Quy hoạch ngược!
Các Website khác - 07/04/2006

(VietNamNet) - TP.HCM hiện đang có tình trạng các quận huyện, các dự án khu đô thị, khu dân cư được quy hoạch chi tiết 1/500 trước, rồi mới quy hoạch 1/2000.

Sinh con rồi mới... sinh cha!

Soạn: AM 744929 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Hậu quả của việc quy hoạch ngược.

Thông thường trong xây dựng khu đô thị hay khu dân cư, nhà đầu tư căn cứ vào bản quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 để xây dựng. Đây là bản quy hoạch đến từng chi tiết nhỏ nhất đến từng ngôi nhà, hè phố, vị trí cột đèn, cây xanh... Để có được bản quy hoạch này, kỹ sư thiết kế phải dựa trên bản quy hoạch nhưng tổng thể hơn, tỷ lệ 1/2000. Khi duyệt một dự án khu đô thị, khu dân cư, cơ quan chức năng là Sở Xây dựng sẽ xem xét bản quy hoạch tỷ lệ 1/2000 để cấp phép.

Thế nhưng ông Lê Trọng Sang, Chủ tịch UBND quận 9, ví công tác quy hoạch ở địa phương này như chiếc nón lật ngửa: “Mặc dù chưa có quy hoạch 1/2000, nhưng để triển khai được nhanh, các chủ dự án đã chạy làm quy hoạch 1/500 trước. Vậy là quận phải chạy theo, lập quy hoạch 1/2000”.

Nhưng cách làm đó không thể khắc phục được hậu quả do các dự án gây ra. Lẽ đầu tiên là đến giờ, TP.HCM không có một cốt san nền chuẩn, nên công tác quy hoạch chẳng biết căn cứ vào đâu.

Ở quận 9 có 178 dự án thì hầu hết đều theo tình trạng như trên, việc kết nối các dự án lại với nhau càng không hề dễ dàng. Vì vậy sinh ra chỗ cao chỗ thấp, không thoát được nước.

Bà Phạm Thị Thanh Hải, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng TP.HCM, cho biết: Viện đã làm thí điểm xây dựng cốt nền tại 3 địa bàn là quận 2, Tân Bình và Tân Phú.

Chưa rõ khi xây dựng được cốt nền cho toàn thành phố, tình hình có được cải thiện hơn như thế nào, còn hiện tại mỗi khi trời mưa, toàn bộ nước khu vực Tân Bình đổ sang quận 11, còn nước ở khu vực Tân Phú đổ sang quận Bình Tân (huyện Bình Chánh cũ) bên cạnh, gây ngập khắp nơi.

Cũng vì vậy mà hai huyện Bình Chánh và Nhà Bè là vùng trũng, nơi chứa và thoát nước, nay người ta bê tông hóa khiến nước không thể rút được. Mỗi khi mùa mưa tới là TP.HCM như một biển nước mênh mông. Khu vực quận 8, quận Bình Thạnh nước dâng cao từ 0,5 đến 0,6m, như lũ lụt.

Từ năm 2001, người ta xác định toàn thành phố có khoảng trên 100 điểm ngập. Sau 3 năm chống đỡ, số điểm ngập vẫn y nguyên, thậm chí mực nước càng về sau càng dâng cao hơn.

Bà Hải nói rằng có thể đưa cốt khống chế vào quy hoạch chung, nhưng khó có thể đưa vào các dự án, vì các dự án đã tự làm cốt nền xây dựng. Bà Hải cũng cho biết, với Tân Bình và Tân Phú cũng chỉ dựa trên quy hoạch được duyệt để làm cốt khống chế.

Cách làm này không chỉ ở quận 9, mà rất nhiều dự án ở các quận huyện ở TP.HCM, nhất là khu vực ngoai thành, đều có tình trạng tương tự.

Quận huyện cũng làm quy hoạch

Đã có ý kiến cho rằng, việc các dự án không thể liên kết được với nhau, ngoài việc không có cốt san nền chuẩn, còn vì việc quận huyện cũng được làm quy hoạch.

