ vàng Độc lập - Đồng minh, cách mạng Việt Nam đã tập hợp mọi lực lượng có thể tập hợp được, kể cả người Pháp và người Mỹ trong khối thống nhất chống Nhật. Đây là tiền đề đầu tiên để tạo nên sức mạnh mới cho sự sẵn sàng - yếu tố quyết định để CMTT trở thành cuộc cách mạng duy nhất trên thế giới thành công trong khoảnh khắc đặc biệt của tháng tám diệu kỳ.
Mùa thu. Xanh thẳm bầu trời của ước mơ và khát vọng. Đất nước vẫn còn những ngổn ngang, trăn trở. Nhưng mùa thu còn nhắc nhở ta rằng: Lá cờ đỏ sao vàng kiêu hãnh sáu mươi năm về trước đã cuốn tung đi tất cả mọi cay đắng của lầm than, tủi nhục. Nhưng 60 năm vẫn là thời gian chưa đủ để hiểu rõ về sự phi thường của một cuộc cách mạng, mà sự độc đáo vô thường của nó cứ lấp lánh mãi. Hà Văn Thịnh |