Lúng túng trong xử lý thức ăn gia cầm
Các Website khác - 14/11/2005

"Ngay cả tôi cũng không biết khuyên gia đình thế nào bởi y tế nói có người ăn trứng luộc, lẩu gà (tức là đã qua nấu chín) vậy mà vẫn nhiễm virus H5N1" - Cục trưởng Thú y Bùi Quang Anh trong cuộc họp chiều 14/11 của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống cúm gia cầm đã bức xúc nói.

Hiện khuyến cáo của các ngành chức năng với người tiêu dùng là nên ăn gia cầm đã qua kiểm dịch, có nguồn gốc rõ ràng và ăn chín uống sôi. Mới đây, Tổ chức nông lâm thực thế giới khuyến cáo có thể ăn thịt gia cầm sau tiêm văcxin được 14 ngày, thay vì 28 ngày như trước.

Nhưng ông Quang Anh cũng thừa nhận kiểm dịch hiện chỉ có thể bằng cảm quan, trong khi đó vịt mang virus vẫn khoẻ mạnh bình thường nên rất khó xác định. "Muốn biết chính xác gia cầm có mang virus hay không phải lấy máu xét nghiệm, phải cần thời gian. Hiện lực lượng thú y quá mỏng, không thể đến từng hộ dân để lấy mẫu gia cầm xét nghiệm", ông nói.

Ngày mai, đàn vịt của một hộ dân ở phường Yên Sở, Hà Nội, sẽ bị tiêu hủy hoặc di dời ra ngoại thành. Ảnh: N.T.

Giải pháp để vừa tiêu thụ được gia cầm sạch, vừa bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng, theo Thứ trưởng Y tế Trịnh Quân Huấn là ngành thú y phải tổng hợp những điểm chăn nuôi quy mô lớn, đảm bảo vệ sinh thú y và tổ chức giết mổ tập trung, đóng hộp, để bán cho người dân. "Những điểm chăn nuôi đảm bảo vệ sinh phải được công bố để người dân biết và mua gia cầm ở đó", ông Huấn nói.

Theo Cục Thú y, hôm nay không có thêm địa phương nào tái phát dịch. Bản đồ dịch vẫn khu trú ở 10 tỉnh thành gồm: Bạc Liêu, Đồng Tháp, Hà Nội, Bắc Giang, Quảng Nam, Thanh Hoá, Hải Dương, Hưng Yên, Ninh Bình và Hải Phòng.

Tại một số tỉnh như Quảng nam, mấy ngày qua, dịch tiếp tục xảy ra tại các xã Quế Minh, huyện Quế Sơn; xã Bình Dương, huyện Thăng Bình.

Tại Thanh Hoá, ngày 13/11, dịch cúm gia cầm xảy ra tại 3 hộ chăn nuôi của 3 xã Hoằng Phụ, Thuận Lộc, Quảng Thịnh thuộc 3 huyện Hoằng Hoá, Hậu Lộc và Quảng Xương.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát ghi nhận cái khó của ngành thú y trong công tác kiểm dịch, nhưng nhấn mạnh: "Dù lực lượng mỏng vẫn phải làm xét nghiệm. Để làm được điều đó, các địa phương phải xây dựng lò giết mổ tập trung". Bộ trưởng Phát cũng yêu cầu, ngành thú y và y tế cần phối hợp để đưa ra cách tuyên truyền thống nhất. Chậm nhất là đầu tháng 12 tới, mỗi hộ dân phải có một tài liệu tuyên truyền về phòng chống dịch cúm.

Đánh giá về công tác phòng chống dịch bệnh thời gian qua, Bộ trưởng Phát cho rằng trung ương chỉ đạo rất quyết liệt, nhưng địa phương làm chưa kiên quyết. "Virus có sẵn trong môi trường, trong chim di trú, khí hậu lạnh thuận lợi cho sự lây lan của virus thì việc giám sát, phát hiện ổ dịch rất chậm, xử lý lại thiếu triệt để. Đây chính là nguyên nhân khiến dịch lây lan nhanh", ông Phát nói.

Trong khi đó, Viện trưởng Thú y Trương Văn Dung đưa ra một thông tin không mấy sáng sủa là qua nghiên cứu 24 mẫu gene virus lấy từ gia cầm và người cho thấy, mẫu gene virus ở người và gia cầm của Việt Nam có khá nhiều đột biến, nhất là gene PB2. Vì thế nguy cơ công phá của virus này sẽ rất lớn.

Để đẩy mạnh công tác phòng chống dịch, các thành viên ban chỉ đạo thống nhất sẽ thành lập 9 đoàn công tác đi kiểm tra công tác phòng chống dịch ở 30 địa phương. Trước đó, 10 đoàn của các phó thủ tướng và bộ trưởng đã thị sát hơn 30 tỉnh thành. Lãnh đạo Bộ Y tế và Nông nghiệp sẽ trực tiếp xuống 10 địa phương có dịch để hướng dẫn dập dịch. Viện công nghệ sinh học sẽ phối hợp với Viện Thú y để nhanh chóng nghiên cứu sản xuất thử văcxin cho gia cầm.

Trả lời báo chí về việc có nâng mức hỗ trợ tiêu huỷ để đỡ thiệt thòi cho người chăn nuôi, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Bùi Bá Bổng cho biết, 15.000 đồng một con (tương đương 1 USD) là sự cố gắng của Chính phủ và hiện mức này ngang bằng với các nước đang phát triển. Trung Quốc, Thái Lan cũng đang áp dụng mức này. Như vậy thời gian tới, việc nâng mức hỗ trợ sẽ không thể thực hiện.

Hà Nội đình chỉ 8 cán bộ kiểm dịch thiếu trách nhiệm

Chi cục Thú y Hà Nội vừa ra quyết định đình chỉ 8 cán bộ thuộc 4 trạm kiểm dịch động vật: Thượng Đình, Nam Thăng Long, Cầu Chui, Láng - Hoà Lạc do thiếu trách nhiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm soát gia súc, gia cầm vận chuyển qua các chốt này vào thành phố. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Huy Diến cho biết, sẽ tiếp tục kiểm tra và xử lý nghiêm cán bộ nếu phát hiện vi phạm.

Ngày 14/11, UBND thành phố Hà Nội ban hành quyết định thành lập tổ công tác thường trực và xử lý nhanh thực hiện kế hoạch hành động khẩn cấp phòng chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn. Tổ công tác gồm các lực lượng: Chi cục Thú y, các sở Y tế, Thương mại, Giao thông công chính, Công an, Bộ chỉ huy Quân sự thành phố. Nhiệm vụ của tổ là tiếp nhận, xử lý thông tin nhanh liên quan các hoạt động phòng chống dịch cúm gia cầm từ quận, huyện đến cơ sở, hướng dẫn nhân dân thực hiện phòng chống cúm gia cầm, thực hiện chế độ báo cáo thường xuyên (3 ngày/lần) về Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm thành phố.

Như Trang

Theo dòng sự kiện:
Kiểm tra phòng dịch 24 quận huyện của TP HCM (12/11)
10 tỉnh thành tái phát dịch cúm gia cầm (12/11)
Cách nhận biết và phòng ngừa cúm gia cầm trên người (12/11)
Lào Cai lập 5 chốt kiểm dịch tại cửa ngõ (12/11)
H5N1 ở Việt Nam đã có nhiều đột biến nguy hiểm (12/11)
Xem tiếp»