Chiều 23 Tết, trụ sở UBND phường Bạch Mai dường như đông hơn mọi ngày. 24 em trong lớp học tình thương của phường được mời đến nhận quà. Những gương mặt còn vương nét đường phố, hồn nhiên cất cao lời hát mà tạm quên đi bao khó khăn vất vả và cả những mặc cảm.
Em Trần Kim Sang, 16 tuổi, chị cả trong gia đình có bốn chị em, bố mẹ đang thụ án vì tội buôn bán ma túy. Mấy chị em sống cùng với ông nội, cuộc sống khá chật vật. Cầm trên tay túi quà Tết, em xúc động: "Nhờ có sự chăm sóc chu đáo của các bác, các cô chú, chị em cháu đỡ tủi thân nhiều lắm. Cháu sẽ viết thư kể cho bố mẹ, để bố mẹ cháu cải tạo tốt, sớm được trở về với chúng cháu".
Hai anh em Phạm Văn Tuấn, 13 tuổi, và Phạm Minh Quân, 9 tuổi, tranh nhau kể về dự định trong dịp Tết, những đôi mắt ánh lên niềm hy vọng.
Chị Ngô Thị Ngọc Bích, Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng, cho biết, Tết này, UBND quận dành 150 triệu đồng tặng quà các cụ già cao tuổi, các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các đối tượng chính sách, những người phục vụ thương bệnh binh nặng, các cháu ở Nhà tình thương Hữu nghị- mỗi suất 100 nghìn đồng. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quận và các đoàn thể tặng quà các hội viên Hội Người mù, các học sinh các lớp học tình thương ở phường Bạch Mai, Trương Ðịnh... Hội Phật giáo quận tặng quà 40 em khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn, mỗi suất quà 300 nghìn đồng. Công ty bia Việt Hà tặng quà 20 em có hoàn cảnh khó khăn, mỗi em 300 nghìn đồng. Liên đoàn Lao động quận, Ủy ban dân số, Gia đình và Trẻ em quận tặng quà công nhân nghèo, các em bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, tổng trị giá hơn 33 triệu đồng...
Mùa xuân này, gia đình chị Nguyễn Thị Hanh (thôn Ðại Lan, xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì) được đón giao thừa trong ngôi nhà mới. Ngôi nhà gạch rộng hơn 30m2 khang trang, chắc chắn, tường còn nồng mùi vôi mới. Bà Ðặng Thị Phượng, mẹ chồng chị Hanh kể, giọng rưng rưng: "Cách đây 20 năm, chồng tôi bị bệnh qua đời. Một mình tôi phải nuôi bảy đứa con nhỏ, nhà nghèo, tháng ba, ngày tám cả nhà phải ăn cháo ngô nấu với rau. Thương mẹ, chồng cái Hanh theo bạn bè đi đào vàng. Nhưng khi trở về thân tàn ma dại. Cơm không có để ăn, lại phải lo thuốc thang cho con, cái nghèo, cái khổ càng xiết chặt đời tôi. Nay con cháu tôi có ngôi nhà mới, chúng tôi ơn chính quyền và bà con nhiều lắm". Chia sẻ với hoàn cảnh khó khăn của gia đình chị Hanh, Hội Phụ nữ huyện Thanh Trì quyên góp ủng hộ 10 triệu đồng, các đoàn thể, bà con nội ngoại trợ giúp 10 triệu đồng. Cùng với gia đình chị Hanh, ở huyện Thanh Trì, Tết này có thêm bảy gia đình nghèo đón Tết trong những căn nhà mới, được xây dựng hoặc sửa chữa bằng sự giúp đỡ của Quỹ Vì người nghèo cấp huyện, cấp xã, sự đóng góp của dòng họ và các tổ chức khác trong năm 2005. Tết này, UBND huyện và các đoàn thể dành 120 triệu đồng tặng quà trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, các nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
Không khí bận rộn lo Tết cho đồng bào nghèo cũng lan đến nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn thủ đô. Tại trụ sở Hội Chữ thập đỏ Hà Nội, các căn phòng chất đầy bánh chưng, mứt Tết, cả quần áo, giày dép cho người lớn và trẻ em. Chị Ðặng Kim Diệp, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Hà Nội giải thích: Ðó là quà của các tổ chức, cá nhân hảo tâm giúp đỡ các gia đình nghèo, các em bị nhiễm chất độc da cam hiện đang được nuôi dưỡng tại các làng trẻ em. Tết năm nay, Hội Chữ thập đỏ thành phố dành 120 triệu đồng thăm hỏi, tặng quà 100 nạn nhân chất độc da cam/dioxin và 500 hộ nghèo. Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em thành phố tặng quà trị giá 22 triệu đồng cho Trường phổ thông nội trú dạy nghề số 1 (huyện Thanh Trì) và Trường giáo dưỡng số 2 (Ninh Bình). Mặt trận Tổ quốc thành phố tặng Hội Người mù 100 suất quà, các hộ nghèo ở ngoại thành 45 suất quà, mỗi suất 200 nghìn đồng, tặng 16 suất quà cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh các cấp tổ chức thăm hỏi các gia đình chính sách, những người đã từng tham gia lực lượng thanh niên xung phong trên các chiến trường.
