Điển tích Oóc om-bóc
Đại đức Thanh Hải, chùa Mã Tộc - còn gọi là chùa Dơi (thị xã Sóc Trăng) kể: "Oóc om-bóc được tổ chức ngày Rằm tháng 10 với tên gọi theo tiếng Việt là "lễ cúng thần mặt trăng" hay “lễ cúng trăng" thể hiện lòng biết ơn vị thần đã phù hộ một mùa vụ bội thu và cho sự ấm no của nhân gian".
Oóc om-bóc thu hút mọi người không chỉ là dịp cúng lễ mà còn bởi tính chất hội hè của nó. Ở các gia đình, khi trăng (đêm 14-10 âm lịch) vừa lên, gia chủ mang đồ cúng để trên chiếc mâm, đặt trước sân nhà và trong mâm cúng không thể thiếu món cốm dẹt... Xong lễ cúng, người cao niên trong nhà lấy cốm dẹt đút vào miệng những đứa trẻ trong gia đình. Hình ảnh đút cốm dẹt cho đứa trẻ nuốt vào miệng theo tiếng Khmer là Oóc om-bóc: Oóc (đút) om-bóc (nuốt cốm) và hỏi đứa trẻ về những mơ ước trong năm tới. Sau khi xong phần nghi thức ở gia đình, mọi người bắt đầu đổ về các ngôi chùa gần nhà để chung vui đêm cúng trăng, thả đèn giỏ, đèn nước, múa lăm vông, hát rôlăm, dukê và đua ghe ngo (um tuk ngua)...
Truyền thuyết "um tuk ngua"
Theo truyện kể dân gian và các giai thoại còn lưu giữ tại một số chùa Khmer, truyền thuyết về đua ghe ngo được kể rằng: Ngày xưa có Niềng Chanh - một tỳ nữ xinh đẹp, giỏi giang ở một kinh thành nọ. Và có một tên quan đại thần do lòng ganh ghét đã vu khống cho nàng tội bỏ chất cáu bẩn ở móng tay của nàng vào nồi canh đem dâng lên vua. Không có cách nào minh oan, Niềng Chanh vội vã xuống thuyền xuôi theo sông Ba Sắc (Sông Hậu) chạy trốn. Tên vua cho quân lính đuổi theo bắt giết nàng. Trên những dòng sông mà thuyền Niềng Chanh đi qua, những cuộc rượt đuổi truy bắt đau xót ấy đều để lại dấu tích. Như Vàm Ống Nhổ (còn gọi Vàm Tho)- nơi nàng ném trả chiếc ống nhổ (vật kỷ niệm vua tặng nàng trước kia gọi là Piêm càn-thua - tiếng Khmer có nghĩa là Dù Tho); Sóc Cơm Sống (còn gọi là Sóc Bãi Xàu, thị trấn Mỹ Xuyên, Sóc Trăng), nơi nàng dừng lại nấu cơm, cơm chưa kịp chín thì quân lính đã kéo tới, nàng phải vội vã bỏ chạy; vàm sông nơi nàng bị vua xử chém được đặt tên là Piêm Niêng Canh (Vàm Nàng Chanh - nay là vàm Mỹ Thanh, huyện Mỹ Xuyên)... Để tưởng nhớ Niềng Chanh, hàng năm cư dân Khmer quanh vùng tổ chức đua ghe ngo để diễn lại cảnh Niềng Chanh chạy trốn.
Ghe ngo thường làm bằng thân cây sao khoét ruột, không có mui với hình dáng như con thoi (chiều dài từ 22 đến 30m) giống hệt rắn thần Narga - vật linh của người Khmer, ghe có trên 40 tay chèo. Khoang rộng nhất ở giữa (rộng 1,2m), từ đó lên tới mũi ghe chỉ cỡn thu nhỏ độ 40cm, còn từ khoang giữa ghe trở ra sau lái độ rộng của khoang là 45cm. Mũi lái ghe uốn cong giống như chiếc lá mây cách mặt nước gần 2m. Thân ngoài ghe được trang trí các họa tiết, hoa văn sặc sỡ... Ghe chỉ để tham dự đua ở lễ Ooc om-bóc, ngoài ra không sử dụng vào mục đích khác. Người Khmer coi ghe Ngo là vật quý, linh thiêng nên trước khi cho ghe xuống nước thì cả phum sóc và thầy sãi cả ở chùa phải lựa chọn những thanh niên trai tráng khỏe mạnh để làm “Ch'rò-wa” (quân dầm bơi), đồng thời cử một người có uy tín trong phum sóc để giữ vai trò "chim- khbal" (người ngồi đầu ghe) và "sma-keang" (tòng khoang) cầm dầm lấy nhịp. Ngoài ra còn có ông "Néak-kân-say" (người cầm lái) cùng "yông-lith”, - phụ lái - rồi mới định giờ hạ thủy thi đấu. Trong nghi lễ hạ thủy ghe, đầu tiên ông "chih-khball” cho bày cơm nước cúng thần linh ghe Ngo rồi chiêu đãi các tay chèo... Bà con trong phum sóc nổi trống và nhạc lên, cùng nhau đẩy ghe (dưới có gác các cây chuối làm đà trượt) xuống nước.
|