Làng trăm tỷ ở quê hương Nguyễn Du
Các Website khác - 19/01/2009
 15 năm nay, làng chài nghèo ven biển Cương Gián (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã có sự lột xác đầy ấn tượng. Mỗi năm, Cương Gián thu về không dưới 100 tỷ đồng với hàng chục gia đình được xếp vào hàng tỷ phú, đại gia. Sự đổi thay ngoạn mục này nhờ con đường xuất khẩu lao động.
Những ngôi nhà như thế này ở "Làng trăm tỷ" không hiếm.
 
Từ làng Việt cổ nghèo...

Rẻo đất Nghi Xuân, nơi sinh thành ra đại thi hào Nguyễn Du có hình dáng như một chiếc sừng trâu. Nhiều người bảo, từ xa xưa, tổ tiên đã theo các đốt của sừng trâu mà đặt làng, xã. Chẳng biết có phải vì hình dáng địa lý gắn với…trâu hay không mà bao đời nay, đây là vùng đất nghèo khó. Con đường từ quốc lộ 1A về đến xã Cương Gián phải đi qua những địa phương còn nghèo lắm, thậm chí chưa có đường nhựa, đất đỏ lẫn đá răm dựng lởm chởm. Chính vì vậy mà chuyện về những tỉ phú ở Cương Gián trở thành đề tài khá lạ, được nói đến nhiều nhất tại đây. Không ai nghĩ mảnh đất ở cuối của chiếc "sừng trâu" lại là nơi sầm uất đến vậy.

Cương Gián vốn là một làng Việt cổ. Sách xưa ghi lại rằng, làng này đã tồn tại hơn một chục thế kỷ. Khoảng hơn 1.000 năm trước, nơi đây đã lập đền thờ Tam Tòa, thờ ngài Lý Nhật Quang con thứ 8 của vua Lý Thái Tổ (1016- 1020).

Ngôi làng Việt cổ kính này bao đời nay vốn sống lam lũ với nghề chài lưới. Người dân không còn biết trông chờ vào bất kỳ một nguồn sống nào cả. Ông Hoàng Công Tuần - Phó Chủ tịch xã Cương Gián vừa mở những trang sử của làng vừa nhớ lại: "Có nơi đâu no ấm được với nghề chài lưới? Mười mấy năm trước, Cương Gián còn bị liệt vào danh sách địa phương đói nghèo khó khăn nhất huyện.

Còn nhớ đầu những năm 90, khi xoá mô hình làm ăn hợp tác xã nghề cá, người dân hoang mang, một bộ phận vẫn ở lại với biển, còn lại quay về với nghề nông. Mà ở cái mảnh đất này, mùa hè gió Lào thổi như muốn thiêu rụi mọi thứ, mùa đông, hanh heo đến nứt toác, ứ máu gót bàn chân, bàn tay, trông mong gì ở những thửa ruộng mênh mông cát trắng.

Cương Gián còn là một xã có nhiều nghề truyền thống: dệt lưới tơ, làm nón, đặc biệt là chế biến nước mắm với thương hiệu nổi tiếng "Nước mắm Cương Gián". Thế mà bao đời nay, cuộc sống của người dân vẫn không thoát khỏi cảnh đói nghèo như bao làng chài khác. Khó khăn gian khổ đến nghìn năm rồi. Những tưởng cái đói nghèo vẫn bám mãi với đất này".

...Đến mảnh đất của những tỷ phú

Mọi chuyện bắt đầu vào năm 1988, một nhóm thanh niên xóm Ngư Tịnh như: Hoàng Văn Nghĩa, Trần Thị Loan, Hoàng Minh... đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc. Chỉ vài năm sau, nhờ số tiền các con gửi về, gia đình họ đã nhanh chóng xóa được đói nghèo.

Ông Bùi Tùng Phong, nguyên Chủ tịch huyện, sau là Giám đốc Sở Thủy sản (cũ) Hà Tĩnh, được coi là người đặt nền móng, mở rộng con đường xuất khẩu lao động cho con em xã Cương Gián đi lao động ở nước ngoài. Câu chuyện làm giàu từ đi lao động nước ngoài tự phát của một số người dân Cương Gián làm ông mê tít. "Khi nghe họ kể tôi thấy đúng là một hướng đi hay. Cương Gián vốn là làng chài, người dân sẵn có tài đi biển đánh cá, khi sang nước bạn có thể vào cuộc ngay. Thu nhập bên ấy dù thấp cũng gấp mấy chục lần ở nhà", ông Phong kể. Chính ông Phong đã hết mực khuyến khích người dân Cương Gián đi xuất khẩu lao động dù lúc ấy không ít người ngăn cản.

Ông Hoàng Đức Thanh, ở xóm Tân Thượng được tôn là "ông vua" xuất khẩu lao động, cũng là một tỷ phú của đất Cương Gián. Sự giàu có của gia đình ông Thanh được thể hiện ngay từ ngôi nhà cao tầng đồ sộ được trang trí những đồ nội thất sang trọng bên trong.

Dân xóm Tân Thượng, ai cũng biết trước đây gia đình ông Thanh nghèo lắm, mấy cha con sống nhờ vào nghề đi biển. Cũng như bao gia cảnh nghèo khác, được mùa thì sống, không thì vay mượn đủ bề. Sau khi được lãnh đạo địa phương ủng hộ, ông đã bắt mối với một "đường dây" xuất khẩu lao động tại TP Hồ Chí Minh cho người con trai thứ "mở màn".

