SỰ KIỆN & BÌNH LUẬN "Hối lộ" ở giảng đường
Lê Thanh Phong Một nhóm sinh viên năm thứ ba gồm 42 người của Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt bỏ tiền ra mua thầy. Cụ thể hơn là mua đề thi một môn học có tên "Lịch sử triết học". Mỗi sinh viên góp 50.000 đồng, lớp trưởng và bí thư chi đoàn đem tiền đến nhà cho thầy. Thầy không nhận thì đưa cho vợ thầy. Sự việc bị lộ, vợ thầy mang tiền nộp cho nhà trường, còn 42 sinh viên kia bị kỷ luật hạ một bậc... đạo đức. Trước vụ này khoảng vài tuần, ở Trường Đại học Đà Lạt xảy ra vụ lộ đề thi môn tiếng Anh, chính các thí sinh trong cùng một phòng thi phát hiện và trình báo. Đến nay, vụ lộ đề này chưa được xử lý.
Các bản tin trên đưa trên mặt báo làm đau lòng những bậc phụ huynh, những người quan tâm đến nền giáo dục nước nhà. Những sinh viên đó sẽ là nhà giáo, là những trí thức trong tương lai, lại coi thường kiến thức, xem việc học chỉ là chuyện bán mua, gian dối ngay với chính mình. Việc góp tiền đưa cho thầy giáo chẳng khác gì hành vi đưa hối lộ. Mai sau, những con người này liệu làm được gì cho bản thân và cho xã hội? Hai vụ xảy ra ở hai trường đại học và cao đẳng tại Đà Lạt chắc chắn không phải là cá biệt, còn nhiều nơi khác, sinh viên làm hồ sơ giả, thuê người thi hộ để vào đại học. Chưa kể, nhiều người tốt nghiệp thạc sĩ, tiến sĩ, có bằng cấp học vị hẳn hoi, nhưng tấm bằng đó chỉ được mua để làm vật trang sức.
Đau lòng vì người mua, tất không thể không buồn với người bán. Đó là những nhà giáo, đạo cao đức trọng, đứng trên bục giảng để truyền đạt kiến thức, giáo dục nhân cách cho thế hệ sau. Một số trong họ đã đưa tay "nhận hối lộ". Hành vi của họ không đơn thuần làm hỏng một công trình, gây ra một trọng án như các quan chức biến chất từng làm, mà nguy hại hơn rất nhiều vì họ huỷ hoại nhân cách, triệt tiêu sự trong sáng, lòng tin vào cái đẹp, cái cao cả của các thế hệ thanh niên. Sự thiếu thốn vật chất như bàn ghế, sách vở, thiết bị trường học đã là điều đáng lo ngại, nhưng thiếu vắng đạo đức trong môi trường giáo dục còn đáng lo ngại hơn rất nhiều. |