![]() |
Đại biểu thảo luận tại hội trường. Ảnh: TTXVN |
Cảnh sát tư pháp sẽ thuộc cơ quan nào là chủ đề nóng nhất khi Quốc hội thảo luận Bộ luật thi hành án, chiều 8/11. Một số đại biểu ủng hộ việc chuyển giao cảnh sát tư pháp từ Bộ Công an sang Bộ Tư pháp để thống nhất quản lý nhà nước. Tuy nhiên, một số khác lại tỏ ý không đồng tình.
Theo Bộ trưởng Tư pháp Uông Chu Lưu, hiện có 2 quan điểm khác nhau về vấn đề cảnh sát tư pháp. Ý kiến thứ nhất cho rằng, Bộ luật thi hành án cần quy định rõ giao cho Bộ Tư pháp quản lý đơn vị này. Ý kiến thứ 2 đề nghị không đưa những vấn đề cụ thể như tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cảnh sát tư pháp vào trong luật mà giao cho Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định.
"Chính phủ tán thành loại ý kiến thứ 2 và dự thảo bộ luật được thể hiện theo hướng này", Bộ trưởng Uông Chu Lưu nói.
Theo ông Lưu, ngay sau khi Bộ luật thi hành án được Quốc hội xem xét, thông qua (6/2006), Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo xây dựng đề án củng cố đội ngũ cán bộ thi hành án các cấp để thực hiện việc chuyển giao từ Bộ Công an cho Bộ Tư pháp từ 1/1/2010. Hiện nay, công tác thi hành án đang do lực lượng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp (Bộ Công an) đảm nhiệm.
Tán thành chủ trương này, đại biểu Phan Trung Lý cho rằng, nên giao cho Bộ Tư pháp nhằm thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động thi hành án. Tình trạng tách rời, tản mạn trong quản lý thi hành án như hiện nay là nguyên nhân dẫn tới chất lượng thi hành án chưa cao.
Mặc dù cũng tán thành quan điểm chuyển bộ phận thi hành án cho Bộ Tư pháp nhưng đại biểu Võ Minh Phương tỏ ý dè dặt hơn. Đại biểu này đề nghị Bộ Tư pháp cần phải làm rõ lộ trình chuyển giao cảnh sát tư pháp giữa 2 bộ, để đại biểu có cơ sở "đặt niềm tin".
Tuy nhiên, nhiều thành viên trong Uỷ ban Pháp luật Quốc hội đề nghị không đưa quy định về cảnh sát tư pháp vào Bộ luật thi hành án mà tách ra một văn bản riêng, không đưa vào Bộ luật thi hành án. Trước mắt, Bộ Công an vẫn quản lý lực lượng thi hành án.
Gay gắt hơn, một số ý kiến đề nghị, nếu quy định chức năng. nhiệm vụ của cảnh sát sát tư pháp trong luật thì phải giao cho Bộ Công an chứ không phải Bộ Tư pháp. Lý lẽ mà các đại biểu này đưa ra là, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, Bộ Công an phải huy động nhiều lực lượng của công an như bảo vệ phiên tòa, dẫn giải bị can, bị cáo. Sau này, nếu chỉ có cảnh sát tư pháp (thuộc Bộ Tư pháp) thì e khó đảm nhiệm nổi.
Hôm nay, Quốc hội tiếp tục thảo luận về Bộ luật thi hành án.
Việt Anh
▪ Sinh viên và Mỹ Tâm thăm Honda Việt Nam (29/10/2005)
▪ EC cam kết hỗ trợ Việt Nam phòng, chống cúm gia cầm (08/11/2005)
▪ Lây nhiễm HIV/AIDS: Thực trạng đáng sợ (08/11/2005)
▪ Sóc Trăng trong mùa Oóc om-bóc (08/11/2005)
▪ Du lịch tay lái nghịch caravan: Cơ hội cho khách bộ hành (08/11/2005)
▪ Chiến thuật... bóp cổ (08/11/2005)
▪ Về lại Moritzburg (08/11/2005)
▪ Chỉ yêu chiếc ghế (08/11/2005)
▪ 3 bệnh viện sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân cúm (08/11/2005)
▪ Hai xe buýt đâm nhau, húc đổ cột điện (08/11/2005)