CPI tăng 6% - đừng quá lo lắng
Các Website khác - 24/08/2005
SỰ KIỆN & BÌNH LUẬN
CPI tăng 6% - đừng quá lo lắng

Đình Chúc
Tám tháng - mới qua được 2/3 quãng đường của năm 2005 mà chỉ số tăng giá tiêu dùng (CPI) đã chiếm tới hơn 9/10 chỉ tiêu Quốc hội ấn định cho cả năm (6/6,5%). Có hai luồng quan điểm: Số ít cho rằng sự tăng giá đã ở mức báo động đỏ và cần phải mạnh dạn áp dụng các giải pháp tình thế kiềm chế bằng được giá cả. Thậm chí có người còn nghĩ tới chuyện phải có những "cú hãm" mạnh, để hy vọng có những tháng chỉ số tăng CPI sẽ ở con số "âm" (giống như năm 2003) và khả năng co kéo con số 0,5% còn lại trong 4 tháng là điều vẫn có thể xảy ra. Tuy nhiên, số đông lại không tỏ ra lo lắng. Theo họ, việc kiềm chế giá là cần thiết nhưng không phải bằng mọi giá, càng không nên dùng các mệnh lệnh hành chính để can thiệp.

Một nền kinh tế thị trường (dù là có sự điều tiết của Nhà nước) suy cho cùng cần phải tôn trọng các quy luật thị trường, đặc biệt khi mà một số nguyên liệu chiến lược đầu vào của ta phụ thuộc phần lớn vào thị trường thế giới. Bởi vậy, xoay quanh con số "chốt" từ đầu năm 6,5% đã gây ra nhiều tranh cãi, ít nhất là ở 3 khía cạnh: Thứ nhất, việc xây dựng chỉ tiêu này đã lường hết được những biến động của thị trường thế giới?; thứ hai, cách tính chỉ số CPI của ta hiện nay đã thể hiện đúng sức khoẻ của nền kinh tế?; thứ ba, việc bằng mọi giá kiềm chế chỉ số CPI có phải là việc làm khôn ngoan, để thúc đẩy nền kinh tế hay ngược lại? Mặc dù đáp án những câu hỏi này không hẳn đã nhận được sự đồng thuận của các nhà kinh tế lẫn các nhà quản lý, song chính những gì đang diễn ra trong thực tiễn lại là câu trả lời xác đáng nhất.

Không chỉ giới nghiên cứu mà chính một số quan chức ngành tài chính cũng thừa nhận rằng: Chỉ số CPI 6,5% chỉ tỏ ra có lý, khi giá dầu thế giới dao động ở mức trên dưới 50 USD/thùng, nay với mức giá trên, dưới 65 USD/thùng dầu, nếu cứ khư khư ôm mãi mục tiêu 6,5% sẽ là một mục tiêu "ảo", phi thực tế. Hoặc như cách tính chỉ số CPI của VN hiện cũng không nhận được sự đồng tình của các nhà kinh tế, bởi nó không phản ánh thực chất việc "tăng giá thực" của nền kinh tế. Điều này có thể thấy rõ nhất là nhóm hàng lương thực - thực phẩm vẫn chiếm tới 40% trong "rổ hàng hoá" CPI rõ ràng là còn quá nặng, hơi hướng thời bao cấp. Đó là chưa kể, những mặt hàng góp phần vào chỉ số CPI hiện nhiều khi lại không phản ánh đúng xu hướng tiêu dùng đã thay đổi của xã hội. Bởi thế, việc thống kê trên cơ sở những mặt hàng "không có trọng lượng" nhiều khi gây ra cảm giác tăng giá "ảo". Và nếu lấy những chỉ số "ảo" này để điều hành một nền kinh tế vĩ mô, đôi khi lại gây ra những hệ quả... ngược! Ngoài ra, theo các nhà kinh tế thì hiện trên thế giới rất ít quốc gia ấn định chỉ số tăng giá "cứng" ngay từ đầu năm, như ở ta. Bởi nếu thị trường suôn sẻ thì không sao, nhưng khi có biến động lớn, chỉ số "cứng" này sẽ là một nỗi ám ảnh, một vòng "kim cô" chi phối mọi động thái và dẫn tới hậu quả khó kiểm soát.

Dĩ nhiên, nói như vậy không có nghĩa là thả nổi hoàn toàn chỉ số CPI, nhưng điều hành "van" CPI ở mức nào để chỉ số GDP vẫn tăng trưởng, đời sống người dân (nhất là người làm công ăn lương) vẫn ổn định - đó mới là cái lo đáng giá!