MDG phù hợp với mục tiêu phát triển của Việt Nam
Các Website khác - 12/09/2005

Hà Nội (TTXVN) - “Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG) của quốc tế rất phù hợp với mục tiêu phát triển của Việt Nam, do vậy việc cam kết thực hiện mục tiêu trở thành rất có ý nghĩa”, Tiến sĩ Cao Viết Sinh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phát biểu như vậy khi trả lời phỏng vấn TTXVN.

Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

Hỏi: Xin ông cho biết ý nghĩa của việc Việt Nam tham gia cam kết thực hiện Tuyên bố Thiên niên kỷ?

Trả lời: Đảng và nhà nước Việt Nam trong những ngày đầu thành lập nước đã chủ trương xóa đói giảm nghèo và chính sách này là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế và xã hội. Điều rất lý thú là Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG) của quốc tế rất phù hợp với mục tiêu phát triển của Việt Nam, do vậy việc cam kết thực hiện mục tiêu trên trở thành rất có ý nghĩa.

Trước hết, việc thực hiện theo MDG chứng tỏ đường lối phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo là đúng với xu thế thời đại, phù hợp với nguyện vọng của toàn nhân loại trên thế giới vì một xã hội tươi đẹp hơn.

Việc tham gia cam kết của Việt Nam trong quá trình thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ và kết quả thực hiện tốt các mục tiêu này chứng tỏ Việt Nam đã tham gia tích cực vào quá trình hội nhập. Các báo cáo của Việt Nam về những thành tích đạt được đã tạo nên hình ảnh tốt của Việt Nam trên thế giới, nâng cao vị thế của Việt Nam, nhất là đối với các nước có thu nhập thấp.

Cùng với cộng đồng quốc tế, Việt Nam được quyền kiến nghị các các nước giàu cung cấp nguồn lực nhiều hơn để tạo điều kiện cho các nước nghèo phát triển, nâng cao vai trò của Việt Nam trong quá trình phối hợp với cộng đồng quốc tế trong việc thực hiện các MDG, phát triển kinh tế-xã hội-môi trường.

Vậy những thành tựu nổi bật nhất trong khuôn khổ Mục tiêu mà Việt Nam đã đạt được 5 năm qua là gì?

Từ 13 đến 16/9, tại Mỹ, Liên Hợp Quốc sẽ tổ chức hội nghị để kiểm điểm thực hiện mục tiêu Thiên niên kỷ trên bình diện toàn cầu, riêng đối với Việt Nam việc thực hiện các mục tiêu trên được quốc tế đánh giá rất cao.

Một trong những thành công lớn nhất của quá trình phát triển xã hội của Việt Nam từ đầu thập niên 1990 đến nay là công tác xoá đói giảm nghèo. Có thể nói trong hơn mười năm qua Việt nam đã giảm được 1/2 tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn quốc tế), tương đương với gần 20 triệu người đã thoát nghèo và về sớm hơn 10 năm so với mục tiêu của LHQ đề ra.

Về giáo dục, Việt Nam căn bản hoàn thành MDG về phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; xóa bỏ bất bình đẳng trong giáo dục, đặc biệt là giáo dục tiểu học, bảo đảm trẻ em trai cũng như gái khắp mọi nơi hoàn thành đầy đủ giáo dục tiểu học vào năm 2015.

Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong việc tăng cường bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ. Sự cách biệt về giới trong các lĩnh vực giáo dục, lao động-việc làm được thu hẹp và ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia công tác lãnh đạo, quản lý.

Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong việc thực hiện chỉ tiêu giảm tỷ lệ trẻ em tử vong dưới 5 tuổi, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi, tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi…

Hiệu quả của việc lồng ghép thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ với công cuộc phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam?

