Theo ông Mai Thế Chính, Trưởng ban tuyên truyền của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, tham gia hội nghị có 90 đại biểu Việt Nam, trong đó có khoảng 30 nạn nhân chất độc da cam; và 60 đại biểu quốc tế, trong đó có 20 nạn nhân chất độc da cam.
Ông Chính cho biết, Hội nghị sẽ bàn cách giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam trong cuộc sống, trao đổi kinh nghiệm đấu tranh đòi công lý, và đặc biệt là ủng hộ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam tại phiên toà phúc thẩm sắp tới ở Hoa Kỳ. “Đây có thể coi là cuộc đấu tranh ngoài phiên toà”- ông Chính nhấn mạnh.
Trong buổi làm việc đầu tiên, các đại biểu đã đọc báo cáo, nêu rõ tác hại của hơn 80 triệu lít hoá chất mà quân đội Mỹ rải xuống miền nam Việt Nam trong khoảng thời gian từ năm 1961 đến 1971, đối với các cựu chiến binh và người dân.
Trong các phát biểu của mình, nhiều đại biểu gọi đó là “hoá chất nguy hiểm nhất mà con người từng biết đến”, “vũ khí hiểm độc”, và “có thể gây tác hại đến bảy đời”, như ông Roger Bush, cựu chiến binh Australia, đã dẫn lời một nhà khoa học. Bản thân những người tham chiến của cả hai bên và những người dân thường không hề biết gì và bị phơi nhiễm với thứ chất diệt cỏ trong khi các nhà sản xuất cố tình che dấu tác hại ghê gớm của chúng.
Bà Joan Duffy Newberry, cựu binh từng làm hộ lý trong không quân Mỹ, kể rằng, khi bà có mặt ở vịnh Cam Ranh năm 1969, sinh vật duy nhất (ngoài con người) mà bà còn nhớ và đã thấy là gián. “Không biết chắc gián có như người ta nói, là sinh vật duy nhất bò ra khỏi những đống đổ nát của Hiroshima và Nagasaki sau khi những quả bom nguyên tử được thả xuống nơi đó hay không?”- bà nói. Mãi về sau, bà mới biết, vành đai Cam Ranh vẫn bị rải chất da cam hằng ngày bởi vì nơi đó được xem là căn quân sự quan trọng.
Máy bay Mỹ rải hóa chất độc xuống miền Nam Việt Nam. | Ông Kim Sung Wook, Tổng Thư ký Hội nạn nhân chất độc da cam Hàn Quốc cho biết, một số cựu binh từng tham gia chiến tranh ở Việt Nam bị đau ốm mà không rõ nguyên nhân và chết ở tuổi 40. Thời đó, xã hội Hàn Quốc thậm chí còn cho rằng những binh sĩ này mắc bệnh giang mai nặng và gọi loại bệnh này là “bệnh truyền nhiễm Việt Nam”. Mãi đến năm 1992, chủ đề chất da cam mới bắt đầu xuất hiện trên báo chí Hàn Quốc và trở thành một chủ đề được quan tâm hằng ngày. Ông cũng cho biết, đã có khoảng 20.000 nạn nhân chất độc da cam của Hàn Quốc đã qua đời, và hiện vẫn còn khoảng 100.000 nạn nhân chất độc da cam cần được giúp đỡ.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng công bố những kết quả nghiên cứu mới về tác hại của chất độc da cam/dioxin. Các báo cáo khẳng định, không chỉ tàn phá sinh thái, chất độc da cam còn là nguyên nhân gây ra nhiều loại ung thư (theo thống kê của các nhà khoa học Hàn Quốc là 16 loại); gây tổn thương hệ thống thần kinh; tác động đến phát triển của hệ thống gien, dẫn đến dị tật bẩm sinh ở các thế hệ tiếp theo...
Nhưng như cựu binh người Australia Eric Griblett phát biểu: “Làm sao các cựu binh có thể cùng mắc những căn bệnh như nhau, con cái của họ bị những khuyết tật như nhau - tôi không tin đó là sự ngẫu nhiên. Tác hại của chất độc da cam thật hiển nhiên, không cần phải là nhà khoa học hay chuyên gia y tế chúng ta cũng có thể nhận biết.”
Ngày 26-1 vừa qua, Tòa phúc thẩm của Seoul, Hàn Quốc, đã phán quyết buộc hai Công ty hóa chất Mỹ là Dow và Monsanto phải bồi thường 63 tỷ won, tương đương với 65 triệu USD, cho 6.750 cựu binh Hàn Quốc bị các bệnh do phơi nhiễm chất da cam trong khi tham chiến cùng quân Mỹ tại miền Nam Việt Nam. | Một tin mừng được ông Thomas Boivin, Chủ tịch Công ty tư vấn Hatfield (Canada) thông báo, đó là qua các nghiên cứu do Bộ Y tế Việt Nam cùng Hatfield phối hợp thực hiện trong 12 năm qua cho thấy, sản phẩm nông nghiệp tại Việt Nam chưa hề bị nhiễm dioxin. Các vùng đất từng bị rải chất độc da cam trong thời gian chiến tranh đến nay không còn bị ô nhiễm dioxin với hàm lượng cao. Hàm lượng dioxin được tìm thấy trong đất của phần lớn các khu vực này đều thấp và dưới mức cho phép theo tiêu chuẩn quốc tế.
Trong các buổi làm việc tiếp theo, Hội nghị cũng sẽ thông báo về tiến trình của vụ kiện các công ty hóa chất Mỹ của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, về hoạt động đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam ở nhiều nước trên thế giới.
Ngoài ra, các đại biểu cũng sẽ dành một buổi đi thăm làng Hữu nghị quốc tế Vân Canh, Hà Tây, nơi đang điều trị cho hàng trăm cựu chiến binh và trẻ em chịu ảnh hưởng của chất độc da cam.
Cũng nhân dịp diễn ra Hội nghị quốc tế nạn nhân chất độc da cam tại Hà Nội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng công bố thư ngỏ gửi Tòa Phúc thẩm Lưu động số 2 Tòa án Liên bang Mỹ, nơi đang xét xử vụ các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam kiện các công ty hóa chất của Mỹ.
|