Bạn đọc Minh Nguyệt (Hà Nội): Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc. Cùng với không khí chuẩn bị hàng phục vụ Tết của các doanh nghiệp, một trong những vấn đề nhiều người tiêu dùng quan tâm là chất lượng sản phẩm, vì trên thị trường đang xuất hiện không ít hàng giả, kém chất lượng. Chỉ tính riêng ở thị trường Hà Nội, năm qua, cơ quan chức năng đã xử lý hàng trăm vụ sản xuất hàng giả, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy chế ghi nhãn hàng hóa, xử phạt hành chính nhiều triệu đồng. Nhưng, hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn diễn biến phức tạp. Ngành quản lý thị trường cho biết, trong dịp Tết, mặt hàng bị làm giả nhiều là nhóm thực phẩm như nước mắm, mì chính, bánh kẹo, nước giải khát... Nhiều doanh nghiệp làm ăn chân chính phàn nàn sản phẩm của họ bị làm giả không kiểm soát được.
Việc chống hàng giả không dễ dàng, nhất là các loại hàng hoá hoặc nhãn hiệu được làm từ nước ngoài một cách công phu. Sử dụng phải hàng giả không chỉ mất tiền mà hậu quả khó lường. Vì vậy, mọi người hãy cảnh giác và cẩn trọng mua sắm hàng Tết. Nên mua ở các cửa hàng quen và có uy tín, không tham rẻ, mua bán tùy tiện. Ðề nghị ngành quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, xử lý, không để lọt lưới hàng giả trên địa bàn mình.
Bạn đọc Ðỗ Văn Thông (TP Hồ Chí Minh): Mặc dù ngành quản lý thị trường và các ngành chức năng tích cực kiểm tra phát hiện và xử lý không ít vụ sản xuất và tiêu thụ hàng giả, song, do siêu lợi nhuận, cho nên nhiều người vẫn "nhắm mắt làm ngơ", bất chấp pháp luật. Vì thế mà tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái vẫn có chiều hướng tăng, thậm chí còn phức tạp và tinh vi hơn trước. Cách làm hàng giả phổ biến hiện nay là sử dụng sản phẩm kém chất lượng hoặc sản phẩm của cơ sở sản xuất gia công gắn vào đó nhãn mác của doanh nghiệp có uy tín, đánh lừa người tiêu dùng. Thời gian qua, cơ quan quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh phát hiện xử lý nhiều điểm kinh doanh mỹ phẩm giả gồm sữa tắm, kem dưỡng da, xà phòng gội đầu, phấn thơm... Những sản phẩm này khá đẹp về hình thức nhưng đều không có hóa đơn chứng từ nguồn gốc và vẫn được bày bán công khai. Không thể biết được có bao nhiêu người đã mua, sử dụng và chịu hậu quả từ số hàng giả này. Cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái đang cần sự "vào cuộc" của toàn xã hội.
Bạn đọc Trần Thiện (Hải Phòng): Càng về cuối năm, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại càng diễn biến phức tạp với các phương thức, thủ đoạn tinh vi. Thị trường hàng hóa phong phú và nhộn nhịp là cơ hội để người xấu lợi dụng sản xuất, lưu thông hàng giả. Nhiều mặt hàng không chỉ làm giả ở trong nước mà còn được làm giả từ ở nước ngoài rồi tuồn vào thị trường nội địa. Hàng làm giả không chỉ dừng ở nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu như kẹo, bánh, mì chính, mỹ phẩm..., mà còn nhằm vào những mặt hàng cao cấp dễ bán và có lãi suất cao như rượu ngoại, điện thoại di động, máy tính...
Hàng làm giả dưới nhiều hình thức: Giả về chất lượng, kiểu dáng công nghiệp, giả về nhãn hiệu và nguồn gốc xuất xứ. Chúng đều được làm rất tinh vi, bằng mắt thường khó phân biệt. Những loại hàng giả mang đề-can của các thương hiệu nổi tiếng thường được bày bán ở những trung tâm mua sắm lớn, bán giá đắt hơn nhiều lần giá trị thật. Loại hàng giả thô sơ thì nhằm vào thị trường nông thôn tiêu thụ. Do giá thấp nên dễ thu hút người tiêu dùng.
Tình trạng hàng thật lẫn lộn hàng giả như hiện nay ai cũng biết, gây bức xúc cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp làm ăn chân chính, cơ quan chức năng xử lý cũng nhiều nhưng xem ra chuyển biến chưa đáng kể. Phải chăng "thuốc" chưa đủ "liều" đối với loại sai phạm này.
|