Kiều bào ngày trở về
Các Website khác - 24/01/2006
Nước mắt mừng vui ở
sân bay Tân Sơn Nhất.
Nụ cười và nước mắt đang hòa quyện nhau ở sân bay Tân Sơn Nhất trong những ngày giáp Tết này.

10 giờ sáng, nhà chờ không còn chỗ chen chân. Những người tới đón phải ghi tên người thân vào một tờ giấy rồi giơ cao lên. Có người còn sáng tạo bằng cách treo tên người thân lên một chùm bóng bay. Một phụ nữ tóc nhuộm vàng, mặc chiếc váy màu vàng, ôm một bó hồng vàng đang cố chen chân để lọt qua đoàn người tới chỗ người chồng đang đứng nhìn ngơ ngác. Chị nhảy lên giữa đám đông: "Em đây này!". Nhưng hình như người chồng không nghe thấy. Chị cáu lên nói như muốn khóc: "Chồng em đứng đó kìa, làm ơn giãn ra...", nhưng hình như cũng chẳng ai nghe thấy.

Một bà má người Củ Chi ôm một bó hoa đồng tiền rất lớn. Má nói mua tới 60 ngàn đồng nhưng con gái má lại rất thích nên dù đắt như vậy, má vẫn mua. Chỉ còn vài chục phút nữa là máy bay hạ cánh, nhưng má không biết làm cách nào để con gái má nhận ra. Má kể, trước năm 1975, con gái má là một cô giáo dạy lớp 4. Một hôm nó đi dạy và không thấy về. Má khóc riết. Hôm 30-4 năm nay, có người bạn định cư ở nước ngoài về Củ Chi thăm, bảo là gặp nó ở Italy. Từ đó, má liên lạc được với cô con gái út. Kể đến đây, bà lại khóc. Những người đi cùng thay nhau an ủi nhưng vẫn không sao ngăn được cơn xúc động của bà.

Không để ý đến bà má Củ Chi, năm người phụ nữ luống tuổi ngồi bên cạnh, vừa nhóp nhép nhai trầu, vừa chuyện trò rôm rả. Người đàn bà cổ quàng chiếc khăn voan, từ lúc gặp lại cố nhân tới giờ nói chuyện không ngơi nghỉ. Lúc thì thấy bà cao hứng trong một câu chuyện vui, lúc lại thấy đôi mắt bà chớp chớp, không giấu được những giọt nước mắt. Những người đang ngồi chờ người thân bị cuốn vào câu chuyện của năm người bạn hơn 30 năm rồi mới gặp lại. Trước đây, năm cô gái tham gia vào phong trào thanh niên, hoạt động trong những năm cuối trước khi miền Nam được giải phóng. Đùng một cái, một cô "theo chồng bỏ cuộc chơi". Ngày cô ấy đi, bí mật chứ không phải được người đưa kẻ đón, gia đình cô không chịu được những lời ra tiếng vào của bà con chòm xóm, đã bỏ quê, nghe nói là lên Tây Nguyên sinh sống. Hơn 30 năm cô gái không dám quay về. Cô gái ngày ấy, giờ đã 63 tuổi, nói trong nước mắt: "Bước xuống sân bay, không dám ngẩng đầu lên nhưng không ngờ lại được đón tiếp như thế này". Một người đàn ông đi đón con gái làm việc ở Đài Loan, bỏ cái nón lá ra khỏi đầu rồi hỏi: "Bà có ở lại để tìm gia đình...". Bà Việt kiều gạt nước mắt: "Tôi sẽ lên Tây Nguyên!". Tất cả như chùng lại trong tiếng thút thít của bà già.

Từng đoàn người tiếp
đón thân nhân từ nước
ngoài về ăn Tết.
...Nhìn những bước chân vội vã, những ánh mắt tìm kiếm, mới thấy những người Việt Nam xa quê mong ngóng đến ngày này như thế nào. Có người thì Tết nào cũng về nhưng cũng có rất nhiều người vì lý do gì đó chưa quay về. Nay lần đầu tiên được trở về Việt Nam đón Tết, có người thì hét lên sung sướng, có người lại đứng lặng lẽ khi được bạn bè và người thân ra đón. Một người phụ nữ sang trọng trong chiếc áo lông thú màu đen trân người ra đứng nhìn rừng người. Bỗng một người hét lớn: "Thúy, Thúy!". Cô gái thả cái va ly treo lủng lẳng một mảnh giấy ghi dòng chữ Thuy American rồi nhào tới ôm chầm lấy người phụ nữ vừa gọi tên mình. Những người chung quanh giãn ra. Ngồi chờ em gái mòn mỏi từ 8 giờ sáng tới giờ, người chị kể lại, gia đình cô ở Đồng Nai, vượt biên qua Mỹ năm 1975. Lúc đó, cô đã có chồng nên không thể đi cùng. Nay cha mẹ cô đã mất, chỉ còn lại người em gái, nhưng lại không dám về. Thuyết phục mãi, em gái cô mới tự tin về Việt Nam đón Tết lần đầu tiên, kể từ ngày ra đi.

Theo Thanh niên