Nối tiếp là người con trai cả Hoàng Văn Tinh và cô con dâu Trương Thị Mai. "Người đi trước kéo người đi sau, cho đến lúc cao điểm, cách đây độ 4 năm, gia đình tui có đến 23 người con, cháu cùng làm ăn ở nước ngoài. Hiện tại đã có 8 đứa đưa vốn về nước kinh doanh rồi", ông Thanh tự hào.

Ông Trần Đức Ninh, nguyên là Trưởng Công an xã Cương Gián, nay chuyển sang làm cán bộ hộ tịch cho biết, gần 10 năm trước để lấy "lòng tin" của nhân dân cho chính sách xuất khẩu lao động của xã, ông đã lần lượt cho hai con trai của mình ra nước ngoài làm ăn. Ông Ninh cho biết: "Con trai cả sang Ba Lan được gần mười năm rồi. Nó làm kinh doanh nên không biết được thu nhập cụ thể. Đứa còn lại thì đi Hàn Quốc gần 3 năm nay, làm cơ khí bên đó tháng cũng được hơn 700 USD".

Ngay gia đình Phó Chủ tịch xã Hoàng Công Tuần, tính cả con cái, dâu rể cũng đến 5 người đi nước ngoài. Ông Tuần tâm sự: "May có con đường xuất ngoại mà được đổi đời. Mấy năm về trước nhà tôi kinh tế cũng chật vật lắm". Ở Cương Gián bây giờ, những gia đình có bạc tỷ trong nhà không phải là dạng hiếm.
 
Bộ mặt làng quê đã khang trang hơn rất nhiều. (Ảnh: T.G)

Vay trăm triệu không cần ký giấy

Ở đất Cương Gián, nhiều gia đình hàng xóm cho nhau vay nhau hàng trăm triệu đồng mà không cần giấy tờ cam kết gì. Quỹ tín dụng nhân dân năm nay của xã đã lên tới hơn 20 tỷ đồng, dùng để quay vòng cho con em ở quê ra nước ngoài làm việc.

Trước sự thay đổi đến kinh ngạc của quê hương, ông Tuần không khỏi khấn khích tâm sự:" Nhớ những ngày đầu, những năm 1993, 1994 mỗi suất đi Đài Loan có 4 triệu rưỡi đến 5 triệu đồng mà ít gia đình dám vay mượn cho con em đi. Nghe dư luận về những vụ lừa đảo xuất khẩu lao động, ai cũng sợ mất của, mất người. Thế nhưng khi thấy con em cán bộ xuất ngoại, người nào cũng làm ăn được cả, bà con liền làm theo".

Thấy được vai trò "vốn là rốn làm giàu", chính quyền xã chủ trương vận động nhân dân tận dụng nguồn thu từ lao động xuất khẩu, đầu tư cho phương tiện đánh bắt cá, nuôi trồng hải sản, mở các dịch vụ, các trang trại. Năm trang trại lớn nuôi trâu, bò, dê, hồ bơi dưới chân núi Hồng Lĩnh được chính quyền địa phương đầu tư cho mỗi trại khoảng một tỷ đồng.

Ông Tuần vừa dẫn chúng tôi đi tham quan vừa cho biết: "Xã đã tổ chức dạy nghề, học nghề cho các con em, xây dựng trường học, trạm y tế, trung tâm học tập cộng đồng; hội quán, làm đường nhựa từng xóm, thành lập Hợp tác xã Môi trường với vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng bằng kinh phí của địa phương và huy động nhân dân đóng góp". Vì thế mà ngày 12/3/2006, nhân dân xã Cương Gián đã vinh dự được tặng thưởng danh hiệu "Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới".

Trong hai năm 2007 và 2008, Cương Gián đã tiếp 138 đoàn, trong đó có 8 đoàn Trung ương do Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội giới thiệu đến tham quan và học hỏi kinh nghiệm trong việc xuất khẩu lao động. Trước sự thay đổi đến kinh ngạc của quê hương, nhưng ông Phó chủ tịch xã vẫn không khỏi băn khoăn: "Vẫn có những trường hợp ra đi làm ăn thua lỗ, sinh nợ nần. Những hoàn cảnh không may mắn này chúng tôi rất cảm thông. Vấn đề nữa là hầu hết ra nước ngoài là những thanh niên mới chỉ tốt nghiệp lớp 12. Xã đang rất cần những con người có tri thức, được đào tạo chính quy để lãnh đạo, xây dựng quê hương. Việc tạo điều kiện cho con em đi lao động nước ngoài là chuyện phụ. Việc khuyến khích, phát huy và hỗ trợ các em học lên đại học, sau đại học và hơn nữa còn quan trọng hơn. Đó mới là phát triển bền vững".
 
Phó Chủ tịch Hoàng Công Tuần cho biết, toàn xã có 13.013 dân thì đã có hơn 6.000 lượt người xuất ngoại. Xã có 2.886 hộ thì có tới 2.700 hộ dân có con em đi xuất khẩu lao động. Năm 2007, con em Cương Gián gửi về cho người thân gần 150 tỷ đồng.
 
Hiện tại toàn xã có trên 2.500 người đang lao động tại nước ngoài phổ biến ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Cộng hoà Séc, Anh, Tây Ban Nha, Đức, Mỹ... Mức thu nhập bình quân của đội ngũ xuất khẩu lao động đạt 500 USD/người/tháng. Cá biệt có những trường hợp đi xuất khẩu tại Hàn Quốc mức thu nhập lên đến 2.500 USD/tháng.

Theo Giadinh.net