Nguyện vọng của dân
Các Website khác - 07/04/2006

Nguyện vọng của dân
Lê Thanh Phong

Tại buổi làm việc góp ý dự thảo Luật Cư trú ngày 5.4 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện Lê Quang Bình phát biểu: "Tôi tin, nếu trưng cầu ý dân thì đại bộ phận sẽ đề nghị bỏ quản lý theo hộ khẩu". Không phải chỉ ông trưởng ban, mà chắc chắn toàn dân cũng tin như thế. Nguyện vọng chính đáng của dân, lòng dân mong mỏi một điều thiết thực như thế, tại sao lại không mạnh dạn bỏ.

Hộ khẩu đã có giai đoạn góp phần vào sự quản lý xã hội tích cực, nhưng đi kèm với nó lại nảy sinh những nhũng nhiễu. Lâu nay, trong một số quan hệ nhà nước - công dân bị tấm bìa hộ khẩu can thiệp một cách thô bạo. Một số công chức dựa vào cái gọi là hộ khẩu để hạch sách, vòi vĩnh, điều đó ai cũng biết.

Một thực tế khác là tấm bìa hộ khẩu tạo ra sự phân biệt đối xử đối với công dân trong cùng một nước. Một trẻ sơ sinh phải làm giấy khai sinh theo hộ khẩu của mẹ, đứa trẻ đến trường đều phải lụy vào hộ khẩu của bố mẹ, nếu cha mẹ cháu bé đó không có hộ khẩu tại địa phương thì sẽ chịu thiệt hơn các cháu bé khác. Phân biệt như vậy thử hỏi có tội nghiệp không, có công bằng không, có khoa học không?

Các sinh hoạt khác trong đời sống của công dân, đã và đang bị xâm phạm về quyền và lợi ích hợp pháp, mà có thể chỉ thẳng "kẻ xâm phạm" là sổ hộ khẩu. Điều này cũng đã được các cá nhân, tổ chức phân tích, chỉ rõ. Bị hộ khẩu hạn chế các quyền và lợi ích hợp pháp của một công dân trong đời sống thì không thể coi đó là điều tốt.

Đến nay, sổ hộ khẩu đã làm xong nhiệm vụ lịch sử của nó. Nếu kéo dài thêm sự tồn tại của nó sẽ cản trở rất nhiều quá trình phát triển xã hội, bởi bên cạnh những cái có lợi thì những tiêu cực do nó gây ra cũng không ít. Nguyện vọng của dân đã rõ, thế nên các vị đại biểu đại diện cho dân nên đáp ứng nguyện vọng của dân là bỏ hộ khẩu. Còn việc thay thế cách quản lý như thế nào cho có hiệu quả là trách nhiệm của chính quyền, và phải tìm ra giải pháp tốt nhất.