Ngay từ khi Chủ tịch nước ta cam kết với cộng đồng quốc về thực hiện MDG vào năm 2000, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, các ngành tổ chức tốt việc lồng ghép các mục tiêu vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam. Ngay từ năm 2001, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ thông qua Chiến lược toàn diện về Tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo (CPRGS), trong đó, Việt Nam đã quốc gia hoá các mục tiêu của quốc tế cho sát với điều kiện của Việt nam, lồng ghép các mục tiêu đó vào các chương trình phát triển kinh tế xã hội, từng chương trình mục tiêu quốc gia… nhờ đó đã huy động được nhiều nguồn lực hơn, với mức độ ưu tiên cao hơn cho quá trình thực hiện mục tiêu phát triển của Việt Nam.

Theo cam kết, đến năm 2015 Việt Nam sẽ đạt được các MDG đã đề ra, vậy để đạt được cam kết đó, trong 10 năm tới Việt Nam cần tập trung thực hiện những vấn đề gì?

Qua 5 năm thực hiện MDG, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu, trong đó một số mục tiêu Việt Nam đã về trước nhiều năm như xoá đói giảm nghèo, giáo dục, bình đẳng giới… Tuy nhiên, thành tựu đạt được vẫn chưa bền vững, tỷ lệ hộ nghèo còn cao (theo chuẩn quốc tế, 2 USD/người thì Việt Nam vẫn còn khoảng 1/4 dân số), nhất là các mục tiêu về phòng chống HIV/AIDS và mục tiêu đảm bảo bền vững về môi truờng còn gặp rất nhiều khó khăn.

Do vậy, để đạt được tất cả các mục tiêu trên, trước hết cần phải tiếp tục lồng ghép đầy đủ hơn các MDG vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội-môi trường trong 5 năm 2006-2010 và tổ chưc hiện qua hàng năm.

Hai là, phải nỗ lực huy động mọi nguồn lực phát triển nhằm tăng khả năng đầu tư thực hiện các MDG. Trong đó nguồn lực của nhà nước cần được ưu tiên nhiều hơn để thực hiện tốt các mục tiêu xã hội, mục tiêu MDG; cùng với nguồn vốn này, nhà nước sẽ tìm cách huy động các nguồn vốn khác cùng tham gia.

Ba là, có biện pháp tốt hơn để thực hiện hiệu quả hơn các chính sách nhằm ổn định và nâng cao đời sống đồng bào dân tộc ít người.

Bốn là, phát triển mạng lưới an sinh xã hội trợ giúp người nghèo và các đối tượng dễ bị tổn thương. Mở rộng sự tham gia và nâng cao vai trò của các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ trong việc phát triển mạng lưới an sinh xã hội

Vai trò của sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế trong việc thực hiện các MDG của Việt Nam là gì?

Trên bình diện quốc tế, Liên Hợp Quốc đang kêu gọi các nước giàu đóng góp nhiều hơn để giúp nước nghèo thực hiện MDG, hiện nay các nước này mới đóng góp được 0,25% GNI, do vậy trong những năm tới các nước này phải đóng góp nhiều, theo định hướng phải đạt 0,7%GNI vào năm 2015.

Đối với Việt Nam, trong thời giam qua các nhà tài trợ đã nổ lực rất nhiều trong quá trình hỗ trợ Việt Nam trong phát triển kinh tế- xã hội, trong việc thúc đẩy tăng trưởng và xoá đói giảm nghèo. Qua 12 Hội nghị CG (từ năm 1993 đến nay), tổng trị giá cam kết của các nhà tài trợ đạt 28,8 tỷ USD, với mức cam kết năm sau cao hơn năm trước và đạt kỷ lục 3,4 tỷ USD vào năm 2004.

Các hỗ trợ này tập trung vào phát triển hệ thống giao thông, phát triển nguồn điện và lưới điện, phát triển nông nghiệp và nông thôn gắn với xoá đói giảm nghèo, y tế, dân số và kế hoạch hoá gia đình, giáo dục đào tạo, dạy nghề… Các hỗ trợ song phương hay đa phương đều rất có ý nghĩa đối với Việt Nam, cùng góp phần với nguồn vốn trong nước để thực hiện mục tiêu MDG.

Xin Cám ơn Thứ trưởng./.