Lây nhiễm HIV/AIDS: Thực trạng đáng sợ
Các Website khác - 08/11/2005
Đại dịch HIV/AIDS đã và đang lan tràn trên toàn cầu với quy mô và tính chất ngày càng nghiêm trọng. Công tác phòng, chống cần phải được đẩy mạnh với cách tiếp cận và nhận thức mới.
Đã phát hiện 95.512 người nhiễm HIV/AIDS

Hiện nay, dịch HIV/AIDS đã xuất hiện ở tất cả 64 tỉnh, thành phố trong cả nước với hơn 93% số quận huyện và hơn 50% số xã, phường, thị trấn. Tính đến tháng 5-2005, số người lây nhiễm HIV đã lên tới 95.512 người, đã chuyển thành AIDS là 15.539 người và tử vong là 8.965 người. Tuy nhiên, theo ước tính của Bộ Y tế, hiện tại con số người nhiễm phải lên tới 198.000 đến 284.000 người. Theo dự báo, nếu không có các hoạt động phòng, chống mạnh mẽ và toàn diện hơn, đến năm 2010 con số lây nhiễm có thể sẽ là 350.000 người.

Nguyên nhân dẫn đến số người "nhiễm" đại dịch thế kỷ ngày một tăng chủ yếu xuất phát từ tệ nạn ma túy và mại dâm. Theo số liệu của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, đến cuối năm 2004, cả nước có 170.407 số người nghiện ma túy. Điều đáng lo ngại là 80% số người nghiện dưới hình thức sử dụng tiêm chích, 80% số người nghiện có hành vi phạm pháp và có tới 85% các vụ phạm pháp có liên quan tới nghiện ma túy, trong đó 40% liên quan đến các vụ trọng án. Có thể nói, tình trạng nhiễm HIV trong nhóm tiêm chích ma túy ngày càng tăng cao (từ 9,4% năm 1996 lên tới 28,61% năm 2004). Đến tháng 5-2005, tỷ lệ nhiễm HIV do ma túy và mại dâm chiếm gần 60%. Thực trạng đáng buồn này càng gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với toàn xã hội về sự nguy hại của đại dịch... xuyên thế kỷ.

Các chủ trương cần "ngấm sâu" vào thực tế

Nhận thức đúng đắn tính chất nguy hiểm của đại dịch HIV/AIDS, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có sự quan tâm thích đáng đối với công tác phòng, chống. Nhiều văn bản pháp quy đã được ban hành tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai phòng, chống. Đặc biệt là Chỉ thị số 52/CT-TW ngày 11-3-1995 của Ban Bí thư Trung ương (khóa VII), Pháp lệnh phòng, chống HIV/AIDS của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 31- 3-1995 và gần đây là Quyết định số 36/2004/QĐ-TTg (ngày 17-3-2004) của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn 2002.

Tuy nhiên, sau 10 năm tổ chức triển khai thực hiện Pháp lệnh phòng, chống HIV/AIDS đã bộc lộ nhiều bất cập, không phù hợp với diễn biến phức tạp của đại dịch hiện nay, như vấn đề tư vấn giám sát, phòng, chống căn bệnh trong gia đình, nơi làm việc, tiếp cận thuốc điều trị HIV, chống kỳ thị và phân biệt đối xử, nhất là các biện pháp can thiệp giảm tác hại mang tính đột phá trong dự phòng lây nhiễm chưa được quy định trong Pháp lệnh.

Được biết, hiện nay Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ và Quốc hội đang triển khai đánh giá, rà soát lại các văn bản pháp quy; bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện hệ thống văn bản về Chỉ thị và Luật Phòng, chống HIV/AIDS cho phù hợp với tình hình và cách tiếp cận mới trong cộng đồng. Dự án Luật phòng, chống HIV/AIDS cũng đã được đưa ra trình Quốc hội.

Trước hết phải diệt trừ ma túy và mại dâm

Ma túy và mại dâm là nguồn gốc gây ra những biến thái tiêu cực trong xã hội mà "đỉnh cao" là sự lây nhiễm căn bệnh thể kỷ. Công tác phòng, chống HIV/AIDS đã thực hiện thành công ở một số nước thông qua Chương trình được gọi là "can thiệp giảm hại đầy đủ", trong đó gồm có Chương trình bơm kim tiêm sạch, Chương trình 100% bao cao su và Chương trình điều trị cai nghiện và điều trị thay thế. Ở nước ta, các biện pháp này còn hết sức mới mẻ và thiếu hành lang pháp lý cần thiết. Chính vì vậy, mặc dù chương trình được đề cập trong Chiến lược Quốc gia nhưng vẫn gặp rất nhiều khó khăn về kinh nghiệm, kỹ thuật và cả ngân sách trong công tác triển khai.

Kết quả điều tra dư luận xã hội về thái độ, nhận thức, đánh giá của cán bộ, đảng viên và nhân dân về các biện pháp giảm tác hại của việc sử dụng ma túy cho thấy, hiện tượng này phát triển rất tràn lan, gây tâm lý lo lắng thường xuyên trong xã hội (chiếm 64% số người được hỏi), đại đa số cho rằng các biện pháp cai nghiện lâu nay kém hiệu quả, 50% tán thành chương trình bơm kim tiêm sạch. Hiện nay, số bệnh nhân cai nghiện ở các trung tâm tăng, nhưng tỷ lệ tái nghiện sau khi ra trại vẫn chiếm tới 90%, thậm chí có nơi là 100%. Điều ấy càng đặt ra cho "cuộc chiến" phòng, chống đại dịch thế kỷ HIV/AIDS cần phải đẩy mạnh làm tốt hơn nữa trong toàn cộng đồng.

Theo Theo Quân đội nhân dân