Tại các mái ấm, trung tâm tiếp nhận trẻ em đường phố các quận, các trung tâm hướng nghiệp dạy nghề nhân đạo, tổ bán báo xa mẹ đều tất bật đón các trẻ mồ côi không nơi nương tựa, các em lang thang, cơ nhỡ về ăn Tết. Các giáo dục viên, cộng tác viên tình nguyện tham gia các nhóm công tác xã hội cùng các em gói bánh chưng, làm mứt, sửa sang, dọn dẹp nhà cửa. Các nhà hảo tâm, những người yêu trẻ tận tâm với mong ước tạo không khí đầm ấm, sum vầy cho trẻ lang thang. Xuân Bính Tuất ở Hà Nội, mọi người, mọi nhà đều được vui Tết.
Ở TP Hồ Chí Minh, sáng 22 Tết, mặc dù là ngày thứ bảy nhưng Trường tiểu học Nguyễn Thái Sơn, quận 3 thật náo nhiệt, hàng trăm học sinh cùng cha mẹ sôi nổi tham gia "Hội chợ từ thiện vì học sinh nghèo" do ban giám hiệu nhà trường tổ chức. Nơi này các em hí húi vẽ tranh, nơi kia các em chụm đầu cùng làm những hộp đựng bút, những con búp bê, con thú nhồi bông nhỏ... Những "sản phẩm" thủ công đó sẽ được bán đấu giá ngay tại sân trường, lấy tiền mua quà Tết tặng các bạn học sinh nghèo.
Từ những vật liệu rẻ tiền, dễ kiếm, thậm chí là phế liệu như những mảnh vải, mảnh bìa, hộp nhựa, ống nhựa... dưới sự hướng dẫn của thầy giáo, cô giáo, nhiều bài học thủ công trong chương trình chính khóa được các em học sinh thực hành ngay trong "hội chợ". Ðây quả là sáng kiến hay. Các em vừa được ôn bài, rèn luyện sự khéo léo cho đôi bàn tay lại được giúp các bạn nghèo có Tết cũng từ chính bàn tay của mình.
Tập trung thực hiện cho xong bức tranh, em Quỳnh Hương, học sinh lớp 2 vui vẻ nói: "Cháu vẽ bức tranh này mong các bạn còn nghèo cũng có quần áo mới để mặc Tết như cháu". Vừa hướng dẫn các lớp tổ chức gian hàng, điều hành các cuộc bán đấu giá, thầy Nguyễn Văn Lợi, Phó hiệu trưởng khoe: "Bức tranh "Nồi bánh chưng Tết" của em Phương Thùy, học sinh lớp 5B mới bán được với giá 200 nghìn đồng đấy. Hoặc như bức tranh ghép bằng các hạt gạo thành hình chữ "nhẫn" của các em học sinh lớp 5 O, có người trả giá 140 nghìn đồng rồi"...
