Làng Triều Khúc đối mặt với nguy cơ dịch cúm gia cầm
Các Website khác - 09/11/2005
Mặc cho những cảnh báo về khả năng bùng phát của đại dịch cúm gia cầm, làng Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, nơi tập trung thu mua lông gà, lông vịt của hầu hết các chợ Hà Nội, người dân vẫn chủ quan.
Trong lúc dịch cúm gia cầm đã bùng phát ở một số địa phương, tại làng Triều Khúc không còn cảnh người người, nhà nhà tấp nập mua bán lông gà, lông vịt nữa. Nhưng ra tới khu cánh đồng Giò Gà, cả một bãi rộng trắng xóa lông gà, lông vịt được phơi. Mỗi hộ thu mua lông gà, lông vịt quây một mảnh đất trong khu cánh đồng này với những tấm lưới cao quá đầu người để ngăn lông không bay sang nhà bên.

Trả lời thắc mắc vì sao đang có dịch cúm gia cầm mà vẫn có nhiều lông gia cầm phơi thế này, chị Huyền, cho biết: đây là số lông cũ mang ra phơi thôi chứ bây giờ lông mới người ta đưa về ít lắm. Vẫn theo chị Huyền: Gần một tháng nay việc buôn bán của nhà trở nên khó khăn. Hồi trước dịch cúm gia cầm mỗi ngày gia đình tôi thu mua 30 - 40 bao tải lông gà, vịt (khoảng 1,5 tấn) rồi xuất bán lại cho bạn hàng. Nhưng gần một tuần nay nhân viên đều trong tình trạng thất nghiệp. Hàng hóa thu mua bị lỗ do giá lông gà vịt chỉ còn chưa đầy 25.000 đồng/kg (trước đây từ 45.000 đến 50.000 đồng/kg).

Ðến gia đình bà Nguyễn Thị Gái, có năm đời làm nghề thu mua lông gà vịt về làm chổi. Bà Gái năm nay 70 tuổi, vừa thoăn thoắt làm, bà vừa nói: Đây là nghề truyền thống của chúng tôi, bây giờ cấm thì chúng tôi biết dựa vào gì mà sống. Mà chết nó có số cả cô ạ.

Chị Hiền đang đứng sấy trong lò cho tôi biết, hầu hết những người làm ở đây đều bị ho sau một thời gian làm việc đều có hiện tượng khó thở. Ông Ðoàn Hồng Phong, Trưởng phòng Dịch tễ Chi cục Thú y thành phố Hà Nội khẳng định "không chỉ nguy cơ nhiễm cúm, người tiếp xúc với nhiều lông gia cầm còn có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác. Do virus cúm gia cầm có trong phân, chất độn (trấu, phoi bào dùng để độn chuồng)".

Hằng ngày dân thu mua đến các cơ sở giết mổ gia cầm, các chợ đầu mối thu mua lông gà vịt với giá từ 2.000 - 3.000 đồng/kg rồi mang về đây bán lại cho các hộ thu mua như với giá từ 10.000 đến 30.000 đồng/kg. Sau đó các hộ thu mua phơi khô rồi bán lại và xuất qua biên giới. Lông gà vịt phơi khô này sau khi phân ra các loại hàng trắng, hàng đen sẽ được dùng làm lõi chăn len, đệm và thậm chí để thổi vào quần áo. Những mặt hàng này có thể sẽ quay ngược về thị trường Việt Nam.

Hiện nay, trong làng vẫn còn 14 hộ giết mổ gia cầm. Vào nhà chị Nguyễn Thị Xuân, lồng to, lồng nhỏ nhốt nào ngan, gà, vịt ngổn ngang dưới đất đang chờ giết mổ. Các nhân viên ở đây chẳng cần mang găng tay, để luôn gà vịt xuống đất để làm. Hàng chục gà vịt cùng được rửa chung một chậu nước vẩn đục. Rửa xong nước đổ lênh láng, bốc mùi tanh tưởi lượt tràn mặt đất. Chị cho biết trước đây một ngày gia đình tôi giết mổ hàng trăm con gia cầm bây giờ chỉ giảm đi còn một nửa. Cũng nhiều hộ trong làng phải nghỉ vì không có hàng mà làm đấy. Tôi vẫn còn mối hàng nên vẫn làm đến khi nào thành phố cấm hẳn thì thôi.

Ông Nguyễn Hữu Vỵ, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Triều cho biết: Từ đầu năm đến nay xã đã tổ chức bốn đợt phun thuốc khử trùng, tiêu độc tại các khu phơi phóng, các hộ thu mua, các lò giết mổ. Công tác tuyên truyền, khuyến khích, vận động nhân dân không thu mua, buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm luôn được lãnh đạo xã quan tâm nhưng chưa thực hiện triệt để được.

Nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm ở làng Triều Khúc là điều có thể dự đoán trước. Điều cần thiết trước hết là biện pháp "mạnh" để chấm dứt tình trạng thu mua, chế biến lông vũ ở làng Triều Khúc khi còn dịch cúm gia cầm đang tới gần.

MAI ANH