Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền và tăng cường đấu tranh bóc gỡ các đường dây buôn bán phụ nữ trẻ em (BBPNTE), một biện pháp quan trọng nhằm giải quyết triệt để vấn nạn này là tiếp nhận và hỗ trợ, tạo điều kiện cho các nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, vấn đề này đang còn vướng mắc, bất cập cần tháo gỡ kịp thời.
Thời gian qua, cùng với việc đấu tranh kiên quyết với loại tội phạm BBPNTE của các lực lượng chức năng và sự phối hợp với Cảnh sát các nước liên quan để giải cứu những người bị nạn, tại các cửa khẩu biên giới Việt Nam - Trung Quốc, hằng năm chúng ta tiếp nhận nhiều lượt phụ nữ, trẻ em bị bán qua biên giới. Riêng tại cửa khẩu Móng Cái, Quảng Ninh đã có hàng nghìn nạn nhân được Công an tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) trao trả. Từ năm 2005, khâu tiếp nhận đã được nâng tầm, chuẩn hóa thành Ðề án tiếp nhận và hỗ trợ phụ nữ, trẻ em là nạn nhân bị buôn bán từ nước ngoài trở về, giai đoạn 2005 -2010.
Ða số nạn nhân bị lực lượng Công an Trung Quốc phát hiện và giải cứu sau các chiến dịch truy quét người nhập cảnh trái phép. Theo quy trình, sau khi đưa nạn nhân về các trại biên giới tập kết, họ sẽ lập danh sách yêu cầu kê khai những thông tin cần thiết như tên, tuổi, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú khi ở Việt Nam, ngày rời Việt Nam, địa chỉ và nơi làm việc ở Trung Quốc hiện nay, thân nhân, cam kết. Sau đó danh sách trích ngang sẽ được chuyển về lực lượng CSÐT tội phạm về trật tự xã hội các địa phương ở Việt Nam xác minh. Thông tin phản hồi sẽ trả lời phía bạn sau năm ngày nếu nạn nhân là người thị xã Móng Cái; trong tỉnh là 10 ngày còn ngoài tỉnh là 40 ngày.
Ngay sau đó, phía bạn sẽ trao trả những nạn nhân có thông tin chính xác, các trường hợp còn lại sẽ được thả tự do và không ít phụ nữ đã bị bọn chủ đón đường bắt ép quay trở lại nhà chứa. Việc thẩm định cũng gặp nhiều khó khăn, tốn nhiều công sức do thiếu kinh phí, nạn nhân khai báo sai dữ liệu như địa chỉ quê quán (bị bán đã quá lâu trong khi địa dư hành chính thay đổi do tách huyện, tỉnh)... Tiến độ xác minh cũng bị ảnh hưởng do thủ tục trả lời qua đường công văn, địa điểm xác minh rải rác, thiếu nhân lực và nguồn lực, phải làm gối vụ. Nhiều cô gái vì nhiều lý do khác nhau không muốn trở về, đã khai báo không chính xác và đương nhiên việc xác minh tốn công sức mà vô nghĩa.
Theo đề án của Chính phủ, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH) là cơ quan chủ quản việc tiếp nhận, hỗ trợ các nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng, nhưng đầu tháng 3 vừa qua mới có cuộc họp với các lực lượng chức năng để lập quy trình tiếp nhận nạn nhân. Trong năm 2005, đã có 35 đợt, tổng số 230 nạn nhân tiếp nhận qua cửa khẩu Móng Cái, tuy nhiên trong các đợt tiếp nhận, sự xuất hiện hỗ trợ của cán bộ LÐ-TB và XH cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Có mặt chứng kiến đợt tiếp nhận ngày 16-2, chúng tôi cũng không thấy bóng dáng cán bộ Sở LÐ-TB và XH Quảng Ninh; chỉ có cán bộ Hội LHPN tỉnh và Sở Tư pháp có mặt hỗ trợ. Thực tế cho thấy trách nhiệm đang dồn cả cho lực lượng công an. Tại cửa khẩu biên giới, lực lượng Biên phòng tiếp nhận chỉ mang tính hành chính, sau khi rà soát ký biên bản tiếp nhận, bàn giao luôn cho lực lượng công an.
Các nạn nhân đều mong muốn cơ quan công an điều tra, tìm ra kẻ đã hãm hại họ, đồng thời được tạo điều kiện sớm trở về gia đình. Vì các nạn nhân không phải là phạm nhân, rất dễ bị tổn thương nên thái độ tiếp đón phải hết sức tế nhị, khéo léo. Phần lớn nghiêm chỉnh chấp hành nội quy trong thời gian lưu trú, tuy nhiên cá biệt vẫn có nhiều cô quen sinh hoạt bừa bãi, chỉ mong kiếm được tiền hỗ trợ lại tiếp tục quay trở lại biên giới. Kinh phí hỗ trợ các nạn nhân cũng rất hạn hẹp.
