Thực phẩm ngoại chiếm đến 30%
Đối với một bộ phận dân cư sính đồ ngoại, thực phẩm chế biến công nghiệp hoặc thực phẩm sơ chế của ngoại cũng là những mặt hàng tốt nhất. Để đáp ứng nhu cầu này, nhiều siêu thị trung tâm thương mại thường xuyên nhập hàng ngoại. Khảo sát tại một số siêu thị lớn trên địa bàn Hà Nội, hàng nhập khẩu thuộc nhóm ngành ăn uống chiếm khoảng từ 30 - 35% số lượng hàng hóa cùng loại. Tại siêu thị Fivimart sáng ngày 10-3, bà Bùi Thị Thúy - bộ phận travel tại khách sạn Sofitel Plaza - nói: "Với các sản phẩm nhập khẩu, tôi tin tưởng vì được kiểm nghiệm 2 lần (một cơ quan chức năng của đơn vị sản xuất và một là cơ quan chức năng của Việt Nam). Tôi thường mua phomát, bơ, đồ hộp nhập khẩu. Cùng chung ý kiến với chị Thúy, anh Lê Văn Hùng - 74 Tây Sơn - cho rằng: "Hàng nhập khẩu phong phú về chủng loại và chất lượng. Tuy giá đắt hơn các sản phẩm nội, nhưng "cũng đáng đồng tiền bát gạo". Có điều kiện, tôi cũng mua sản phẩm nhập khẩu...".
Coi chừng ăn phải hàng ngoại rởm
Tuy nhiên một vấn đề đặt ra, mặc dù có "giao kèo" giữa nhà phân phối và siêu thị, trung tâm thương mại, nhưng không phải lúc nào các sản phẩm nhập khẩu đều có đủ các yêu cầu về nhãn mác (thiếu nhãn phụ), hướng dẫn sử dụng không rõ ràng... Đây cũng là một khó khăn đối với người tiêu dùng. Trong đợt kiểm tra về an toàn vệ sinh thực phẩm mà các cơ quan chức năng triển khai vào dịp Tết vừa qua, thì các loại thực phẩm ngoại cũng vi phạm không ít. Mặc dù được bày bán tại siêu thị với những quy định kiểm định nghiêm ngặt, song vẫn có lẫn những sản phẩm bị bôi sửa, tẩy xóa làm mới lại hạn sử dụng.
Theo bác sĩ Nguyễn Đức An - Chánh Thanh tra Sở Y tế, phụ trách toàn liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm TP Hồ Chí Minh, kết quả kiểm tra trong dịp Tết vừa qua cho thấy chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm ở các chợ đạt khoảng 60%, còn trong siêu thị đạt 90%. Cũng qua thống kê của đoàn thanh tra thì các sản phẩm vi phạm chủ yếu là có nhiều thuốc tẩy, hết hạn sử dụng, nhiễm hàn the, formol hoặc phẩm mầu lạ... Ngoài ra, bị giả nhiều nhất là loại rượu giả Champagne Bordeux (Pháp) được bán ngoài thị trường và kể cả các siêu thị với giá chỉ xấp xỉ 100.000 đồng/chai. Trong khi đó theo một chuyên gia của thị trường rượu thì hầu hết là rượu giả, vì nếu nhập khẩu thì giá "bèo" lắm cũng phải vài trăm nghìn đồng/chai.
Từ đầu năm 2006 đến nay, Đội quản lý thị trường quận Bình Thạnh và quận 5 - TP Hồ Chí Minh đã phát hiện nhiều vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm hàng ngoại nhập. Trong đó, chủ yếu là vi phạm sửa "hạn" sử dụng. Cụ thể, tại Công ty TNHH Good Food có chứa 16 thùng dầu ôliu loại lớn, bột sữa, cà-phê, nước trái cây..., trong đó hầu hết các sản phẩm đã quá thời hạn sử dụng từ 1 tháng (hạn sử dụng chỉ đến hết tháng 11-2005), nhưng những sản phẩm này đang được cạo sửa, dán nhãn mới để đưa ra thị trường với nhãn hiệu Dilia với hạn sử dụng đến hết tháng 12-2007 hoặc 12-2008. Hoặc tại doanh nghiệp tư nhân Phong Sương có 23 thùng bánh ngọt hiệu Happiness - Kerk của Malaysia đã được tẩy xóa, sửa hạn sử dụng từ năm 2004 lên thành tháng 3-2006. Ngoài số hàng này, kho hàng của doanh nghiệp này đang chứa đến 795 thùng bánh đã quá hạn sử dụng từ năm 2004. |
|