Nhiều khu vực trên địa bàn TP phải sử dụng nước nhiễm bẩn trong thời gian dài nhưng cơ quan cấp nước vẫn chưa có cách khắc phục
Nước vàng ố, bẩn như vầy mà mấy tháng nay chi nhánh cấp nước (CNCN) không khắc phục được, bà con xài nước bẩn nhưng lại đóng tiền đều đều” - bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, nhà ở lô G, chung cư Lê Thị Riêng, phường 15, quận 10, vừa tháo miếng bông gòn (dùng để lọc nước) đen xì ra khỏi vòi nước đưa cho chúng tôi xem, vừa bức xúc nói.
Nước sạch phải dùng bông gòn để “lọc”!
Không riêng gia đình bà Ngọc, để khắc phục tình trạng nước bẩn kéo dài, hàng trăm hộ dân ở chung cư Lê Thị Riêng phải dùng bông gòn bịt vòi nước để gạn bớt cặn. Những miếng bông gòn sử dụng được vài lần là bị cặn bám đen xì. Nhìn cảnh tượng này, chúng tôi không khỏi ớn lạnh khi nghĩ đến bà con phải dùng thứ “nước sạch” này trong suốt mấy tháng qua. Chưa hết, một số người dân còn phản ánh do thường xuyên dùng nước bẩn tắm rửa nên đa số trẻ em ở chung cư này đều bị bệnh ngoài da như nổi mụt đỏ, ngứa lở.
Tiếp tục tìm hiểu, chúng tôi biết thêm ở quận 11, nhiều hộ dân tại cư xá Phú Hòa cũng tỏ ra bức xúc không kém vì tình trạng nước máy liên tục bị nhiễm bẩn. Có mặt tại khu vực này vào sáng 23-8, ông Trần Giã, một hộ dân ở đây, chỉ cho chúng tôi xem thùng nước vàng khè vừa mới hứng xong, rồi ngao ngán nói: “Nước máy như vầy thì có khác gì nước sông, nước cống”.
Chừng nào nước hết bẩn?
Hầu hết tại các quận được tiếp nhận nguồn nước của Nhà máy nước Tân Hiệp như quận 10, 11, Tân Bình, Tân Phú đã có hàng ngàn hộ dân phải dùng nguồn nước ô nhiễm kéo dài trong nhiều tháng liền. Theo CNCN Phú Hòa Tân (đơn vị quản lý cấp nước cho các khu vực nói trên): Nguyên nhân chủ yếu là do hệ thống đường ống quá cũ nên mỗi khi áp lực nước tăng giảm đột ngột thì thường xảy ra tình trạng bong tróc gây ô nhiễm! Nhưng dù cho CNCN Phú Hòa Tân đã tiến hành súc xả nhiều lần nhưng đến nay tình trạng nước nhiễm bẩn vẫn còn tái diễn. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Phạm Anh Tài, Phó Giám đốc CNCN Phú Hòa Tân, thừa nhận: “Súc xả nước bẩn cũng chỉ là biện pháp cải thiện tình trạng ô nhiễm mang tính cấp thời, chúng tôi chưa thể khẳng định được khi nào nước sẽ hết nhiễm bẩn, vì muốn cải tạo mạng lưới cấp nước phải mất nhiều thời gian”. Riêng về việc bồi thường thiệt hại cho dân, ông Tài cho biết: Những khu vực có nước bị nhiễm bẩn chúng tôi sẽ trừ tiền trong hóa đơn theo thời gian bị nhiễm bẩn. Ví dụ, khu vực ở đường Trịnh Đình Thảo, quận Tân Phú trong tháng 8 có 7 ngày nước bị bẩn thì chi nhánh sẽ trừ tiền nước 7 ngày. Tuy nhiên, theo phản ánh của một số hộ dân thì có những tháng tình trạng nước nhiễm bẩn vẫn xảy ra nhưng hóa đơn tiền nước lại được tính đủ!
Sẽ xây hầm xả nước bẩn? Ông Lý Chung Dân, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn, cho biết: Chúng tôi đã chỉ đạo cho CNCN Phú Hòa Tân cũng như các CNCN khác tiến hành xây hầm xả nước để “khống chế” nước bẩn. Những lúc áp lực nước thay đổi, các chi nhánh sẽ chủ động xả nước bẩn trước rồi mới bơm nước cho dân. Tuy nhiên, ông Dân không thể bảo đảm biện pháp này sẽ giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm. |
Bài và ảnh: Trung Thanh
▪ Đừng "ném đá ao bèo" (22/08/2005)
▪ Hà Nội bị... chia cắt (23/08/2005)
▪ CPI tăng 6% - đừng quá lo lắng (24/08/2005)
▪ Phải kiên quyết loại bỏ gần 20.000 ôtô 'quá đát' (24/08/2005)
▪ 'Rút ruột' ở công trình Bệnh viện Trưng Vương (24/08/2005)
▪ Trinh sát hình sự làm… 'diễn viên' (24/08/2005)
▪ Cầu Nhật Tân: Vẫn chưa thống nhất dây văng hay dây võng! (24/08/2005)
▪ Chùa Võng La (23/08/2005)
▪ Đột phá mới trong nghiên cứu tế bào gốc điều trị các bệnh hiểm nghèo (23/08/2005)
▪ Giá cước taxi sẽ tăng trung bình 363 đồng/km! (23/08/2005)