Bước vào năm 2006 mới hơn một tháng, nhưng các bến xe, các hãng xe đò trên địa bàn thành phố đã tung ra nhiều biện pháp nhằm giữ chân và thu hút hành khách. Cuộc cạnh tranh năm này được đánh giá là bắt đầu sớm và khá “khốc liệt”.
Cuối năm 2005, bến xe Lam Hồng lâu nay là bến xe dù nổi tiếng khu vực gần chân cầu vượt Sóng Thần, tỉnh Bình Dương, được chuyển thành bến xe khách liên tỉnh, chính thức chịu sự quản lý Nhà nước chuyên ngành của Sở Giao thông Vận tải tỉnh. Tiếp đến, đầu tháng 2 vừa qua, bến xe Sóng Thần nằm đối diện với bến Lam Hồng chính thức đi vào hoạt động.
![]() |
Khách đến bến xe miền Đông được đón đưa bằng xe điện. Ảnh: Lưu Đức |
Hai bến xe trên tuy nhỏ và tiếng là của tỉnh Bình Dương nhưng lại nằm ngay trên đường Xuyên Á. Nó gần như “thâu tóm” toàn bộ lượng khách đi xe về miền Trung, miền Bắc từ các khu công nghiệp như Sóng Thần thuộc Bình Dương và Linh Trung, Linh Xuân… của TP HCM. Ngay hành khách ở khu vực Thủ Đức cũng tìm đến hai bến xe trên để đi, do gần và tiện hơn là phải vòng về bến xe miền Đông.
Trước tình hình đó, bến xe miền Đông lên kế hoạch gấp rút xây dựng bến xe trung chuyển nằm gần ngã tư Bình Phước, thuộc xã Hiệp Bình Phước, Thủ Đức, với mục đích không để mất đi lượng khách khá lớn ở cửa ngõ phía Đông thành phố.
Như vậy trên một đoạn dài chưa tới 10 km của đường Xuyên Á từ bến xe Ngã tư Ga đến cầu vượt Sóng Thần có đến 4 bến xe chuyên chở hành khách đi miền Trung và miền Bắc.
Sắp tới đây gần khu vực vòng xoay An Lạc và ngã ba quốc lộ 1- Nguyễn Văn Linh cũng sẽ có 2-3 bến xe liên tỉnh loại nhỏ đi vào hoạt động. Sự xuất hiện các bến này sẽ làm cho không khí cạnh tranh giữa các bến ở cửa ngõ phía Tây thành phố thêm sôi động.
Đua nhau nâng cấp hạ tầng
Việc ra đời hàng loạt bến nhỏ, giúp người dân rộng đường lựa chọn bến đi cho thích hợp, nhưng cũng đặt ra bài toán làm sao giữ được khách và thu hút thêm khách mới của các bến xe. Họ buộc phải tiến hành nâng cấp hạ tầng, chất lượng dịch vụ... dù chi phí là rất lớn.
Mới đây, bến xe miền Đông đã tiến hành nâng cao chất lượng đường dành cho xe điện chở khách từ cổng bến, phía quốc lộ 13, vào nhà ga bán vé trung tâm. Theo đó, tại khu vực đón khách có hẳn cửa hàng phục vụ giải khát và ngồi nghỉ cho hành khách.
Để thu hút khách vào bến đi xe nhiều hơn và tạo thoải mái cho khách chờ xe, tới đây bến xe miền Đông sẽ giành hàng tỷ đồng để xây dựng mái che cho khu vực chờ và lên xuống xe. Cả hai công trình này sẽ được hoàn thành trước ngày 30/4 tới. "Chúng tôi phải hoàn thiện các khâu phục vụ khách đến bến đi xe. Không thì khách sẽ bỏ bến, đi xe từ bến khác", ông Nguyễn Nam Sơn, Giám đốc bến xe miền Đông, nói
Trong nhiều năm qua, bến xe miền Tây bị mất đi một lượng khách khá lớn do nạn xe dù và do chính mặt bằng hạ tầng của bến này quá nhếch nhác. Mới đây bến đã cho nâng cao nền khu vực nhà bán vé trung tâm. Sắp tới bến sẽ đầu tư khoảng 40 tỷ đồng nâng toàn bộ mặt nền lên 80 cm để cao hơn mặt đường, tránh đọng nước.