Trong Quyết định 144 năm 2004, UBND TP.HCM đã phân cấp cho Chủ tịch UBND quận huyện được phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng 1/2000, và mới đây là quyết định 137 tháng 8/2005 tiếp tục giao cho quận huyện quyền thẩm định và phê duyệt nhiệm vụ, đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị và quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn.

Cách làm này, các đại biểu HĐND khuyến cáo, sẽ trở thành việc đem 24 miếng vá kết lại thành chiếc áo.

Hiện tại, hầu hết tất cả các quận huyện đều thiếu cán bộ làm công tác quy hoạch. Ông Trần Chí Dũng, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho biết, các quậ huyện cần có 5 đến 6 kiến trúc sư, kỹ sư đô thị để thực hiện công việc này, nhưng hầu hết vừa không đủ số lượng cán bộ lại vừa không đủ kinh nghiệm và năng lực.

“Có quận huyện không có kỹ sư xây dựng, mà chỉ toàn kiến trúc sư” - ông Dũng nói.

Từ 2004 đến nay, đã có tất cả 339 hồ sơ nhiệm vụ thiết kế quy hoạch chi tiết và hồ sơ quy hoạch tỷ lệ 1/2000 gửi về Sở Quy hoạch - Kiến trúc, với tổng cộng 46.473ha. Nhưng hiện tại chỉ có 7.434ha được phê duyệt, đạt 16%.

Ông Trần Chí Dũng nhận xét: Với một đô thị lớn như TP.HCM, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh, việc lập quy hoạch và quản lý như trên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.

“Các đồ án quy hoạch chất lượng chưa cao, chưa thật sự là công cụ hữu hiệu cho quản lý, đáp ứng được tầm nhìn xa, vừa đáp ứng được tính khả thi. Việc chậm bổ sung, điều chỉnh quy hoạch của các dự án chưa khả thi dẫn tới tình trạng “treo", gây bức xúc cho người dân địa phương.

Mặc dù thấy được nhng bất cập của việc giao công việc về cho quận huyện, nhưng ông Dũng vẫn cho rằng, việc giao là cần thiết, để đảm bảo tiến độ.

“Với quy định về thời gian như quyết định 08, nếu chỉ Sở Quy hoạch - Kiến trúc làm thì phải mất 250 năm sau mới quy hoạch xong thành phố” - ông Dũng nói.

Thiếu nhất quán

Tình trạng ngập mưa xảy ra khắp nơi.

Thêm vào đó, các văn bản quy định về công tác lập quy hoạch chi không rõ ràng, thậm chí trái ngược nhau, đã khiến các địa phương mỗi nơii làm mỗi kiểu.

Các văn bản gồm Nghị định số 08 ngày 24/1/2005, Nghị định số 02 ngày 05/1/2006 của Chính phủ quy định: với các dự án xây dựng khu đô thị, “công tác lập quy hoạch chi tiết 1/500 được thực hiện trước khi được cấp thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư và quyết định giao đất, cho thuê đất”.

Tuy nhiên, Quyết định số 138 ngày 18/5/2004 của UBND TP.HCM lại quy định “công tác lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 các dự án đầu tư xây dựng nhà ở để kinh doanh được thực hiện sau khi được UBND thành phố ký quyết định giao đất”.

Chính sự không đồng bộ này khiến cho mỗi nơi làm mỗi kiểu, nơi quy hoạch trước, nơi quy hoạch sau, các dự án “không hiểu nhau”, không thể liên kết được.

Nghị định 08 của Chính phủ cũng có quy định, các tổ chức tư vấn thiết kế quy hoạch phải lấy ý kiến của người dân trong khu vực quy hoạch. Thế nhưng nhng năm qua ở TP.HCM, cái mà người dân được biết là các đồ án đã được ký phê duyệt quy hoạch xong.

  • Đặng Vỹ