Khi nhà khoa học "dấn thân"
Các Website khác - 25/09/2005
Khi nhà khoa học "dấn thân"

Đình Chúc
Sự kiện Thủ tướng gặp các nhà doanh nghiệp đã trở thành câu chuyện thường niên từ nhiều năm nay, nhưng việc Thủ tướng gặp các nhà khoa học trọn ngày 24.9 thì mới là lần đầu. Cần lưu ý là trước đó một ngày, Thủ tướng đã có cuộc làm việc với lãnh đạo Bộ KH&CN, nhưng điều mà Thủ tướng muốn nghe hơn là từ chính đội ngũ các nhà khoa học nói lên những bức xúc và quan trọng hơn là muốn nghe họ hiến kế - như đã từng lắng nghe giới DN trong nhiều năm qua.

Trái với dự đoán của nhiều người rằng, cuộc gặp này chủ yếu là dịp để giới khoa học "kêu khổ" với Thủ tướng, - mà nhiều nhà khoa học danh tiếng và tâm huyết lại chỉ yêu cầu Chính phủ cho họ cơ chế nhằm giải phóng mạnh mẽ hơn nữa tiềm năng chất xám - vốn được coi là thứ tài sản vô giá lâu nay vẫn còn ngủ yên trong đầu hàng vạn nhà khoa học. Bởi cơ chế hiện còn bó buộc, hoặc có cởi mở thì cũng chỉ "cởi nửa vời" nên chất xám còn rất lãng phí - lãng phí cho cả Nhà nước và cho chính các nhà khoa học.

Có một sự so sánh thú vị: Cứ sau mỗi lần gặp Thủ tướng, sự "kêu khổ" của giới DN lại giảm đi, thay vào đó nhiều bó buộc trong cơ chế được tháo gỡ, sản xuất, kinh doanh thông thoáng, DN phát triển, đóng góp nhiều hơn cho đất nước. Nay mới chỉ gặp lần đầu mà các nhà khoa học đã đi trước các nhà DN, ít "kêu khổ" hơn mà chỉ xin cơ chế - đó chẳng phải là "khoa học luôn đi trước" sao? Nhiều nhà khoa học tỏ ra không muốn thua kém các nhà DN, thậm chí họ sẽ tiến rất xa nếu có một cơ chế thông thoáng, cởi mở như đã từng áp dụng với các doanh nhân. Và những bức xúc này đã được tháo gỡ ngay trước cuộc gặp của Thủ tướng, khi Chính phủ quyết định ban hành Nghị định 115/2005 - vốn được coi là "khoán 10" trong KH & CN. Theo nhiều nhà quản lý và giới khoa học, nếu nghị định trên được triển khai nghiêm túc,

chắc chắn sức dân trong lĩnh vực KH & CN sẽ được "cởi trói", tạo ra một đột phá khẩu trong lĩnh vực này. Và ngay trong lần gặp này, Thủ tướng đã quyết định sẽ gặp thường niên các nhà khoa học, sẽ có "Ngày KH & CN VN" hàng năm. Người đứng đầu Chính phủ đã đánh giá rất cao vai trò của các nhà khoa học - những doanh nhân tri thức trong sự nghiệp đổi mới.

Ai cũng biết, những tỉ phú giàu nhất thế giới không phải là những đại gia lúa gạo, tôm cá hay sắt thép, than đá... mà là những ông chủ tin học, điện tử, sinh học... (tức những ngành đòi hỏi khoa học kỹ thuật cao). Chính một nhà khoa học VN đã phải cay đắng so sánh: Để chở 4 triệu tấn gạo xuất khẩu, chúng ta cần một đoàn tàu thuỷ nối dài tới... 40 cây số, nhưng số ngoại tệ thu về chưa nổi 1 tỉ USD - kém xa doanh thu của một hãng máy tính nhàng nhàng ở Mỹ!

Bởi vậy, một khi cơ chế đã có thì các nhà khoa học VN phải "dấn thân" thực sự vào thương trường, cần mau chóng loại bỏ tư duy lỗi thời "khoa học vị khoa học", thay vào đó là "khoa học vị cuộc sống". Làm được như vậy, chắc chắn đóng góp của ngành KH &CN vào GDP của đất nước không chỉ là con số khiêm tốn 1,3% như dự báo vào năm 2010.