Đề nghị trên vừa được Hiệp hội vận tải hàng hóa TP HCM trình bày trước Sở Giao thông Công chính thành phố và Hiệp hội vận tải ôtô Việt nam. Bên đề nghị cho rằng điều này nhằm xóa bỏ tệ trạng xe chở quá tải đang tràn lan.
Theo Hiệp hội vận tải hàng hóa TP HCM, về mặt kỹ thuật các nhà sản xuất xe ôtô luôn luôn cho biên độ an toàn của xe rất lớn, thông thường xe sản xuất ra có thể chở gấp từ 2 đến 2,5 lần tải trọng cho phép. Do đó, ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội, đã đề nghị được áp dụng "biên độ" cho phép xe tải được chở quá tải mà không bị xử phạt. "Biên độ" này nằm trong khoảng 10-20% tùy theo từng loại xe và sẽ không ảnh hưởng đến độ an toàn của xe khi lưu thông.
![]() |
Có cảnh sát giao thông tuần tra, chốt tại cổng các cảng, xe không dám chở quá tải. Ảnh chụp cao điểm xử lý xe quá tải tại cổng các cảng tháng 11/2005: Hoàng Tuyên |
Theo ông Quản, các cơ quan chức năng nên cho phép xe tải được chở quá tải trong "biên độ" nêu trên. Bởi trong thực tế không có "biên độ" này thì các xe vẫn cứ chở quá tải tràn lan, còn cơ quan quản lý Nhà nước thì không kiểm soát, kiềm chế được.
Ông Quản cho rằng, hiện nay, xe chở quá tải thì lái, chủ xe không được lợi gì. Lái xe thì bị phạt tiền, bấm bằng lái; chủ xe mất tiền phạt, còn xe thì hao mòn nhanh hơn. Chỉ có chủ hàng được lợi vì giá cước theo chuyến giảm; chủ kho, bến, bãi được lợi vì kho, bến, bãi, tàu... được giải phóng mặt bằng nhanh hơn. "Nạn chở quá tải còn tạo ra tâm lý bất tuân pháp luật ở lái, chủ xe và những người liên quan. Một số cán bộ, công chức, người thực thi công vụ bị thoái hóa, biến chất khi họ đồng lõa, chung sống tiêu cực với nạn xe chở quá tải", ông Quản nhận xét.
Trao đổi với VnExpress sáng 6/4, ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở GTCC TP HCM cho biết, hiện pháp luật đã có quy định về biên độ cho phép xe tải được chở quá tải. Cụ thể, tại điểm a, khoản 2, điều 32 của Nghị định 152/CP quy định xử phạt đối với xe từ dưới 5 tấn chở vượt tải trọng cho phép trên 10%, xe từ trên 5 tấn chở vượt 5%. Theo ông Thanh, trong khi chưa sửa đổi, bổ sung Nghị định 152/CP thì người lái xe tải phải tuân thủ các quy định trên. "Nhằm ngăn chặn hữu hiệu hơn nạn chở quá tải, chúng tôi sẽ đề nghị UBND TP HCM áp dụng mức xử phạt cao hơn Nghị định 152/CP đối với hành vi vi phạm chở quá biên độ cho phép (mức phạt theo Nghị định 152/CP là 500.000 đến một triệu đồng và kèm theo bấm lỗ bằng lái)", ông Thanh nói.
Riêng đề nghị về biên độ được chở quá tải do Hiệp hội Vận tải Hàng hó TP HCM, theo một cán bộ Sở GTCC, Sở sẽ phối hợp với Công an TP HCM nghiên cứu và có thể đưa vào văn bản đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 152/CP.
Đặt lại các trạm cân xe
Từ cuối tháng 10/2003 Bộ GTVT quyết định bãi bỏ 27 trạm cân xe trên toàn quốc. Lý do bãi bỏ là các tuyến đường, cầu đã được nâng cấp, đạt chuẩn về tải trọng; sự có mặt của các trạm cân đi cùng với nạn hạch sách nhà xe, nhũng lạm của nhân viên một số trạm cân; bản thân các hiệp hội vận tải đề nghị không nên để các trạm cân này...
