Trong gần 700 tuyến sông, kênh, rạch với tổng chiều dài hơn 1.000 km hiện có của thành phố, nhiều tuyến là đường thoát nước quan trọng. Tuy nhiên theo dự báo hơn 50% số kênh, rạch trên sẽ bị san lấp để phát triển đô thị.
Theo Sở Giao thông Công chính (GTCC), tình trạng san lấp, lấn chiếm sông, kênh, rạch trên địa bàn TP HCM hiện rất phổ biến và diễn ra ngày càng phức tạp. Từ năm 2000 đến 2004, có gần 140 vụ san lấp, lấn chiếm kênh, rạch bị phát hiện và xử lý, bình quân 35 vụ/năm. Tính riêng năm 2005, số vụ san lấp được phát hiện, xử lý đã lên tới trên 50.
![]() |
Sông, rạch bị lấn chiếm, san lấp làm bó hẹp dòng chảy, gây ngập ứ nước tại nhiều nơi. Ảnh: Lưu Đức |
Số vụ san lấp không bị phát hiện, xử lý còn cao hơn nhiều. Theo ông Trần Quốc Khánh, Giám đốc Khu đường sông, chỉ riêng tại quận Gò Vấp trong các năm 2004-2005 có đến trên 680 tổ chức, cá nhân san lấp hơn 11 ha kênh rạch. Diện tích bị san lấp đều nằm trong hành lang bảo vệ sông, kênh, rạch đã được cắm mốc chỉ giới theo quy định của pháp luật.
TP HCM có độ dốc từ Bắc, Tây Bắc (Củ Chi, quận 12, Thủ Đức vùng giáp ranh Lái Thiêu, Thuận An thuộc tỉnh Bình Dương và Biên Hòa) sang phía Đông rồi xuống phía Nam, Đông Nam (Bình Thạnh, quận 2, Cần Giờ, Nhà Bè và một phần Bình Chánh). Theo ông Ngô Quang Mãnh, Phó trưởng phòng quản lý dịch vụ đô thị, Sở GTCC thực tế lịch sử phát triển Sài Gòn - TP HCM cho thấy: Quá trình san lấp các vùng đất thấp, yếu và một số rạch tự nhiên không có ích, luôn song song với việc giữ lại một số rạch có ích và đào thêm một số kênh để vừa thoát nước vừa đề tàu thuyền lưu thông (như kinh Tẻ, kinh Tàu Hũ, kinh Xáng…).
Ông Mãnh cho rằng, khi phát triển đô thị phải xác định rõ kênh, rạch nào giữ lại và cái nào có thể lấp đi. Thế nhưng việc san lấp kênh, rạch thời gian qua diễn ra quá tràn lan không theo một quy hoạch, kế hoạch dẫn đến việc ngập trên diện rộng khi triều cường thậm chí cả khi mưa nhỏ.
Quy hoạch “đá” quy hoạch
Tại cuộc họp nhằm xác định các tuyến kênh rạch phục vụ giao thông thủy và thoát nước do Sở GTCC chủ trì vừa diễn ra tuần qua, ông Ngô Quang Mãnh, dự báo, trong quá trình phát triển đô thị sẽ có khoảng 50% số kênh, rạch và số km kênh, rạch được san lấp làm đất đô thị. Vấn đề là cần xác định cái nào lấp, cái nào để.
![]() |
Cơn mưa bất thường ngày 10/2 làm ngập đường tại ngã ba Phan Đình Giót - Phổ Quang, quận Tân Bình. Ảnh: Lưu Đức |
Theo đại diện phòng quản lý đô thị các quận 7, huyện Nhà Bè và Bình Chánh, quy hoạch thoát nước trên địa bàn các quận, huyện này chưa có nên rất khó xác định kênh, rạch nào để lại, cái nào được phép lấp. Các nhà quản lý thoát nước thì lại cho rằng quy hoạch chi tiết đô thị phải có trước quy hoạch thoát nước.
Từ năm 2003, UBND TP HCM chỉ đạo Sở GTCC thực hiện quy hoạch chi tiết 5 lưu vực của TP. Theo dự kiến, bản quy hoạch này phải hoàn thành trong thời gian 3 năm. Nhưng đến đầu năm 2006, ở các lưu vực khối lượng công tác khảo sát và lập quy hoạch chỉ đạt 55-75%, có lưu vực đạt chưa tới 40%.
Việc lập quy họach thoát nước các lưu vực diễn ra chậm được lý giải, do sự thay đổi liên tục quy hoạch sử dụng đất của các địa phương đã “đá văng” những bản quy hoạch chi tiết thoát nước được lập ra trước đó. Nhưng có một thực tế là một số đơn vị tham gia lập quy hoạch thoát nước quá yếu kém. Thậm chí có đơn vị xưa nay chỉ quen thực hiện công việc lập quy hoạch thủy lợi cũng nhảy vào lập quy hoạch thoát nước đô thị.