"Chúng tôi phải mạnh dạn và sớm đầu tư nâng cao chất lượng hạ tầng cũng như chất lượng dịch vụ. Nếu không bến sẽ ngày càng mất khách", ông Huỳnh Hải Oanh, Phó giám đốc bến xe miền Tây, thừa nhận.
![]() |
Xe mới, đón khách niềm nở là một chiêu thức cạnh tranh. Ảnh: Lưu Đức |
Thay thế, nâng đời xe
Cuối năm 2005, tại bến xe miền Đông, Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ vận tải Thiên Phú chính thức chạy xe trên tuyến TP HCM - Vũng Tàu và ngược lại. Sự góp mặt của Công ty Thiên Phú đã nâng số đơn vị ở TP HCM chạy xe trên tuyến này từ 3 lên 4 đơn vị. Nhưng điều đáng lưu ý là dàn xe hơn 20 chiếc của Thiên Phú toàn là TOYOTA cá mập đời 2005 trong khi giá vé lại bằng các đơn vị khác.
“Ưu thế cạnh tranh và sức hút hành khách từ dàn xe mới của Thiên Phú buộc chúng tôi phải nghĩ đến việc thay đổi đời xe”, ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc DNTN Rạng Đông, đơn vị cùng chạy trên tuyến với Công ty TNHH Thiên Phú cho biết. Từ giữa tháng 2, Rạng Đông bỏ ra trên chục tỷ đồng để thay thế hàng loạt xe Ford Transit đời 2002 bằng 22 xe Ford Transit và Mersedes Sprinter đời 2006.
Một hành khách thường xuyên đi lại trên tuyến TP HCM - Vũng Tàu và ngược lại cho biết anh sẵn sàng bỏ ra thêm 5.000-10.000 đồng để được đi trên những chiếc xe đời mới nhất. "Chúng tôi không mau chóng đổi đời xe thì không thể theo kịp nhu cầu ngày càng tăng của hành khách và sẽ bị "tiêu" ngay", ông Tâm nói.
Diện tích bến bãi giành cho xe khách, xe buýt, xe tải, xe taxi tại TP HCM hiện là 44 ha, bằng 0,1% diện tích đô thị. Trong khi nhu cầu cần có là 300 ha. Đến năm 2020, theo quy hoạch cần 1.140 ha, bằng 2,6% diện tích đô thị. Theo Sở Giao thông Công chính, cho đến nay việc xã hội hóa công tác đầu tư xây dựng bến bãi chưa đạt kết quả mong đợi, trong khi chính quyền thành phố đã có hàng loạt chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư như thời gian cho thuê đất, chính sách vay vốn. Cản trở lớn nhất là công tác quy hoạch bến bãi diễn ra rất chậm. |
Lưu Đức
▪ Mỗi ngày một ly sữa! (17/02/2006)
▪ Tai nạn lao động nghiêm trọng gia tăng ở TP HCM (17/02/2006)
▪ Hai siêu thị ở TP HCM bị phạt vì bán hàng kém chất lượng (17/02/2006)
▪ Giá thuốc tăng trong biên độ cho phép (17/02/2006)
▪ Liên hoan du lịch đồng bằng sông Cửu Long 2006 (15/02/2006)
▪ Nhiều loại thuốc tân dược đồng loạt tăng giá (16/02/2006)
▪ Chung quanh chủ đề của Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ X (15/02/2006)
▪ Nhìn lại năm năm qua (15/02/2006)
▪ Tinh thần trách nhiệm và tình cảm chân thành (15/02/2006)
▪ Phát hiện hang đá ngầm dưới trụ cầu Quảng Hải ở Quảng Bình (15/02/2006)