Sáng kiến tổ chức hội chợ từ thiện được Trường tiểu học Nguyễn Thái Sơn thực hiện liên tục đến nay đã chín năm. Những năm đầu chỉ thầy và trò trong trường tổ chức với nhau, nên quy mô nhỏ, mức thu không cao. Những năm sau được chính quyền địa phương, Phòng Giáo dục và Ðào tạo quận hỗ trợ, quy mô hội chợ mở rộng hơn, "tiếng lành" vang xa, nhiều bậc phụ huynh cũng nhiệt tình tham gia, mua nhiều "sản phẩm" của các em. Bằng cách làm này, mỗi năm Trường tiểu học Nguyễn Thái Sơn có thêm hơn 20 triệu đồng mua quà Tết tặng học sinh nghèo huyện Cần Giờ với mỗi phần quà trị giá 100 nghìn đồng.
Theo chân đoàn cán bộ Mặt trận đi thăm và tặng quà Tết các hộ nghèo, chúng tôi gặp ông Lê Văn Sự, một nông dân ấp Rạch Lá, xã An Thới Ðông, huyện Cần Giờ. Ông nói rất chân thành: "Gia đình tôi vốn vẫn còn nằm trong diện xóa đói, giảm nghèo, vừa rồi nuôi được 80 con gà, vịt định là dịp Tết bán cũng có món tiền kha khá. Gà, vịt chưa nhiễm dịch đâu nhưng chấp hành chủ trương tiêu hủy, gia đình tôi cũng không ngần ngại gì, bỏ hết. Số tiền, quà Tết được nhận hôm nay tuy không nhiều so với số nông phẩm phải mất nhưng đó là sự quan tâm của Ðảng, của Nhà nước dành cho dân khi có thiên tai hoạn nạn. Ðiều đó làm chúng tôi ấm lòng. Tết này dù khó nhưng vẫn rất vui".
Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 15 nghìn hộ nông dân nuôi gia cầm phải tiêu hủy trong thời gian qua. Tết đến ngoài phần kinh phí trợ giúp mỗi hộ 300 nghìn đồng do thành phố cấp, MTTQ, Ban vận động "vì người nghèo" thành phố dành phần kinh phí hơn 74 triệu đồng tặng thêm cho những gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ gặp khó khăn, vừa động viên tinh thần vừa giúp họ có thêm một phần vật chất trong những ngày vui đón xuân về.
Tại phường Phú Hữu, quận 9, chị Nguyễn Thị Tỵ, hộ nghèo ấp Tân Ðiền B cũng bày tỏ: "Tôi đông con, các cháu còn nhỏ, hai vợ chồng làm thuê thu nhập chẳng là bao. Ðang lo Tết này không có Tết thì được bà con trong ấp bình chọn vào danh sách được tặng quà. Mừng thật là mừng".
Những gói quà Tết đem đến cho người nghèo thường rất đa dạng, mỗi đơn vị, mỗi người chuẩn bị có khác nhau, nhưng gói quà nào cũng phải có trà thơm, có hộp mứt là những hương vị không thể thiếu trong những ngày xuân cùng với tiền mặt để bà con còn thiếu thứ gì thì tự mua sắm lấy. Như vậy là chu đáo, là tận tình, được nhiều người ủng hộ.
Việc lo Tết cho người nghèo ở thành phố Hồ Chí Minh đã thành tiềm thức của nhiều người, được thực hiện rất đa dạng với nhiều hình thức phong phú. Từ sự vận động của MTTQ, nhiều đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn coi việc chăm lo cho người nghèo là công tác thường xuyên của mình. Năm nào cũng vậy, Liên đoàn Lao động thành phố đều dành kinh phí mua hàng nghìn phần quà tặng bà con nghèo; Nhà máy xi-măng Hà Tiên 1 nhận đỡ đầu bà con nghèo phường Phú Hữu, quận 9 ăn Tết. MTTQ quận 3 nhận chăm lo Tết cho dân nghèo huyện Nhà Bè... Quỹ từ thiện thành phố lại dành phần chăm lo cho trẻ em, người già trong các trung tâm bảo trợ xã hội... với mong muốn ngày xuân về không ai là người không có Tết.
|