Thượng úy Nguyễn Ðăng Lưỡng, cán bộ đội chống tệ nạn xã hội thị xã Móng Cái cho biết, bản thân anh và đồng đội có khi phải ứng tiền của công an thị xã chu cấp cho các nạn nhân. Ngoài chi phí quần áo (nếu là mùa rét), ăn ở trong thời gian lưu giữ (tối đa ba ngày); mức tiền trợ cấp các nạn nhân cũng không đủ về tới quê, nhất là dịp trao trả giáp Tết Nguyên đán vừa qua. Vì không có người dẫn về trao trả tận gia đình hay chính quyền địa phương, nhiều trường hợp do tâm lý xấu hổ, e ngại điều tiếng của làng xóm, đã lang thang và tiếp tục rơi vào cạm bẫy của bọn tội phạm BBPNTE. Kinh nghiệm của cán bộ công an là thời điểm trao trả thích hợp nhất vào lúc sáng sớm; cán bộ phải mua vé và chở nạn nhân ra tận bến xe.
Do chưa có quy trình cụ thể nên các khâu tiếp nhận cũng mang nặng tính tự phát. Là tỉnh biên giới thường xuyên tiếp nhận các nạn nhân, trong khi chưa có quy trình hướng dẫn, để giải quyết tạm thời tình hình trước mắt, lực lượng Công an tỉnh Quảng Ninh phải ra quy trình tiếp nhận. Trong bản danh sách Biên phòng Trung Quốc cung cấp cho Công an Móng Cái, các nạn nhân đều kê khai lý do là đi làm giúp việc, vượt biên hy vọng tìm cuộc sống tốt hơn, làm thuê bế con hộ, bị lừa đi gánh hàng, bị hàng xóm lừa, bị ép đi kiếm tiền cho người ta...
Qua tìm hiểu thực tế cho thấy, chỉ 30% số cô bị lừa bán qua biên giới, số còn lại phần nhiều đi làm công, do hoàn cảnh đã bị đẩy vào lầu xanh hoặc ép phải lấy chồng. Do vậy tư vấn pháp luật là việc rất cần thiết, không chỉ giúp các nạn nhân nâng cao nhận thức, đề phòng cảnh giác, không tiếp tục bị kẻ xấu lôi kéo, dụ dỗ lừa phỉnh, mà còn giúp họ biết các thủ tục pháp luật như thủ tục kết hôn với người nước ngoài (với các nạn nhân đã lấy chồng, có con buộc phải về nước vì nhập cảnh trái phép muốn kết hôn để quay trở lại), chế độ khai sinh, hướng dẫn thủ tục để bảo vệ quyền lợi bản thân trước tòa; giúp họ cung cấp thông tin về những nạn nhân khác; cử luật sư tham gia đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp của gia đình họ (nếu nạn nhân là người trong các tỉnh giáp biên giới).
Ngoài ra, tư vấn tâm lý rất cần thiết nhằm nhanh chóng phục hồi tổn thương đối với các nạn nhân bị bán đã lâu, thường xuyên bị hành hạ cả về thể xác lẫn tinh thần. Tuy nhiên, các khâu tư vấn do bị hạn chế cả về thời gian và kinh phí, chỉ "cưỡi ngựa xem hoa", nên hiệu quả còn nhiều hạn chế. Cũng vì thiếu kinh phí, chưa có quy trình hướng dẫn, thiếu sự hỗ trợ phối hợp mà các nạn nhân không được khám sức khỏe để kịp thời phát hiện bệnh truyền nhiễm, HIV/AIDS và thiếu điều kiện để nhanh chóng ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng.
Cứu giúp những nạn nhân BBPNTE là việc làm mang tính nhân văn, đòi hỏi sự quan tâm, giúp đỡ của toàn xã hội. Tuy nhiên, tiếp nhận, tạo điều kiện cho các nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng là bài toán trường kỳ và nan giải, nếu không có biện pháp đồng bộ giải quyết tận gốc và sự đồng sức, đồng lòng của các ngành, các cấp từ trung ương đến địa phương, có lẽ cũng chỉ giải quyết được phần ngọn và ai dám chắc rằng những nạn nhân đã được đưa về từ nước ngoài sẽ không tiếp tục trở thành nạn nhân?
Thiết nghĩ cần đầu tư các trung tâm tiếp nhận ở các tỉnh biên giới trọng điểm để giáo dục kỹ năng sống, nhân cách, tư vấn tạo điều kiện chị em học nghề trong giai đoạn tiền hòa nhập cộng đồng giúp ổn định cuộc sống sau này, tránh tình trạng "nhàn cư vi bất thiện". Bộ LÐ-TB và XH chủ trì thực hiện đề án, cần nhanh chóng phối hợp các bộ, ngành xây dựng quy trình tiếp nhận và triển khai tích cực tạo điều kiện cho các nạn nhân. Ðồng thời phải đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, nâng cao dân trí ở những vùng miền khó khăn; nâng cao nhận thức và ý thức cảnh giác của người dân đối với tệ nạn này, tiến công mạnh bọn tội phạm, tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, đoàn thể nhằm chặn đứng tệ BBPNTE.
|