Xả rác, phóng uế nơi công cộng vẫn tràn lan ở TP HCM
Các Website khác - 14/01/2006

Chỉ trong 10 phút quan sát trên đường Nguyễn Thái Học, quận 1, TP HCM, VnExpress đã thấy 6 người dựng xe máy dưới lòng đường và tự do "trút bầu tâm sự" vào hàng rào bằng tôn quây xung quanh khu công viên 23/9. Ai cũng thản nhiên như không có gì xảy ra.

Chiếc xe chở rác vô tình đậu trên đường Nguyễn Thái Học, giữa đường Lê Lai và Phạm Ngũ Lão, trở thành một bức tường che cho người đi đường muốn "xả van", bất chấp mùi nước thải chua chua, lờm lợm từ thùng ép rác tỏa ra.

Lúc 9h sáng 13/1, đang bon bon từ hướng ngã sáu Phù Đổng về Trần Hưng Đạo, chiếc Dream chở 2 thanh niên vội vàng bẻ gấp tay lái khiến người phụ nữ đi sau loạng choạng. Không thèm ngoái lại, anh chàng ngồi sau phóng vội lên lề đường, đến hàng rào tôn thản nhiên kéo khóa quần xuống. Bên ngoài anh bạn đi cùng quay vào trong làu bàu: "Lựa ngay chỗ xe rác hôi rình mà đứng, bộ mắc quá không thấy gì nữa sao".

Vừa phóng uế, vừa quay ra trông chừng xe trên đường Nguyễn Văn Cừ, quận 1. Ảnh: V.H.

Chưa đầy một phút sau, người đàn ông đi chiếc Wave màu đỏ tấp vào và nhanh chóng khóa cổ. Không an tâm nên vừa "vui vẻ" ông ta vừa ngoái cổ nhìn ra canh chừng. Như hiểu được "tâm sự" của người lỡ đường, anh xe ôm đứng tại ngã tư vừa cười vừa nói lớn: "Thoải mái đi bố già, tui ngó xe cho!". Vừa kịp ngoái lại phía sau, một chiếc xe khác chở 2 vợ chồng cũng trờ tới. Anh chồng nhanh chóng buông tay lái vội vàng bước vào sát bức hàng rào và hành động như chỗ không người. Xong chuyện, anh ta quay ra ngoài vừa bước đi, vừa kéo khóa quần lên.

Lân, một xe ôm đón khách Tây ở khu vực ngã tư Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Thái Học, quận 1, cho biết, người đi đường tự do tấp vào đây tiểu tiện là chuyện thường ngày. Theo anh, họ gồm đủ tầng lớp. Từ anh đạp xích lô, chạy ba gác đến bác xe ôm, thậm chí tài xế taxi và cả những người đi trên những chiếc xe 4 chỗ đời mới. "Trong các dịp lễ nhân viên của đội quản lý trật tự đô thị quận 1 có tuần tra xử phạt nhưng đâu vẫn vào đó. Không những đàn ông mà cả phụ nữ cũng chẳng ngại ghé vào", Lân nói.

"Mưa thì còn đỡ chứ trời nắng chẳng ai muốn đi bộ vào khu vực ấy. Tội nhất là mấy du khách ở phố Tây, mỗi lần đi qua cứ phải bịt mũi và đi vòng ra ngoài sát mép đường", bà Hai Thuận, bán báo dạo trước công viên 23/9, cho biết.

Không riêng gì chuyện tiểu tiện, việc người dân thiếu ý thức ném rác ra đường cũng phổ biến ở ngay khu trung tâm thành phố. Từ đường Nguyễn Thái Học vòng xuống khu vực cầu Ông Lãnh, rác bịch lớn, bịch nhỏ bỏ bừa bãi, nhất là khu vực gần các xe đẩy của công nhân quét rác. Chị Sương, nhân viên của Đội vệ sinh đô thị quận 1 cho biết, chỉ một thoáng là người dân đã ném rác ra ngay. Nhiều khi vừa quét dọn qua được vài mét thì nghe tiếng "bịch" sau lưng. Quay lại thì túi rác đã vỡ toác vương vãi. Nhắc nhở thì có người còn lớn tiếng: "Không như vậy thì mấy chị lấy gì làm. Trả tiền cho quét rác thì quét đi". "Nghĩ nhiều khi ứa nước mắt", chị Sương tâm sự.

Ở khu vực đường Phan Châu Trinh, ngay bên hông chợ Bến Thành, mặc dù một thùng rác đã được để sẵn, nhưng mấy bịch rác không được bỏ vào trong mà chất từng đống xung quanh. Vài phút lại có một chiếc xe gắn máy chạy là là tới và quăng bịch rác, không ai chịu xuống xe bỏ vào thùng.

Không riêng gì khu vực xung quanh công viên 23/9 mà dọc các con đường lớn như Hàm Nghi, công viên Lê Văn Tám, đường Nguyễn Văn Cừ... và khu giáp ranh các chợ trong nội thành, tình trạng xả rác và phóng uế bừa bãi cũng tương tự.

Theo ông Nguyễn Thế Định, đội trưởng đội quản lý đô thị quận 1, từ khi có quyết định xử phạt đối với các hành vi trên, đến nay đã có trên 1.000 trường hợp bị bắt quả tang. Mặc dù tình trạng thiếu ý thức này đã giảm nhưng vẫn còn tồn tại. "Trong đợt cao điểm triển khai nghị định 150 của Chính phủ và dọn dẹp cảnh quan đô thị chuẩn bị đón Tết đã có 17 trường hợp bị phạt theo mức mới từ 60 đến 100.000 đồng và buộc phải dọn sạch sẽ nơi xả rác hoặc phóng uế", ông Định cho biết.

Việt Hòa