"Có 4 nguyên nhân chính gây ngập nước là do nước mưa; điều kiện mặt đệm; chịu ảnh hưởng của thủy triều và đặc biệt là do cấu trúc hệ thống thoát nước không còn phù hợp. Toàn bộ quá trình xử lý tình trạng ngập nước tại TP.HCM từ trước đến nay là không khả thi, cho nên việc xóa ngập không những không thực hiện được trọn vẹn mà còn phát sinh những điểm ngập mới." GS-TS Lê Huy Bá, Giám đốc Trung tâm Môi trường sinh thái nhân văn - ĐH Bách khoa TP HCM |
Một câu chuyện khác là: quy định cốt nền xây dựng công trình (cao độ cho phép xây dựng công trình đô thị) “đá” quy hoạch giao thông. Đến nay, toàn TP chỉ mới có quận Tân Bình, Tân Phú và quận 2 là đã hoàn chỉnh điều tra, khảo sát và có quy định về cốt nền, các quận khác vẫn đang tiến hành. Lãnh đạo phòng quản lý đô thị một số quận, huyện cho rằng: để có cốt nền chuẩn, phải dựa vào quy hoạch giao thông tổng thể mà cho đến nay quy hoạch giao thông vẫn chưa được phê duyệt.
Từ những thực tế trên đã dẫn đến tình trạng là tại các dự án ở nhiều quận, huyện (dự án xây dựng nhà ở, dự án giao thông thông, dự án thoát nước…) luôn không đồng bộ. Mạnh ai người nấy xây dựng và nguy hại nhất là các dự án này lại không nối kết được với nhau sẽ dẫn đến một tương lai không xa: tình trạng ngập nước sẽ ngày càng trầm trọng hơn.
Nạo vét tình thế
Hệ thống cống thoát nước hiện nay của TP.HCM dài khoảng 800 km nhưng đã quá cũ kỹ. Trong số km cống trên thì loại cống cấp 2 và cấp 3 được xây dựng cách đây 50 năm, có đến 113 km cống được xây dựng cách đây trên 100 năm. Tại một số khu vực cống còn tốt như quận 1, 3 cũng không tránh khỏi hiện tượng ngập ứ cục bộ, trên phạm vi hẹp như khu vực Bàn Cờ, Nguyễn Thiện Thuật hoặc khu vực Trần Đình Xu, Cô Bắc, Cô Giang, Nguyễn Biểu…. Hệ thống cống ở các quận ven hiện chỉ đáp ứng tiêu thoát được khoảng 20-30% lượng nước.
![]() |
Nạo vét cống chỉ là giải pháp tình thế làm giảm ngập, không thể xóa ngập được. Ảnh: Lưu Đức |
Thời gian qua, các biện pháp tình thế giải quyết ngập được áp dụng như tôn cao mặt đường, đặt trạm bơm tại các điểm ngập nước…chưa mang lại hiệu quả. Tại một số khu vực có các công trình này đã phát sinh tình trạng: nâng nền hoặc bơm thoát nước chống ngập được ở chỗ này lại dồn nước gây ngập cho khu vực khác.
Những năm qua, mỗi năm thành phố chi từ 80 đến 85 tỷ đồng cho công tác duy tu, nạo vét hệ thống cống thoát nước. Các khu quản lý giao thông đô thị và đơn vị thoát nước triển khai việc nạo vét duy tu vào mùa khô (từ tháng 11 năm trước đến tháng 5). Vào cao điểm mùa mưa, việc nạo vét chỉ tập trung vào các khu vực trọng điểm, kiểm tra và nạo vét chống tái ngập ở một số khu vực.
Các biện pháp nâng cao mặt đường, đặt van ngăn triều, bơm hút, nạo vét cống vào mùa khô… có mang lại một số hiệu quả nhất định nhưng đó chưa giải quyết căn cơ tình trạng ngập - Một chuyên viên Sở GTCC nhìn nhận.
“Biện pháp xóa ngập cơ bản” được Sở GTCC thực hiện trong thời gian qua là triển khai các dự án chống ngập từ nguồn vốn vay ODA... Thế nhưng, tiến độ thực hiện các dự án (như dự án kênh Nhiêu Lộc- Thị Nghè, dự án kênh Hàng Bàng) theo Sở GTCC là rất chậm trễ. “Trong năm 2006, các dự án ODA sẽ được đẩy nhanh tiến độ và dự kiến đến năm 2008 mới có thể hoàn thành đưa vào sử dụng”, một chuyên viên Sở GTCC cho biết.
“Kênh rạch thoát nước sẽ tiếp tục bị san lấp, các công trình để giải quyết căn bản nạn ngập ứ còn lâu mới được đưa vào sử dụng, việc nạo vét cống thoát nước cũng chỉ là giải pháp tình thế, cục bộ… Đó là những thực tế báo trước mùa mưa năm 2006 này TP HCM sẽ tiếp tục ngập”, vị chuyên viên Sở GTCC kết luận.
Lưu Đức
▪ Đác Nông phát triển y tế cơ sở (11/03/2006)
▪ Đưa nước sạch về nông thôn (11/03/2006)
▪ Cảnh giác với chất lượng thực phẩm nhập khẩu (11/03/2006)
▪ Tập thể không làm thay việc của cá nhân và ngược lại (11/03/2006)
▪ NGƯỜI & VIỆC (12/03/2006)
▪ Chìm tàu trên biển Cát Bà do va phải đá ngầm (11/03/2006)
▪ Cảnh sát bị 'cửu vạn' tấn công (11/03/2006)
▪ Viện Lao Nghệ An gây ô nhiễm trầm trọng (11/03/2006)
▪ Gia cầm lậu lại đổ về TP HCM (11/03/2006)
▪ Nở rộ phong trào nuôi nai lấy nhung tại Đồng Nai (11/03/2006)