Loay hoay các quy định cấm trong điện ảnh
Các Website khác - 14/11/2005

"Cách đây hơn chục năm, những cảnh đâm kiếm xuyên qua ngực là bị cắt bỏ ngay. Nhưng bây giờ những cảnh đó có thể chấp nhận được. Rồi thế nào bị gọi là khiêu dâm, hở thế nào là vừa?", Bộ trưởng Văn hóa Thông tin Phạm Quang Nghị giải trình trước Quốc hội chiều 14/11.

Chung chung, chưa tạo bước đột phá là nhận xét của nhiều đại biểu Quốc hội về Luật Điện ảnh, được thảo luận hôm nay. Thừa nhận những khiếm khuyết trên, nhưng Bộ trưởng Văn hóa Thông tin Phạm Quang Nghị cho rằng, đây là bộ luật rất khó.

"Chúng tôi muốn quy định cụ thể hơn nữa những nội dung bị cấm trong hoạt động điện ảnh, nhưng khi đi vào chi tiết thì tranh luận không thống nhất. Thời gian để thống nhất quan điểm chưa biết đến khi nào, để có thể trình Quốc hội thông qua", ông Nghị nói.

"Tôi có đọc một bài báo là cách đây 20 năm, điện ảnh Việt Nam không có hôn môi. Khi muốn diễn tả cảnh hôn môi người ta phải có hình ảnh khác, chứ không có cử chỉ trực tiếp. Nhưng bây giờ khác rồi. Một số nước quy định cụ thể những cảnh quay nóng giới hạn bao nhiêu giây... nhưng áp dụng vào Việt Nam lại khó vì mỗi nước có những đặc trưng văn hoá", Bộ trưởng Nghị nói.

Theo ông Nghị, ngoài 4 nội dung cấm trong luật, còn có các Hội đồng thẩm định duyệt phim. Nếu Hội đồng thẩm định có 10 người mà 8 người đồng ý thì cho dù đó là cảnh hôn, làm tình cũng không thể cứng nhắc cấm được.

Trong phần phát biểu tại Quốc hội chiều14/11, đại biểu Đỗ Hồng Quân cho rằng, Luật điện ảnh có dáng vẻ "lừng khừng" thiếu tầm, chưa tạo sức bứt phá cho điện ảnh, chưa đáp ứng mong đợi của những người làm điện ảnh. Với quan điểm "quản lý đầu ra" các tác phẩm điện ảnh, đại biểu Quân cho rằng, không nên có Hội đồng tuyển chọn kịch bản. Thời gian qua những hội đồng kiểu này đã trở thành nỗi kinh hoàng của các nhà làm phim.

Theo điều 47b của dự luật, cơ sở sản xuất phim, phát hành phim không được chiếu quảng cáo, chiếu giới thiệu phim khi chưa có giấy phép phổ biến, chưa có quyết định phát sóng. Ông Đỗ Hồng Quân cho rằng, hiện nay, khâu quảng cáo chiếm vị trí quan trọng đến việc thành bại của một bộ phim. Nếu quy định như dự luật thì quá cứng nhắc.

Luật sư có nhất thiết phải gia nhập đoàn?

Theo dòng sự kiện:
Bộ trưởng và đại biểu sẽ đối thoại trong chất vấn (14/11)
'Tôi chán những chất vấn phê phán thiếu xây dựng' (12/11)
Thiệt hại từ cúm gà chưa đến mức điều chỉnh GDP (11/11)
Tranh cãi về cảnh sát tư pháp chưa có hồi kết (09/11)
Luật bảo hiểm mới làm doanh nghiệp khó cạnh tranh (07/11)
Xem tiếp»

Quy định một người muốn được hành nghề luật sư thì phải gia nhập đoàn luật sư đã gây tranh luận sôi nổi trên diễn đàn Quốc hội hôm nay khi bàn thảo Dự luật về luật sư. Đại biểu Lương Phan Cừ cho rằng đoàn luật sư là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện. Nếu bắt buộc luật sư, một nghề hoạt động mang tính chất tự do, tham gia vào đoàn luật sư là không phù hợp. Ủng hộ quan điểm này, đại biểu Vũ Tuyên Hoàng cho rằng nếu chỉ sợ luật sư tiêu cực, cần phải có đoàn luật sư quản lý là không hơp lý. "Nếu họ có biểu hiện tiêu cực thì đã thể hiện ngay ở phiên tòa, khi tham gia tố tụng", ông Hoàng nói.

Trái ngược hoàn toàn với ý kiến trên, đại biểu Hà Đức Lệnh cho rằng cần quy định như dự thảo. "Luật sư là một nghề đặc thù, có vai trò rất quan trọng và phải quản lý chặt chẽ, tránh trường hợp như luật sư Lê Bảo Quốc khi sai phạm, hỏi Sở Tư pháp TP HCM, nơi ông Quốc hành nghề thì ngớ ra bởi không quản lý. Ông Quốc tham gia đoàn luật sư Hà Tĩnh", ông Lệnh đưa ra dẫn chứng. Đại biểu Nguyễn Thế Hiệp ủng hộ như dự thảo bởi lẽ các tổ chức nghề nghiệp cần phải có trách nhiệm với thành viên và qua đó thành viên cũng nâng cao trách nhiệm của mình.

Một vấn đề được quan tâm là việc xử lý luật sư vi phạm. Đại biểu Lê Văn Tâm cho rằng, mức độ xử lý chỉ cảnh cáo, khiển trách hoặc thu hồi chứng chỉ hành nghề trong 6 đến 24 tháng là quá nhẹ nhàng. "Theo tôi cần kéo dài thời gian đình chỉ lên 12 đến 36 tháng" - đại biểu Tâm nói.

Việt Anh - Như Trang