Không "khoanh tay" chờ mưa bão đến
Các Website khác - 03/04/2006

(VietNamNet) - Đối phó với mùa bão lụt 2006 và giai đoạn đến 2010, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão TW và các địa phương cần có ý thức sẵn sàng, luôn chủ động các biện pháp phòng chống hậu quả do thiên tai khắc nghiệt gây ra.

Soạn: AM 741739 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Từ 2001-2005, thiên tai khăc nghiệt đã làm giảm 2% GDP của Việt Nam mỗi năm.

Tại Hội nghị Tổng kết công tác Phòng chống lụt bão (PCLB) và tìm kiếm cứu nạn 2001-2005, diễn ra hôm nay (3/4), tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặc biệt coi trọng và đồng ý với mục tiêu mà Ban Chỉ huy PCLB TW đề ra trong thời gian tới, đó là "Chủ động phòng tránh lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai - phát triển bền vững". Phó Thủ tướng cho rằng, chính nhờ tinh thần "chủ động" mà giai đoạn 2001-2005, chúng ta đã giảm đáng kể thiệt hại do thiên tai gây ra.

Theo báo cáo của ban chỉ huy PCLB TW, từ 2001-2005, có 17 cơn bão và 8 áp thấp nhiệt đới đã trực tiếp ảnh hưởng đến nước ta, với 8 cơn bão mạnh cấp 10 trở lên; kèm theo đó là 26 trận lũ, 54 trận lũ quét với cường độ cao, khốc liệt.

Đó là chưa kể tình trạng khô hạn diễn ra nghiêm trọng tại ĐBSH trong 3 năm liên tiếp (2003-2005); rồi các cơn dông, lốc xoáy, những trận sạt lở đất... cũng liên tiếp xuất hiện. "Điều đó chứng tỏ thiên tai ở nước ta diễn biến phức tạp, với nhiều loại hình, trên phạm vi rộng, gây thiệt hại nặng nề về tính mạng, tài sản. Thậm chí, có nơi chưa khắc phục xong hậu quả thiên tai đợt trước lại phải hứng chịu đợt thiên tai mới", Thứ trưởng Bộ NN-PTNT kiêm Phó Ban chỉ huy PCLB TW, nhận xét.

Mặc dù ngân sách Nhà nước và các địa phương đã đầu tư gần 21.400 tỷ đồng cho công tác phòng chống lụt bão giai đoạn 2001-2005, nhưng thiên tai đã làm 1.857 người bị chết và mất tích (bằng 22% so với giai đoạn 1996-2001); hơn 1,3 triệu ha lúa bị ngập, hư hại; 2.700 tàu thuyền bị chìm; 8.000 cầu cống giao thông hư hỏng... làm giá trị tổn thất về kinh tế lên tới 13.500 tỷ đồng.

Tuy con số này chỉ bằng chưa đầy 30% của 5 năm trước, nhưng Phó Thủ tướng Nguễyn Tấn Dũng nhận xét, thiệt hại này vẫn quá lớn, gần bằng 2% tổng giá trị sản phẩm quốc nội (GDP) trong một năm.

Phó Thủ tướng cho rằng, thiên tai ngày càng khắc nghiệt, vì vậy chủ động phòng chống thiên tai là biện pháp quan trọng hàng đầu nhằm giảm thiểu tác động của nó. Ngoài ra, cần đề cao khâu nhận thức, trách nhiệm các cấp trong công tác này. Nhất là trong điều kiện thực tế của Việt Nam, với bờ biển dài, địa hình phức tạp, dân số đông; tiềm lực tài chính, ngân sách, nhân lực hạn chế, cần có phương án, cách PCLB thuận tiện, hiệu quả trong khả năng cho phép.

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đó chính là cách mà lâu nay chúng ta vẫn làm, như phương châm 4 tại chỗ (lực lượng, vật tư, hậu cần, chỉ huy tại chỗ). Thời gian tới, trong quy hoạch của các địa phương, phải tính đến các chương trình thiết yếu phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai, trong đó đặc biệt chú trọng đến hệ thống đê biển, cụm tuyến dân cư tránh lũ, lũ quét, sạt lở đất nhằm hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại. Song song đó, phải nhanh chóng nâng cao năng lực dự báo, nhất là dự báo sạt lở, lũ quét.

Giai đoạn 2006-2010, dự kiến kinh phí đầu tư cho công tác PCLB sẽ cao gấp đôi giai đoạn trước, lên 42.763 tỷ đồng. Phó Thủ tướng cho biết, trong tổng số tiền này, ngoài việc tiếp tục thực hiện các công trình PCLB như nâng cấp đê sông, đê biển, xây các cụm tuyến dân cư tránh lũ... Việt Nam sẽ mua thêm máy bay, tàu hiện đại để phục vụ công tác này.

42.763 tỷ đồng dự kiến đầu tư cho các công trình PCLB:

- Đối với đê ĐB Bắc bộ và Bắc Trung Bộ, tăng mức đầu tư hàng năm để tu bổ thường xuyên đồng thời xử lý dứt điểm các trọng điểm xung yếu: 2.000 tỷ đồng, tức 400 tỷ đồng/năm
- Đối với hệ thống đê biển, trải dài từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Hà Tiên (Kiên Giang) cần được đầu tư để chặn, ngăn nước biển dâng khi có bão và triều cường: 4.000 tỷ đồng
- Xây dựng công trình chống sạt lở: 2.000 tỷ đồng
- Công trình hồ chứa tham gia cắt lũ, chống hạn, cấp nước sinh hoạt và công nghiệp: 26.175 tỷ đồng
- Đầu tư cho vùng phân chậm lũ hệ thống sông Hồng: 1.000 tỷ đồng
- Xây dựng công trình thủy lợi kiểm soát lũ ĐBSCL: 2.133 tỷ đồng
- Xây dựng cụm tuyến dân cư vùng ngập lũ ĐBSCL: 500 tỷ đồng
- Xây dựng 75 khu neo đậu cho tàu thuyền tránh bão: 1.900 tỷ đồng
- Dự án trồng trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn: 2.000 tỷ đồng
- Đầu tư cho lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn: 1.055 tỷ đồng.

  • Hà Yên