Trao đổi với VnExpress, Cục trưởng vệ sinh an toàn thực phẩm Trần Đáng cho rằng việc cấp giấy chứng nhận vệ sinh thực phẩm cho các hàng rong vẫn có thể thực hiện được dù rất khó. Hiện, việc cấp giấy phép đã được thực hiện thí điểm tại 8 thành phố lớn
![]() |
Ông Trần Đáng - Cục trưởng Vệ sinh an toàn thực phẩm. Ảnh: A.T. |
- Thưa ông làm sao có thể quản lý được hàng rong khi họ cứ rong ruổi trên đường phố để buôn bán, khi ở quận này, lúc ở quận khác?
- Cái gì cũng có thể quản lý được nếu ta hiểu rõ nguồn gốc. Họ buôn bán ở nhiều nơi nhưng chỉ cư trú ở một chỗ và chỉ có một địa điểm chế biến thực phẩm. Do đó họ chế biến ở địa bàn nào thì địa phương đó quản lý. Ngoài ra, công an, lực lượng quản lý thị trường, đội kiểm tra thực phẩm và ngay cả công chúng sẽ là người kiểm tra chặt chẽ nhất các hàng quán khi đi bán rong. Tôi nghĩ là làm được, nhưng phải từ từ từng bước một. Trước mắt tất cả các quán ăn cố định, nhà hàng sẽ phải đăng ký, còn đối với hàng rong sẽ thí điểm ở một số phường xã, nhất định, sau đó sẽ rút kinh nghiệm và nhân rộng.
- Theo quy chế mới thì UBND xã, phường sẽ là đơn vị quản lý và cấp giấy chứng nhận cho các hàng rong, liệu điều này có phù hợp khi các địa phương cho rằng không thể thực hiện được vì nhân tài, nhân lực và kinh phí đều còn quá hạn hẹp?
- Kinh phí thiếu là căn bệnh mãn tính muôn thuở rồi nên không thể cứ viện vào không tiền không làm được mà phải biết vun vén để khắc phục. Còn về nhân lực thì không chỉ cán bộ y tế mà tất cả các lực lượng cùng phải phối hợp giải quyết. Tuy nhiên, nhân viên y tế sẽ thẩm định về y tế, sức khỏe, hồ sơ.
- Có ý kiến cho rằng giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm này rất có thể trở thành một "giấy phép con"?
Trong năm 2005 đã có 11 vụ ngộ độc do bán hàng rong, với 81 người mắc, chủ yếu là ngộ độc do ăn bánh mì kẹp thịt, bánh mì pate, xôi. Năm 2004, 11 vụ với 206 người mắc, 2 người chết. Trong đó có nhiều vụ do ăn phải bánh dày, kem bán rong. Năm 2003 xảy ra 14 vụ ngộ độc hàng rong với 241 người là nạn nhân. Đây chỉ là con số thống kê được còn thực tế lớn hơn rất nhiều vì nhiều người bị ngộ độc mà không biết lý do. Có người tự chữa tại nhà... |
- Không thể nói như thế được. Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm đã quy định kinh doanh thực phẩm là loại hình kinh doanh có điều kiện. Điều 28 của pháp lệnh khẳng định nếu những cá nhân, tổ chức kinh doanh thực phẩm có nguy cơ cao phải được cơ quan có thẩm quyền và địa phương cấp giấy chứng nhận có đủ điều kiện kinh doanh thực phẩm.
Do đó mà tất cả các hộ kinh doanh thực phẩm và những mặt hàng ăn uống có nguy cơ cao đều phải đăng ký, từ ông bán tào phớ, bà bán kẹo mút... cũng phải khai báo để được thẩm định và cấp giấy phép. Hoặc là thả nổi tiếp tục cho ngộ độc hoặc là kiểm soát, chính việc cấp giấy phép này là biện pháp tối ưu nhất vì nó ngăn chặn ngay tại gốc.
- Nhưng rất có thể xảy ra tình trạng "chạy" giấy phép. Vậy làm thế nào để ngăn chặn tình trạng này, thưa ông?
- Việc cấp giấy phép sẽ được thực hiện công khai. Các địa phương phải có sự hướng dẫn, thông báo rõ ràng đến từng hộ kinh doanh và tuyên truyền rộng rãi trong địa bàn. Ngoài ra, tháng nào lực lượng thanh tra của quận cũng sẽ đi kiểm tra. Thanh tra của thành phố, trung ương sẽ có những đợt kiểm tra đột xuất, hoặc theo từng đợt cao điểm.
- Thực tế là rất nhiều gia đình sống dựa vào những hàng quán vỉa hè. Nếu theo đúng quy chế thì họ rất có thể sẽ phải đóng cửa vì không đảm bảo điều kiện vệ sinh. Liệu điều này có gây ra sự phản ứng gay gắt?
- Thực phẩm là một loại hàng hóa đặc biệt. Nếu chất liệu vệ sinh thực phẩm không đảm bảo sẽ trực tiếp sẽ gây ra ngộ độc cấp tính, ngộ độc mãn tính ảnh hưởng đến chất lượng giống nòi. Ngoài ra, nó liên quan đến nhiều lĩnh vực, thương mại, du lịch văn hóa, sức khỏe và văn minh đô tại, an toàn giao thông. Chúng tôi đã thống kê được rất nhiều trường hợp ngộ độc với số lượng lớn do các quán hàng rong không đảm bảo vệ sinh. Không có nước nào như ở Việt Nam lại thả nổi vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Ví dụ đơn giản nhất là nếu không đăng ký thì làm sao biết được người bán hàng đó có bị bệnh truyền nhiễm hay không. Chẳng hạn một người bị lao mà đi bán hàng ăn thì ai đảm bảo rằng họ không truyền virus lao sang cho khách hàng. Vì vậy khó mà vẫn làm còn hơn bỏ ngỏ.
Quy chế cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm có nguy cơ cao có hiệu lực từ ngày 24/3. Giấy chứng nhận sẽ được cấp không quá 15 ngày sau khi cơ quan thẩm quyền nhận đủ hồ sơ. Hiện nay, việc cấp giấy đã được thực hiện thí điểm ở 8 thành phố trọng điểm: Hải Phòng, Hạ Long, Hà Nội, Huế, Đà Lạt, TP HCM, Đà Nẵng và Vũng Tàu. |
Trịnh Vũ
▪ Quy hoạch ngược! (07/04/2006)
▪ Nguyện vọng của dân (07/04/2006)
▪ Thủ tướng khen ngợi người 50 lần hiến máu (07/04/2006)
▪ Trung Quốc chi gần 2,5 tỷ USD phát triển y tế nông thôn (06/04/2006)
▪ Cấm tàu thuyền đi trên sông Hồng (06/04/2006)
▪ Vẫn thi công tiếp hầm bộ hành không khớp quy hoạch (06/04/2006)
▪ Sẽ thanh tra công trình giao thông có dấu hiệu tiêu cực (06/04/2006)
▪ Kiểm tra lò luyện, xoá sổ dịch vụ thi thử (07/04/2006)
▪ Lãn công tại TP.HCM: 3 tháng hơn cả 1 năm (06/04/2006)
▪ TP.HCM: Quản lý tiền trợ giá xe buýt chưa chặt chẽ (06/04/2006)