Sau khi bãi bỏ các trạm cân, nạn xe chở quá tải ngày càng tăng và như Hiệp hội VT HH TP HCM nhận định đó là "quốc nạn" trong lĩnh vực vận tải hàng hóa. Chính từ tình hình trên, Hiệp hội VT HH TP HCM có đề nghị phục hồi lại các trạm cân, việc bỏ trạm cân là có hại hơn có lợi.
Theo ông Dương Hồng Thanh, trước mắt Sở GTCC và Công an TP HCM sẽ phối hợp nghiên cứu đề xuất lên Bộ GTVT phục hồi lại các trạm cân xe; Chính phủ bổ sung quy định về họat động của các trạm cân và việc xử phạt xe chở quá tải. Tại TP HCM, sẽ thiết lập bốn trạm cân ở bốn tuyến đường cửa ngõ là quốc lộ 13, Xa lộ Hà Nội, An Sương và An Lạc. Các trạm cân này sẽ do lực lượng Thanh tra GTCC phụ trách và tiến hành xử phạt đối với người vi phạm.
Phạt chủ xe, bắt xuống hàng
Theo Công an TP HCM, cần có những biện pháp chế tài mạnh hơn đối với hành vi chở quá tải. Theo đó, Công an TP HCM đề nghị không chỉ tăng mức xử phạt đối với lái xe, người trực tiếp vi phạm mà UBND TP cần có quy định xử lý đối với những người liên quan như chủ xe, chủ hàng, chủ kho bãi... Ngoài xử phạt tiền thì người, cơ sở liên quan còn có thể bị đình chỉ hoạt động hoặc rút giấy phép hành nghề vận tải nếu vi phạm nhiều lần.
![]() |
Xe chở quá tải lao ra đường khi không có cảnh sát giao thông thường gây ra kẹt xe tại khu vực đường vào cảng Bến Nghé. Ảnh: Hoàng Tuyên |
Theo ông Thanh, khi xe vi phạm chở quá tải bị phát hiện thì nên bắt buộc phải xuống hàng tại bến, bãi...; nếu xe đang vận chuyển trên đường thì buộc phải quay về bến, bãi để xuống hàng hoặc chuyển hàng sang xe khác có tải trọng thích hợp.
Với các loại hàng nguyên đai, nguyên kiện sẽ không cho quay lại bến, bãi mà phải dừng lại và điều xe có tải trọng phù hợp đến để sang hàng... Mọi chi phí cho việc quay xe, bốc dỡ, điều xe khác, sang hàng... chủ xe, chủ doanh nghiệp có xe phải gánh chịu. "Lâu nay, xe vi phạm bị lực lượng chức năng phát hiện, lập biên bản, ra quyết định xử phạt rồi cho đi. Làm như vậy là vô tình "hợp thức hóa" cho hành vi vi phạm, người vi phạm không "sợ". Sắp tới cần phải có những biện pháp mạnh hơn như trên", ông Thanh nói
Lưu Đức
▪ Quy hoạch ngược! (07/04/2006)
▪ Nguyện vọng của dân (07/04/2006)
▪ Thủ tướng khen ngợi người 50 lần hiến máu (07/04/2006)
▪ Cấp giấy phép cho hàng rong khó cũng phải làm (07/04/2006)
▪ Xu hướng 'yêu lật đổ' (07/04/2006)
▪ Trung Quốc chi gần 2,5 tỷ USD phát triển y tế nông thôn (06/04/2006)
▪ Cấm tàu thuyền đi trên sông Hồng (06/04/2006)
▪ Vẫn thi công tiếp hầm bộ hành không khớp quy hoạch (06/04/2006)
▪ Sẽ thanh tra công trình giao thông có dấu hiệu tiêu cực (06/04/2006)
▪ Kiểm tra lò luyện, xoá sổ dịch vụ thi thử (07/04/2006)